Việt Nam hiện khai thác 22 sân bay. Cách nay vài năm, “hội chứng sân bay” – địa phương nào cũng muốn đầu tư vào sân bay cho… oai, đã khiến hoạt động đầu tư, phát triển vào lĩnh vực hạ tầng này nhận được không ít chỉ trích về tính hiệu quả. Cảng hàng không Việt Nam đang đi tới đâu trong quá trình “bay” lên của mình?

Hiện nay, không phải sân bay nào ở VN cũng tấp nập máy bay lên xuống, hành khách ra vào liên tục… “Hội chứng sân bay” vẫn để lại những “di chứng” nặng nề… Tuy nhiên, đang có không ít dấu hiệu tốt cho thấy nhiều sân bay, đặc biệt là các sân bay địa phương đã có sự tăng trưởng.

Vận tải tăng, sân bay cũng… “cất cánh”

Chỉ hơn một tháng trở lại đây, hoạt động vận tải hàng không Việt Nam có nhiều sự kiện mới. Đầu tháng 11 này, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đưa vào khai thác máy bay Airbus A320 thế hệ Sharklet mới xuất xưởng của tập đoàn Airbus.

{keywords}

Cảng HK Quốc tế Đà Nẵng.

Trước đó, Jetstar Pacific mở liên tục hai đường bay mới” TP.HCM – Singapore và Hà Nội – Vinh. Trên mạng bay quốc tế, Vietnam Airlines liên danh với Jet Airway (Ấn Độ) mở đường bay hàng ngày từ TP.HCM đi Delhi và Mumbai. Ngày 7-11, một hãng hàng không giá rẻ khác là Vietjet Air khai trương đường bay Hà Nội-Siêm Riệp (Campuchia), đồng thời khai trương đường bay TPHCM – Thanh Hóa…

Chưa hết, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ngày một tăng, ngày 15-11, Hãng hàng không Vietjet đã bắt đầu một hoạt động khai thác thương mại hàng hóa trên toàn mạng lưới bay nội địa và quốc tế. Ngoài xây dựng đội máy bay vận chuyển hàng hóa, Vietjet Air còn cung cấp các dịch vụ thuê chuyển vận tải…

Liên tục 3 năm gần đây, ngành vận tải hàng không Việt Nam đã có nhiều thay đổi… Nhiều hãng hàng không nội địa mới được ra đời, nhiều tuyến bay mới được mở và nhiều hãng hàng không nước ngoài mở đường bay tới VN… Không chỉ mạng bay mở rộng, số lượng máy bay đưa vào khai thác cũng tăng tốc. Theo Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động vận tải hàng không của VN đang tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân 20%/năm – một con số lý tưởng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Như nước với thuyền…, vận tải hàng không tăng trưởng , hoạt động của nhiều cảng hàng không (HK) cũng sôi động hẳn lên. Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, công suất thiết kế của Cảng HK Nội Bài chỉ 6 triệu lượt khách/năm, cuối năm nay khi đưa vào sử dụng thêm sảnh mới, công suất sẽ tăng lên 9 triệu lượt hành khách/năm, nhưng hiện sân bay Nội Bài vào mùa cao điểm phục vụ gần 13 triệu lượt khách! Cảng HK Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu lượt khách/năm, nhưng năm 2013 đã đưa đón 20 triệu lượt khách và 10 tháng đầu năm 2014, lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất đạt xấp xỉ 22 triệu lượt!

{keywords}

Hành khách đang lên máy bay của Vietnam Airlines

Tại các sân bay địa phương như cảng HK Cần Thơ, nếu như năm 2012 lượng hành khách ở đây đạt 200.751 lượt, hàng hóa, bưu kiện đạt 1.482 tấn, thì năm 2013 đã tăng lên 241.307 lượt khách và 1.693 tấn hàng hóa. Năm 2014, Cảng HK Cần Thơ đặt kế hoạch đón 251.000 lượt khách và 1.863 tấn hàng hóa.

Tương tự năm 2012, Cảng HK Phú Quốc đón 493.434 lượt khách. Đến năm 2013, lượng khách qua sân bay Phú Quốc đã tăng 40% (685.036 lượt khách). Năm 2014, Cảng HK Phú Quốc đặt mục tiêu 739.800 lượt khách. Với nhiều đường bay mới đi/đến Phú Quốc vừa được mở, khả năng vượt kế hoạch của Cảng HK Phú Quốc là nằm trong tầm tay!

Tại cảng HK quốc tế Đà Nẵng, năm 2012 đón được gần 3,1 triệu lượt khách và hơn 10.000 tấn hàng hóa; năm 2013 đón 4,3 triệu lượt khách và hơn 16.000 tấn hàng hóa. Theo đà tăng trưởng này, năm 2014 Cảng HK quốc tế Đà Nẵng sẽ đón hơn 4,8 triệu lượt khách và hơn 17.000 tấn hàng hóa.

Một cảng địa phương nữa, Cảng HK sân bay Liên Khương, năm 2012 đón được gần 400.000 lượt khách và hơn 1.500 tấn hàng hóa. Năm 2013, sản lượng hành khách và hàng hóa tăng 20%. Năm 2014, sân bay Liên Khương dự kiến sẽ đón hơn 500.000 lượt hành khách.

Tính chung, hệ thống cảng HK Việt Nam từ năm 2002 đến nay tăng trưởng bình quân đạt 14%-17%/năm. 9 tháng đầu năm 2014, hoạt động kinh doanh của ngành tiếp tục phát triển tốt. Tổng lượng hành khách thông qua các cảng của Tổng công ty Cảng HK lên đến 38,085 triệu lượt khách, đạt gần 80% kế hoạch, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mới có 2/22 cảng có lãi

Mặc dù kết quả kinh doanh “năm sau luôn cao hơn năm trước” như đã đề cập đến. Thế nhưng, nếu so sánh kế quả này với công suất thiết kế của các cảng hàng không Việt Nam, sẽ thấy vẫn còn nhiều vấn đề về hiệu quả đầu tư.

Cả nước hiện có 22 cảng HK. Nhưng chỉ có 2 cảng HK Nội Bài và Tân Sơn Nhất khai thác vượt công suất thiết kế. Có nghĩa mới 2/22 cảng HK đầu tư có lãi! Còn lại thì sao?

{keywords}

Cảng HK Phú Quốc, mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá nhanh nhưng hiện nay, thực sự sân bay này mới khai thác được 1/5 lượng khách so với năng lực thiết kế.

Một điểm đến đang tăng trưởng mạnh lượng khách, đó là Phú Quốc. Cảng HK Phú Quốc có công suất thiết kế 2,65 triệu lượt khách/năm. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá nhanh nhưng hiện nay, thực sự sân bay này mới khai thác được 1/5 lượng khách so với năng lực thiết kế.

Trở lại cảng HK Cần Thơ, với công suất thiết kế 3 đến 5 triệu lượt khách /năm và 5.000 tấn hàng hóa/năm, mức khai thác hiện nay chỉ tương đương 1/10 công suất. Cảng HK Đà Nẵng vốn rất nhộn nhịp, lượng khách qua đây xếp thứ 3 với khoảng hơn 4 triệu lượt khách/năm, vậy nhưng so với công suất thiết kế, Cảng HK Đà Nẵng vẫn cần khai thác thêm mỗi năm 1,2 triệu lượt khách nữa mới lấp đầy được công suất thiết kế.

Còn lại hầu hết các cảng HK địa phương đều còn trống vắng… Cảng HK Liên Khương với công suất thiết kế 1,5 triệu khách/năm, hiệu quả khai thác mới đạt 1/3 so với thiết kế…

Tất nhiên, trong kinh doanh việc thu hồi vốn không thể “một sớm một chiều”, nhất là đối với các công trình hạ tầng giao thông có số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế khác, đó là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông có những đặc thù riêng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút khách đến các địa phương có tiềm năng về du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Côn Đảo…, dù biết rằng đầu tư xây mới hoặc chỉ nâng cấp sân bay trong giai đoạn hiện tại rất khó thu hồi vốn và có lãi nhưng ngành HK vẫn phải đầu tư. Do vậy, việc tính toán hiệu quả của các cảng HK, không chỉ là những con số lời lỗ, mà còn phải tính hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các hoạt động kinh tế khác phát triển.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật của ngành HK, như sân bay, lại thêm nhiều yêu cần khác nữa. Đó là các nhiệm vụ về phát triển an ninh, quốc phòng, đảm bảo giao thông thông suốt khi có những tình huống đột xuất.

Về nguyên tắc, Tổng Công ty Cảng HK Việt Nam được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng, quản lý 22 cảng HK trên cả nước, với tư cách là một doanh nghiệp, mục tiêu lợi nhuận phải đặt lên trên hết. Thế nhưng, như đã nói ở trên, doanh nghiệp này còn phải gánh thêm trên vai nhiều trách nhiệm về chính trị, xã hội. Cân bằng hai nghĩa vụ này là điều không đơn giản.

(Theo Sài Gòn Giải phóng)