Giấc mơ Mỹ về một kỷ nguyên mới với khả năng thống trị thị trường dầu mỏ và cơ hội kiếm lời lớn từ công nghệ sản xuất dầu khí đá phiến đã tan vỡ. Nhiều đại gia ngành năng lượng của Mỹ đang ôm những quả bom nợ khổng lồ chờ ngày phát nổ.

Xếp hàng chờ phá sản

Thông tin từ CNN, công ty dầu mỏ lớn nhất Bắc Mỹ - tập đoàn khai thác dầu khí đá phiến khổng lồ SandRidge Energy (SD) đang đứng trước bờ vực phá sản do giá dầu giảm sau khi giới đầu tư cạn hy vọng vào một thỏa thuận giảm sản lượng giữa các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới.

Khả năng trả nợ của SandRidge trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi giá dầu thô không thể trụ được ở ngưỡng 40 USD/thùng trong khi các khoản tiền đi vay để đầu tư của tập đoàn này được tính toán dựa trên giá dầu ở mức 100 USD/thùng.

Với khối nợ 3,6 tỷ USD, SandRidge có thể trở thành công ty dầu mỏ lớn nhất Bắc Mỹ phá sản trong cơn bão giảm giá dầu kéo dài trong vài năm qua. Giá cổ phiếu SandRidge đã giảm từ 80 USD/cp hồi 2008 xuống chỉ còn 7 xu/cp.

{keywords}
Hàng loạt tập đoàn năng lượng dầu khí Mỹ xin phá sản.

Hiện tại, công ty có trụ sở tại Oklahoma đang xem xét đệ đơn bảo hộ phá sản.

Tháng 2/2016, Mỹ chứng kiến một nạn nhân của cuộc khủng hoảng dầu khí là Energy XXI Ltd. Công ty này có số nợ cũng không thua kém SandRidge, lên tới 3,4 tỷ USD và cũng giống như SandRidge, Energy XXI đang đứng trước nguy cơ vợ nợ và phá sản.

Đầu năm 2016, Công ty Swift Energy có trụ sở ở Texas cũng rơi vào tình cảnh sống dật dờ sống dở chết dở. Chủ tịch kiêm GĐ điều hành của Swift Energy đã vay tiền từ NH, các NĐT, các quỹ hưu trí để theo đuổi giấc mơ dầu khí đá phiến. Nhưng giờ đây, giấc mộng giàu nhanh nhờ công nghệ đột phá dầu khí đá phiến đã tan thành mây khói. Canh bạc đã tàn, công ty của gia đình Terry Swift ngập đầu trong đống nợ gần 1,4 tỷ USD.

Từ mức 40 USD vào năm 2011, cổ phiếu Swift Energy rớt xuống 25 xu và đã bị loại khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. Swift Energy thiếu tiền mặt để hoạt động và chi trả lãi vay nhưng không thể vay được trong cơn bão giảm giá dầu.

Không chỉ có những “ông lớn” như SandRidge hay DN lớn nhanh như thổi nhờ làm chủ được công nghệ mới Swift Energy, nhiều công ty dầu khí đá phiến của Mỹ cũng đang trở thành những 'thây ma' với khối nợ khổng lồ và đứng trước nguy cơ phá sản mà không còn chút hy vọng khi giá dầu không thể hồi phục.

Cơn bão giảm giá dầu kéo dài từ 2014 nhưng tới đầu năm 2015 nước Mỹ mới chứng kiến công ty khai thác dầu đá phiến đầu tiên phá sản: WBH Energy. Nhưng từ đó tới nay, đã có tới hơn 50 tập đoàn khai thác dầu và khí đá phiến tại Bắc Mỹ nộp đơn xin phá sản. Trong đó, riêng trong 3 tháng đầu 2016, đã có tới 9 công ty. Nhưng đang còn không ít các công ty “sống mà như đã chết”, không đủ tiền để trả lãi nợ, nhưng không thể khoan thêm giếng dầu mới để thay thế những giếng cũ đã cạn dầu. Nổi bật có thể kể đến như Comstock Resources, Goodrich Petroleum, Samson Resources Corp.…

Hậu quả cuộc chiến giá dầu

Cách đây vài năm, Terry Swift, chủ tịch kiêm GĐ điều hành Swift Energy không thể hình dung ra được một kết cục bi thảm như hiện nay. Vào thời điểm đó, điều mà doanh nhân này nhìn thấy là một cỗ máy in tiền đang vào guồng hoạt động.

Swift cảm thấy công ty của ông đã gặp vận may lớn khi mà nước Mỹ làm chủ được công nghệ fracking - công nghệ gây nứt vỡ bằng thủy lực cho phép khai thác nguồn dầu khí nằm rải rác trong đá. Swift cảm thấy may mắn bởi mình có mặt trong một chương mới trong ngành năng lượng Mỹ và Swift Energy sắp lên đỉnh cao nhờ công nghệ mang tính đột phá này.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến giúp Mỹ trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và lần đầu tiên sau 40 Mỹ đã xuất khẩu dầu thô. Ngành công nghiệp dầu khí Mỹ đã lớn mạnh ngang Saudi Arabia.

{keywords}
Nước Mỹ đang trả giá cho cuộc chiến giá dầu do chính họ khởi xướng.

Tuy nhiên, sự thật đã không như mơ.

Sự lớn mạnh của ngành dầu khí Mỹ cùng với sự trỗi dậy của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã thực sự khiến Saudi Arabia nói riêng và OPEC nói chung lo sợ. Nỗ lực giành lại thị phần của Saudi Arabia trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Mỹ bằng cách tăng sản lượng khai thác, khiến nguồn cung dầu tăng lên trong khi nhu cầu toàn cầu chững lại.

Cuộc chiến dầu khí OPEC - Nga - Mỹ không thấy đường lùi đã khiến giá dầu có lúc xuống dưới ngưỡng 30 USD.

Trước khi nộp đơn phá sản, SandRidge đã sa thải nhân viên, rao bán cao ốc văn phòng, thậm chí cắt nước ngọt miễn phí cho nhân viên. Hồi giữa tháng 3, nước Mỹ cũng chứng kiến ông vua dầu đá phiến Aubrey McClendon, đồng sáng lập của tập đoàn năng lượng Chesapeake Energy, tử nạn trong một tai nạn xe hơi. Cuộc đời của người đàn ông tuyên bố “sẽ cho OPEC xuống địa ngục” gắn liền với sự bùng nổ và co cụm của ngành công nghiệp dầu đá phiến.

Cơn bão giảm giá dầu đang tàn phá giấc mơ dầu khí đá phiến của các DN Mỹ. Hàng loạt các công ty đã từ bỏ hoạt động khoan tìm dầu mới do không có tiền. Cuộc cách mạng công nghệ đã giúp Mỹ trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới nhưng bong bóng cũng đang vùi dập ngành công nghiệp này.

Gần đây 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Nga và Saudi Arabia đồng ý cứu giá dầu bằng việc hạn chế sản xuất. Tuy nhiên, hy vọng đó gần đây đã bị dập tắt sau khi Saudi Arabia cho biết quốc gia này sẽ chỉ đồng ý giữ sản lượng nếu Iran và những nước xuất khẩu dầu lớn khác chấp thuận làm tương tự. Đây là một điều rất khó bởi Iran mới đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với phương Tây và kiên quyết theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng dầu mỏ sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Đây là một thông tin không mấy tốt đẹp với các DN dầu khí đá phiến của Mỹ. Số lượng các công ty phá sản có thể chưa dừng lại bởi hàng trăm tỷ USD vay đầu tư vào lĩnh vực này chưa thấy nguồn nào để trả.

V. Ngọc