Nhiều loại khăn ướt giá rẻ bất ngờ được bày bán trên đường phố Sài Gòn. Tuy nhiên, hầu hết đó là những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hàng nhái kém chất lượng.
Các loại khăn ướt giá rẻ đang được bày bán tràn lan trên các con đường Sài Gòn với rất nhiều mã, nhãn hiệu.
“Sợ rẻ quá, không ai dám mua”
Tại TP.HCM, từ sáng sớm đến tận tối khuya, trên vỉa hè những tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng, Quang Trung… la liệt những hộp khăn ướt được bày bán với đủ thương hiệu bằng tiếng Anh lạ lẫm, na ná giống nhau nhưng bắt mắt về ngoại hình như Happy, Baby Wipes, Baby Smile, Lyly Wipes, Baby Care, Teen Care…
Đủ thương hiệu nhưng giá cả lại giống nhau, chỉ từ 7 ngàn đồng/bịch 20 khăn đến 18 ngàn đồng/bịch 80 khăn. Trong khi ở siêu thị, khăn ướt cùng các thương hiệu này được bán với giá cao hơn nhiều, từ 10 – 50 ngàn/bịch.
Dễ dàng bắt gặp những chồng khăn ướt được bày bán ngay trên lề đường. Hình ảnh trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp). |
Tại một điểm bán khăn ướt trên đường Hoàng Văn Thụ, người bán hàng cho biết những loại khăn này được lấy từ đại lý với giá 6 ngàn đồng cho loại 20 khăn (bán 8 ngàn đồng) và 13 ngàn đồng cho bịch 80 khăn (bán 18 ngàn đồng). Ở một địa điểm khác, người bán cũng chỉ lấy mối 12 ngàn và bán 15 ngàn với bịch 80 cái.
Trên đường Phan Văn Trị (Quận Gò Vấp), Ngọc Long (một người bán hangquê Thanh Hóa) cho biết: “Chúng em có thể lấy giá rẻ hơn nữa như chưa đến 10 ngàn đồng cho bịch 80 khăn. Nhưng em sợ nếu bán bịch lớn với giá rẻ quá vậy lại không ai dám mua vì 'của rẻ là của ôi' mà. Đấy là em còn lấy từ đại lý chứ không phải tận nguồn”.
Khi hỏi nguồn ở đâu thì Long bảo không biết và chỉ nói được một đại lý giao cho bán. “Họ còn chia sẻ cách bán là để bảng giá 7.000 đồng sẽ dễ thu hút tâm lý ham rẻ của người đi đường. Loại 80 khăn em bán chạy hơn vì rẻ mà số lượng nhiều, có người còn mua nhiều về để bán tạp hóa nữa”, Long chia sẻ. Kiểm tra kĩ sản phẩm T.K đều nhận thấy loại này đã bị “rút ruột” số lượng để tăng tính cạnh tranh. Mặc dù bao bì ghi rõ gồm 80 miếng nhưng thực chất chưa đến 60 miếng.
Trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), những loại khăn ướt này được bán với giá rất rẻ. Sản phẩm khăn ướt với nhiều loại thương hiệu na ná nhau. |
Khi PV thử liên hệ với số điện thoại in trên bao bì trên hãng khăn ướt B.B.W với lý do được một đại lý quen giới thiệu thì có một người đàn ông bắt máy. “Nếu mua sỉ từ 5 - 7 thùng, tôi (120 bịch/thùng) sẽ giao tận nơi. Khăn ở đây giá rẻ, cạnh tranh lắm. Như hộp 10 khăn tôi bỏ 3 ngàn đồng, em bán 5 ngàn đồng; hộp 20 cái tôi bỏ 4 ngàn đồng thì em bán 7 ngàn đồng, còn hộp 80 khăn thì giá gốc là 10 ngàn đồng”. Khi hỏi nguồn để đến trực tiếp thì người đàn ông cho biết chỉ giao hàng tận nơi vì “kho hàng bên tôi ở xa lắm, được giao hàng thì tiện hơn mà”.
Khăn ướt chứa chất cấm, sản xuất tại nhà vệ sinh
Một sản phẩm trong thành phần có chứa chất cấm Methylisothiazolinone được in trên bao bì. |
Cả khăn ướt bán lề đường hay trong siêu thị cũng có những loại có bao bì, nhãn mác sơ sài, không ghi cụ thể hoặc ngày sản xuất bị in mờ. Có loại thông tin trên bao bì chủ yếu được viết bằng tiếng Anh, chỉ cơ sở sản xuất được ghi bằng tiếng Việt và dán trên bao bì thay vì in trực tiếp lên. Thông tin nơi sản xuất cũng mập mờ, không có website hoặc nếu có cũng không rõ ràng. Ví dụ như sản phẩm Teen Sunny, khi truy cập vào trang web in trên bao bì thì lại ra logo của công ty tin ấn và phải kéo đến dòng cuối mới thấy sản phẩm khăn ướt với đúng một loại duy nhất!
Ngoài ra, cuối tháng 5/2015, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa kiểm tra đột xuất Công ty TNHH đầu tư và phát triển Twin Lotus VN (đường An Dương Vương, phường An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) chuyên sản xuất các loại khăn giấy ướt và tạm giữ hàng ngàn sản phẩm, bao bì do nghi vấn giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.
Hình ảnh khăn giấy ướt của công ty Twin Lotus được sản xuất với dây chuyền sơ xài, với nguồn nước lấy từ nhà vệ sinh. Ảnh: Báo Lao Động |
Tại trụ sở công ty là căn nhà thuê, cơ quan chức năng đã phát hiện cả hệ thống pha chế, đóng gói khăn ướt, sản xuất mỹ phẩm… hoàn toàn thủ công, với nguồn nước cấp từ trong nhà vệ sinh. Rất nhiều thùng chứa nước, hóa chất, thùng các tông, ống dẫn nước, nguyên – phụ liệu đặt ngổn ngang từ trong nhà vệ sinh ra đến bên ngoài.
Các bà mẹ lo lắng
Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, nhiều người tỏ ra lo lắng khi những sản phẩm họ đang dùng hàng ngày chứa chất bảo quản có hại cho con mình. Một bà mẹ nó nick name mèo mun chia sẻ: “Có lần em đi đường thấy khăn ướt rẻ lại tiện nên mua về lau cho bé. Em xài liên tục một tuần thì thấy da bé bị mẩn ngứa, nổi đỏ. Em lo qua phải ngưng dùng ngay lập tức. Các mẹ nên mua những sản phẩm chất lượng, tuy đắt tí nhưng ăn toàn”. Văn bản Bộ Y tế nêu rõ, các sản phẩm có chứa 5 loại paraben chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015. Còn đối với sản phẩm sử dụng chất bảo quản Methylisothiazolinone được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016. Theo đó, trên thế giới đã có nhiều báo cáo về các trường hợp viêm da tiếp xúc khi dùng các sản phẩm có chứa Methylisothiazolinone ở các nước châu Âu và Mỹ. Còn các parabens có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố đồng thời chúng có thể gây ra chứng viêm biểu bì da. |
(Theo Trí Thức Trẻ)