Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự phát triển so với khu vực nhưng đã có những cú mua bán sáp nhập rất "sáng tạo" đến các chuyên gia tài chính nước ngoài cũng bất ngờ ngã ngửa.
Chiêu lạ của đại gia Việt
Trong vài tháng đầu năm mới 2016, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục chứng kiến những thương vụ kỳ lạ. CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bỏ cả ngàn tỷ đồng vừa thu về chưa nóng tay để mua lại công ty cao su từ 2 đối tác chiến lược là một ví dụ.
Chỉ sau một khoảng thời gian chưa đầy 2 tuần, toàn bộ số tiền hơn 1.600 tỷ đồng thu về từ đợt chào bán 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho hai tổ chức, đã được HAGL Agrico tiêu hết. Sự kỳ lạ nằm ở chỗ: 2 đối tác chiến lược chấp nhận mua cổ phiếu HNG của bầu Đức với giá hớ tới 1.100 tỷ đồng so với thị giá thực của cổ phiếu này trên thị trường khi đó. Nhưng khi số tiền quay vòng về với chủ cũ, câu chuyện mới trở nên dễ hiểu. Hai cổ đông chiến lược trước sở hữu 100% cổ phần Cao su Đông Dương đã bán đứt DN này và đổi lại sở hữu tổng cộng gần 8% cổ phần tại HNG.
M&A ngàn tỷ nhiều lúc là cú lách luật để mua bán tài sản thuận lợi nhất. |
Ông Nguyễn Văn Thành, chuyên gia lâu năm trên sàn chứng khoán SSI cho rằng, đây là một vụ mua bán sáp nhập (M&A) mang màu sắc Việt Nam. Bởi thủ tục M&A không nhanh gọn bằng việc mua bán lòng vòng như trên.
Sau các biến động tại CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) trong năm 2015 cũng giúp không ít NĐT từ tổ chức tới cá nhân kiếm bội tiền. Công ty Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc bỏ túi hơn 70 tỷ đồng trong chưa đầy một tháng nhờ gom cổ phiếu này trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu về một cuộc chạy đua thâu tóm DN.
Đầu 2016, chính CII cũng đã xác lập một kỷ lục trên TTCK Việt Nam khi DN mua bán một DN khác trong vòng đúng một ngày và thu về khoản lãi 150 tỷ đồng.
Theo giải thích của CII, thực chất là một vụ chuyển nhượng tài sản với mức giá đã xác định từ trước. Thủ tục bán vốn đơn giản hơn cho nên DN đã chọn cách thức này thay vì trực tiếp bán tài sản.
Giới đầu tư cũng chóng mặt với Công ty Cổ phần Đầu tư FIT khi DN này vừa bán hơn 21% cổ phần ở DN Sao Nam thì công ty con của FIT lại mua vào để nâng sở hữu tại Sao Nam lên gần 47% với giá cao ngất, cao gấp nhiều lần so với giá FIT bán ra.
Con đường tăng trưởng nhanh nhất?
Công ty con của FIT (TSC) là một điển hình trên TTCK về khả năng phát hành cổ phiếu tăng vốn chóng mặt. Trong vòng hơn 2 năm, tính tới cuối 2015, vốn TSC đã tăng gấp gần 18 lần lên gần 1,5 ngàn tỷ đồng. TSC vừa hoãn bàn tới kế hoạch tăng vốn lên hơn 2 ngàn tỷ đồng trong đại hội vừa tổ chức hôm 12/3/2016.
Vòng quay bán cổ phiếu lấy tiền, tăng vốn, lập công ty mới, tiếp tục phát hành, rồi mua bán qua lại giữa các công ty mẹ con với nhau, giữa các công ty con với nhau khá phức tạp.
Điều mong đợi nhất là sự minh bạch sau những giao dịch ngàn tỷ. |
Riêng với FIT, DN này có tốc độ tăng trưởng quy mô hàng đầu Việt Nam. Với mức vốn vài chục tỷ đồng hồi 2007, đến nay FIT đã có vốn điều lệ gần 1,8 ngàn tỷ đồng. Tài sản của FIT tăng hơn 60 lần lên hơn 4,4 ngàn tỷ đồng.
Sự hồi phục của Công ty Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) với sự xuất hiện của anh em đại gia BĐS Vũ Văn Tiền (Chủ tịch Tập đoàn Geleximco) và em trai Vũ Văn Hậu cũng gắn liền với những thương vụ mua bán, đầu tư tài chính thần tốc với những khoản lãi khủng.
Chỉ trong vòng khoảng 2 tuần cuối 2015, SHN đã ghi nhận lãi hơn 250 tỷ đồng sau khi hoàn thành mua bán cổ phiếu 2 DN không có mấy tên tuổi. SHN đã lãi lớn đúng như lời hứa trước đó của ông Vũ Văn Tiền, người được xem có thể là tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam.
Tất nhiên, cổ phiếu SHN gây ấn tượng với những đợt sóng tăng giá mạnh sau khi có sự hỗ trợ của các doanh nhân hàng đầu tại Việt Nam.
Không ít các chiêu lạ cũng đã được các DN đưa ra như trong trường hợp PNC thế chấp toàn bộ cổ phần trong liên doanh Megastar vay 150 tỷ đồng từ một DN con của tập đoàn CJ Hàn Quốc; hay như vụ Chứng khoán Trí Việt lên sàn chưa đầy 10 ngày, công ty mẹ vội thoái 51% vốn; vụ chủ tịch KSS đã “bán chui” hết cổ phiếu trước khi bị bắt; Công ty gia đình và vòng luẩn quẩn vay mượn ở Thuận Thảo (GTT)…
Có thể thấy, TTCK chưa thực sự phát triển ngang bằng so với khu vực nhưng nhiều doanh nhân Việt dường như có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường này cũng như có hiểu biết sâu sắc về tài chính doanh nghiệp và các hình thức mua bán sáp nhập, thậm chí có nhiều "sáng tạo" hơn doanh nhân nước ngoài.
Nhiều DN Việt đã có ý thức nâng cao năng lực tài chính để đủ sức vươn mình ra quốc tế, cạnh tranh với quốc tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về quy mô và tài sản khủng ở một số DN trong thời gian gần đây khiến không ít NĐT lo ngại. Đòn bẩy tài chính, với vốn vay ngân hàng lớn, cùng với hàng loạt các độc chiêu mang về lợi nhuận trên sổ sách cho DN cùng với tốc độ phát hành cổ phiếu thần tốc… khiến cổ đông lo ngại về sự ổn định và tính bền vững của DN.
Những vụ mua bán ghi nhận trăm tỷ, ngàn tỷ diễn ra liên tục cũng tạo ra sự e dè trên TTCK vì đơn giản NĐT vẫn còn băn khoăn về giá trị thực sự trong các hoạt động của DN.
V. Hà