Giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng được ví như một thời kỳ 'dẹp loạn', chống đổ vỡ. Nhìn một giai đoạn đầy biến động này mới thấy được sự phức tạp của hệ thống ngân hàng cùng sự dính dáng của các đại gia hàng như Trầm Bê, Nguyễn Đức Kiên…

Hai đại gia ra đi, Sacombank chưa yên

Tròn 3 năm sau khi phải lên “làm việc” với  công an và từ nhiệm thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB), ông Đặng Văn Thành chứng kiến “đối thủ” của mình - ông Trầm Bê cũng phải nói lời từ giã với Sacombank.

Ngày 11/11/2015, HĐQT Sacombank thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Quyết định này đánh dấu sự rút lui khỏi ngân hàng của ông Trầm Bê sau hơn một thập kỷ trong lĩnh vực này.

Vụ thâu tóm Sacombank đầy bí ẩn diễn ra từ năm 2011 mãi sau này mới lộ diện người đứng đầu nhóm cổ đông giấu mặt chính là ông Trầm Bê, phó chủ tịch NHTMCP Phương Nam (SouthernBank) và là một đại gia có tiếng ở Sài Thành. 

{keywords}
Sacombank vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu.

Vụ thâu tóm diễn ra trong bối cảnh các NH buộc phải tái cơ cấu để xử lý nợ xấu và cắt sở hữu chéo. Tuy nhiên, có vẻ như, nỗ lực tái cơ cấu lần 1 của Sacombank đã không được như mong muốn.

Sacombank thời ông Đặng Văn Thành, dù có nhiều khoản cho vay và đầu tư chéo Sacombank và các công ty thành viên trong Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình ông Thành, nhưng đây là một NH thuộc nhóm tốt nhất thị trường, có tình hình tài chính tốt và kinh doanh có lãi. 

Sacombank sau khi được nhóm cổ đông mà đứng sau là ông Trầm Bê thâu tóm, theo một báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TP.HCM, còn có cấu trúc sở hữu chéo phức tạp hơn nhiều, không chỉ liên quan tới các DN phi tài chính mà còn cả các NHTM khác.

Theo đó, cổ đông mới của Sacombank chính là cá nhân ông Trầm Bê, các thành viên trong gia đình và các DN gồm có Eximbank, SouthernBank và các CTCP đầu tư có liên quan tới các NH này như Đầu tư Sài Gòn Exim, Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu, CTCK Rồng Việt.

Các báo cáo sau đó cho thấy, nhóm đầu tư này kiểm soát 37,7% vốn điều lệ của STB vào cuối năm 2012. Với thông tin Eximbank công bố về tỷ lệ kiểm soát lên tới 51% thì vẫn còn 13-14% cổ phần STB là được thâu tóm qua các tổ chức khác và dưới các hình thức ủy thác đầu tư mà không thể xác định dựa trên những thông tin công bố chính thức. Sau đại hội cổ đông thường niên 2012 (giữa năm) nhóm cổ mới được bầu 6/10 thành viên vào HĐQT.

Tuy nhiên, hậu thâu tóm Sacombank không kết thúc ở đây mà còn nhiều sự kiện nữa diễn ra từ năm 2013 cho đến khi Sacombank và SouthernBank sáp nhập vào cuối 2015. Khi đó, NHNN trở thành người đại diện nắm giữ trên 51% số cổ phần của Sacombank sau sáp nhập.

{keywords}

Cấu trúc sở hữu trong hoạt động thâu tóm Sacombank tính tại thời điểm 31/12/2012. (Nguồn: Báo cáo của ôngNguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TP.HCM)

Bầu Kiên ra đi, họ Trần trở lại

Một thời dẹp loạn qua đi cũng cho thấy những sự cố chốn đổ vỡ buộc nhà nước phải ra tay nhưng cũng có nhưng cuộc đổi ngôi ngoạn mục. 

Sự ra đi của Bầu Kiện và lộ trình trở lại lèo lái Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) của gia đình họ Trần là một cứ đổi ngôi ấn tượng.

Trước khi tái cơ cấu, thời điểm năm 2011, ACB là NHTMCP có quy mô lớn nhất xét cả về tổng tài sản và dư nợ cho vay trong hệ thống NH Việt Nam. ACB cũng được đánh giá là NH có sức khỏe tài chính tốt nhất với tỷ suất lợi nhuận cao và nợ xấu thấp.

Tuy nhiên, ACB là NHTM thực hiện sở hữu, đầu tư và cho vay chéo phức tạp nhất. Cho đến năm 2012, ACB trực tiếp và gián tiếp sở hữu cổ phần và là cổ đông lớn của bốn NHTM là Eximbank, Đại Á, Việt Nam Thương Tín và Kiên Long.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Thành Fulbright, trong cơ cấu sở hữu, ACB có ba nhóm cổ đông lớn là gia đình ông Trần Mộng Hùng, gia đình ông Nguyễn Đức Kiên và nhóm cổ đông nước ngoài (gồm Standard Chartered Bank, Dragon Capital và Connaught Investors). 

Tuy nhiên, trong thời gian 2008-2011, ông Nguyễn Đức Kiên đã chi phối hoạt động quản trị, điều hành của ACB. Các cổ đông lớn khác hầu như không có tiếng nói.

Ông Kiên và gia đình đã thành lập và là chủ 6 công ty là ACI, B&B, ACBI, ACI-HN, AFG và Thiên Nam.

ACB đã tài trợ vốn cho các công ty của ông Kiên để đầu tư chứng khoán (trong đó có chính cổ phiếu ACB) và vàng tài khoản bằng cách trực tiếp và gián tiếp thông qua CTCK ACB (ACBS) và các NHTM mà ACB là cổ đông lớn. Đến cuối năm 2011, tổng giá trị mà ACB ủy thác để kinh doanh vàng lên tới gần 40 ngàn tỷ đồng.

Một vấn đề gây rắc rối nữa cho ACB là cho vay các TCTD khác. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô và tên tuổi các NHTM yếu kém được đưa ra, cá nhân và tổ chức đã tập trung gửi tiền vào các NHTMNN và các NHTMCP được cho là vững mạnh trong đó có ACB. Một phần lớn được ACB dùng để cho vay các TCTD khác với lãi suất cao hơn, bao gồm cả việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các NHTM khác dưới hình thức tiền gửi cá nhân.

Bầu Kiên bị bắt, gia đình ông Trần Mộng Hùng quay trở lại nắm quyền tại NH này với sự kiện nổi bật là con trai ông Hùng (Trần Hùng Huy) lên nắm giữ vị trí chủ tịch. Báo cáo quản trị 2015 cho thấy, gia đình ông Hùng vẫn đang sở hữu lượng cổ phiếu lớn nhất tại nhà băng này.

Theo đánh giá của CTCK BSC, trong giai đoạn 2012-2015, ACB đã dồn lực xử lý các tồn đọng rủi ro phát sinh trong năm 2012, đã hoàn tất xử lý khoản tiền gửi tại VietinBank trong vụ Huyền Như. Tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,31%.

M.Hà