Số lượng người Việt giàu có, sở hữu hàng tỷ USD tăng nhanh trên thực tế và trên bản đồ nhà giàu trên thế giới. Nếu như trước đây chỉ có ông Hoàng Kiều và Phạm Nhật Vượng thì nay số lượng đã tăng rất nhanh và hứa hẹn còn tăng mạnh.
Đại gia đi đầu: Hoàng Kiều
Chỉ hơn 1 năm trước đây, tỷ phú Hoàng Kiều (1944), 1 người Mỹ gốc Việt, là người giàu nổi tiếng nước Mỹ và là người Việt giàu nhất trên thế giới. Chỉ sau một đêm với sự kiện IPO công ty chuyên sản xuất huyết thanh Shanghai RAAS ở Trung Quốc vào đầu năm 2014, ông trở thành người Việt nổi bật, đáng được ngưỡng mộ trong danh sách những tỷ phú USD mới trên thế giới.
Tới cuối tháng 9/2015, theo bảng xếp hạng mới của Forbes, ông Hoàng Kiều lọt vào top 400, đứng thứ 149 với tài sản 3,8 tỷ USD và là gương mặt nổi bật trong số các tỷ phú mới nổi tại nước Mỹ.
Khi đó, tờ Forbes có một bài viết khá dài nói riêng về cuộc đời tỷ phú người Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều. Ông là người giàu nhất trong số 25 gương mặt mới trong danh sách Forbes 400 năm đó.
Tăng trưởng ấn tượng và thành công như một kỳ tích tại Mỹ và cả ở thị trường đông dân nhất thế giới - Trung Quốc, nhưng vị trí của ông Hoàng Kiều khá bấp bênh do cổ phiếu trồi sụt liên tục.
Cuối năm 2017, ông Hoàng Kiều mất cả tỷ USD so với đỉnh cao và giảm hạng chục bậc so với các bảng xếp hạng trước đó. Tính tới ngày 12/2/2018, tổng tài sản của đại gia Hoàng Kiều chỉ còn 2,8 tỷ USD, xếp thứ 838 trong bảng xếp hạng Forbes.
Trong khoảng thời gian chứng kiến tài sản sụt giảm, đại gia Hoàng Kiều dính tin đồn là người tình của Ngọc Trinh.
Trước đó, ông Hoàng Kiều cũng đã từng mang nhiều tai tiếng với các dự án tại Việt Nam. Tỷ phú Hoàng Kiều đã nhanh chóng vỡ mộng khi đầu tư tại Việt Nam và bỏ cuộc do triển khai xây dựng hàng loạt các công trình gặp trục trặc và cuộc thi hoa hậu thế giới cũng chưa được cấp phép chuyển từ Nha Trang về Tiền Giang.
Trong khi ông Hoàng Kiều trồi sụt thì các doanh nhân Việt khác vươn lên mạnh mẽ. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup, vượt Hoàng Kiều trở thành người Việt giàu nhất thế giới nhờ khối tài sản tăng vọt trong thời gian gần đây.
Tiếp theo đó, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không mới thành lập VietJet, cũng đã vượt qua ông Hoàng Kiều và trở thành người Việt giàu số 2 trên thế giới. Bà Thảo còn là nữ tỷ phú USD duy nhất tại Đông Nam Á.
Doanh nhân Việt ồ ạt thành tỷ phú USD
Năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp chứng kiến hàng loạt các doanh nhân Việt giàu lên một cách bứt phá. Nhiều tỷ phú USD xuất hiện. Những người vốn đã giàu trở nên giàu hơn gấp nhiều lần.
Có những thời điểm, chỉ trong vài ngày ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến tài sản tăng thêm cả tỷ USD, có ngày chiếm 2 đỉnh cao tại Việt Nam.
Trong những ngày đầu năm mới 2018, doanh nhân Phạm Nhật Vượng liên tục gây bão và vượt vị trí tỷ phú đình đám thế giới, trong đó có đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump (3 tỷ USD), tỷ phú Thái chủ câu lạc bộ Leicester City Vichai Srivaddhanaprabha, ông chủ câu lạc bộ bóng đá Tottenham Lewis hay nhà sáng lập Uber Travis Kalanick,...
Tính tới 12/2/2018, ông Vượng có tài sản 4,3 tỷ USD, xếp 497 trên thế giới. Trước đó, hồi cuối tháng 1/2018 ông Vượng có tài sản lên tới 5,5 tỷ USD và xếp thứ 367 trên thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes. Cuối 2016, ông Vượng có tổng tài sản mới chỉ 30,4 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là một doanh nhân có tài sản tăng vọt trong năm 2017. Đầu năm 2017, bà Thảo lọt danh sách tỷ phú Forbes sau khi hãng hàng không tư nhân Vietjet Air IPO và lên sàn.
Tới thời điểm hiện tại, bà Thảo có khối tài sản đạt 3,1 tỷ USD (có lúc đã đạt 3,3 tỷ USD), xếp thứ 751 trên thế giới. CEO hãng hàng không Vietjet hiện là tỷ phú USD giàu thứ 2 tại Việt Nam và nữ tỷ phú duy nhất tại Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú USD ngay sau khi Vietjet chào sàn chứng khoán cuối tháng 2/2017 và tiếp tục bứt phá sau khi cổ phiếu HDBank lên sàn vào hôm 5/1 vừa qua.
Bà Thảo được biết đến là người mang lại sự thay đổi lớn trong ngành hàng không Việt Nam với mô hình hàng không giá rẻ lai truyền thống. Bà cũng được nhắc nhiều khi Vietjet lên các chiến lược marketing bùng nổ mà báo chí phương tây còn gọi Vietjet là "Bikini Airlines"...
Cho tới thời điểm kết thúc năm Đinh Dậu, TTCK Việt Nam đã có 5 tỷ phú USD được xác nhận thông qua các bảng xếp hạng chính thức. Bên cạnh ông Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, còn có ông Trịnh Văn Quyết, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có một tỷ phú USD nữa, nếu tính theo tài sản gia đình. Đó là ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Novaland với khoảng 1,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số doanh nhân cũng rất giàu và được xem là các tỷ phú USD kín tiếng ở Việt Nam như ông Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát), ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Imex Pan Pacific Group), ông Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu), ông Lê Viết Lam (Sungroup).
H. Tú