Có thời gian người đàn ông này khá giàu có. Nhưng rồi, ông mất gần hết tài sản và phải chịu án 10 năm tù. Từng có 4 vợ, nay đã có 8 người con, 8 cháu ngoại, ông đang lần dò đi trên con đườn hoàn lương của mình.

Không sinh được con trai, phải bỏ quê ra đi

Trước năm 2000 ông đã sở hữu một nhà xưởng trên nghìn mét vuông đất có giá trị, 3 xe ô tô, xe mô tô phân khối lớn, khách sạn…vậy mà bỗng dưng mất gần hết tài sản, còn ông phải chịu án 10 năm tù.

Vừa trở về từ trại giam A2 (Bộ Công an) đầu năm 2015, ông lao ngay vào nghề đúc đồng, nghề mà trước đây ông từng hái ra tiền, với hàng loạt sản phẩm kỹ nghệ cao bằng đồng. Đó chính là nghệ nhân Nguyễn Viết Hải, 64 tuổi (phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang, Khánh Hoà).

Dưới nắng hè oi ả, lại thêm cái nóng rực đỏ của những mẻ đồng tan chảy bốc lên nhưng người nghệ nhân già vẫn tỉ mỉ đổ đồng vào các mẫu khuôn, cứ xong một sản phẩm là ông lại nở nụ cười sảng khoái, mặc cho toàn thân ông ướt đẫm mồ hôi.

{keywords}

Ông Hải những tháng ngày cơ ngơi hoành tráng, xưởng đúc đồng ngàn m2.

Nhân lúc giải lao ông mời chúng tôi vào phòng khách. Nhâm nhi ly trà Bắc, rít sâu điếu thuốc lào, rồi ngửa mặt lên trời phả cột khói trắng, ông trầm ngâm hồi lâu rồi mới nói: “Đau thật, xấu hổ thật...Là một thương binh thời đánh Mỹ, từng là xạ thủ bắn máy bay... Trở về với đời thường làm kinh tế chả thua ai ở quê. Rồi vào Nha Trang, nhờ tay nghề đúc đồng mà mua mấy ô tô, xưởng đúc đồng trên ngàn mét vuông đất, lại còn mấy căn nhà và vài lô đất, các con cháu ngoan hiền, yêu thương,... Vậy mà... mình phải ngồi tù gần 10 năm. Tôi không muốn nhắc lại cái tội do mình gây ra trước kia nữa. Nguyên nhân từ đâu? Do bản thân hay là do cái sự đời cứ bất ngờ ập đến... Nhưng tôi muốn hệ thống lại một cách trung thực đời mình, với mong muốn con cháu mình nó hiểu, bạn bè thông cảm và tránh xa những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với thời đại”.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng nức tiếng trong vùng Ý Yên (Nam Định) cũng như cả nước. Tôi làm kinh tế chả thua kém ai, nhưng do mình là con trai trưởng nên chuyện sinh con trai là mơ ước của cả dòng họ. Nhưng vợ tôi đã sinh đến 4 cô con gái, mình bảo vợ đi đặt vòng không đẻ nữa. Thế nhưng chả hiểu sao bà ấy lại có thai, tôi cảnh báo nếu đẻ con gái nữa là tôi bỏ nhà, bỏ quê ra đi đấy. Đúng là lại đẻ con gái thứ 5 thật, đụng ngay vào cái tính ngang ngạnh, gia trưởng, kiểu nói to như quát mắng của tôi, thế là năm 1987, tôi khăn gói quả mướp dời quê hương vào Nam mà không ai có thể ngăn nổi.

Trong lúc lang thang ở Nha Trang, gặp người phụ nữ mà đến giờ tôi vẫn biết ơn bà ấy nhiều lắm. Sau khi lấy nhau, với 2 cây vàng thời đấy tôi mua được lô đất làm xưởng đúc đồng và làm ra nhiều sản phẩm nức tiếng một thời. Thế rồi bà ấy sinh cho tôi con gái đầu, đứa sau lại con gái, nhưng sau mổ đẻ bác sĩ nói bà ấy sẽ không thể sinh con được nữa, vậy là mong ước có đứa con trai lại một lần nữa khép lại. Bế đứa con gái thứ 7 trên tay, tôi đã khóc rất to ngay tại bệnh viện...

{keywords}

Đường hoàn lương của ông đang được nhiều bạn bè, người thân ủng hộ

Thênh thang đường hoàn lương

Sau cú sốc đó tôi chỉ biết lao vào công việc, hãi không dám nghĩ đến chuyện có thằng cu nữa. Bỗng vài năm sau, một nữ công nhân của tôi “tình nguyện yêu” và bất ngờ sinh được cậu con trai giống tôi như đúc, hiện nay cháu đang học đại học năm thứ 2 (20 tuổi).

Bây giờ ngồi nghĩ lại cái lúc cả 3 “bà vợ” và đàn con cháu đông đúc quây quần bên mâm cơm, bà nọ gắp thức ăn chiều bà kia thật hạnh phúc, còn bây giờ... ông Hải cố lấy lại bình tĩnh rồi kể tiếp: Trong thời gian mình thụ án, bà “vợ ba” đã đi lấy chồng, vậy thì có được đứa con trai như thế có nghĩa gì? Rất may cháu ngoan tính, ngày đi học, tối đi làm thêm kiếm tiền tự trang trải cho việc học. Còn “bà thứ 4” trên Đà Lạt, khi biết tôi bị phạt tù đã không còn liên lạc nữa. Cha mẹ ở quê lúc chết, là con trai cả lại không về được mà chịu tang (đang thụ án). Đời mình thật có lỗi với cha mẹ, với vợ và với các con...

Biết tin ông Hải đã được giảm thời hạn tù về sớm hơn 2 năm, nhiều bạn bè đồng hương lại gọi điện đến thăm hỏi, không quên động viên ông bớt nóng, bớt giận và giữ sức khoẻ, chí thú làm ăn... Hôm ông chính thức khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm, rất đông người đến dự, hào hứng mua một vài sản phẩm, kể cả các con, cháu ông cũng đến chúc mừng và không quên mua sản phẩm để “cầu may” cho ông.

Nhìn nét mặt ông Hải tỏ rõ niềm vui, nghẹn ngào bắt tay từng người, ai cũng tin, một nghệ nhân đúc đồng cao tuổi như ông Nguyễn Viết Hải, đã thực sự hoàn lương. Tìm lại ý nghĩa cuộc đời.

(Theo PLO)