Ông Phan Văn Khải nhậm chức Thủ tướng Chính phủ chỉ ít tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi ấy, Việt Nam tuy không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp nhưng hậu quả gián tiếp cũng khá nặng nề. Đây là một thử thách chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam. Những ngày tháng đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã lèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam dần vượt qua “cơn bão khủng hoảng”.
Vượt bão khủng hoảng
Hơn 20 năm đã qua, ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng, vẫn nhớ như in những ngày đầu khi Thủ tướng Phan Văn Khải nhậm chức. Cơn bão khủng hoảng tài chính đang càn quét các nền kinh tế châu Á lúc ấy như một thử thách cam go cho tân Thủ tướng - vốn được đào tạo bài bản về kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Plekhanov của Liên Xô.
Trò chuyện với PV.VietNamNet, vị chuyên gia đứng đầu Tổ tư vấn, rồi Ban Nghiên cứu của 2 đời Thủ tướng trên, chia sẻ: Đó là cú sốc mà ông Phan Văn Khải phải chống chọi. Nhờ kết quả đổi mới trong những năm trước đem lại, cho nên tuy tăng trưởng có giảm nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP vẫn vào khoảng 4-5% chứ không phải tụt hẳn.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi còn tại chức. |
Vốn quen biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ thời ông Khải còn làm Chủ tịch UBND TP.HCM nên GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cũng không quên được những ngày đầu đầy thử thách của ông Phan Văn Khải.
Nhớ lại thành tựu của vị Thủ tướng mà ông Mại miêu tả là “rất thân thiện, cởi mở, bình dân”, GS Nguyễn Mại cho hay: Tháng 7/1997 bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, lan rộng từ Thái Lan đến Malaysia, Indonesia, Philippines rồi Hongkong, Hàn Quốc,... Mặc dù Việt Nam lúc đó chưa tham gia nhiều vào thị trường tài chính quốc tế, không trực tiếp nhưng vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp rất nhiều, đặc biệt trong hai lĩnh vực là thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
“Nếu trong giai đoạn 1991-1998 chúng ta tăng trưởng xuất khẩu thường xuyên khoảng 20% thì từ 1999- 2004, tăng trưởng chỉ 1-3%, thậm chí có năm tăng trưởng âm. Tương tự với thu hút đầu tư nước ngoài, nếu năm 1997 chúng ta thu hút được gần 6 tỷ USD thì giai đoạn 1999-2004, trung bình mỗi năm chỉ thu hút được 2-2,5 tỷ USD”, GS Nguyễn Mại nhớ lại.
Trong điều kiện như vậy, từ những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ mà đứng đầu là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đã làm được những việc quan trọng.
Đó là ban hành Luật Doanh nghiệp vào năm 1999, với phương châm thay đổi từ tư duy người dân và doanh nghiệp phải xin phép đến được làm những điều pháp luật không cấm. Nhờ đó, từ 2000-2006, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng rất nhanh. Cả thời kỳ này, chúng ta có hơn 300 nghìn doanh nghiệp ra đời. Điều này có tầm quan trọng trong việc khai thác tiềm lực kinh tế và năng lực kinh doanh của người dân, là thế mạnh mà Việt Nam trước đây chưa biết tận dụng; thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển; đồng thời khắc phục được những khó khăn của nền kinh tế khi đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đang giảm sút nghiêm trọng.
“Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1999-2006 bình quân vẫn đạt mức cao 7,5%, cao nhất là 8,4% vào năm 2005”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Ông Trần Đức Nguyên cho rằng: Trong thời gian ông Khải làm Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trừ mấy năm khủng hoảng châu Á thì đều đạt 7-8%/năm. Tăng trưởng thế là cao lắm. Ổn định kinh tế vĩ mô ông ấy thực hiện được.
Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ vào năm 2005. |
Vượt khủng hoảng bằng tinh thần cải cách
Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cũng cho hay, năm 1997, ngay sau khi nhậm chức ông Phan Văn Khải đã tổ chức 3 cuộc gặp gỡ với doanh nhân tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, với thành phần chủ yếu là DN tư nhân.
Ngay sau đó, ông đã chỉ đạo đẩy mạnh làm Luật Doanh nghiệp. Việc xây dựng Luật dựa trên 2 tư tưởng cơ bản: Một là, người dân được làm mọi cái luật pháp không cấm, còn luật pháp cấm cái gì thì nói rõ ra trong luật; Hai là, chuyển từ tiền kiểm là chính sang hậu kiểm là chính.
Đến khi thi hành Luật, ông Phan Văn Khải thành lập ngay Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, giao cho ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng.
Ông Trần Đức Nguyên chia sẻ: Bên cạnh việc tạo điều kiện cho DN tư nhân làm ăn, qua kinh nghiệm nghiên cứu và thực tế khi làm chủ tịch thành phố, ông Khải rút ra hai điểm quan trọng nữa:
Đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tiên là ổn định chỉ số giá tiêu dùng, tiếp nữa là tỷ giá. Để làm được điều này cũng phải dựa trên việc tránh thâm hụt ngân sách, không thể để tỷ lệ nợ công cao, nợ xấu nhiều sẽ làm cho nền kinh tế không thể ổn định được.
Hơn nữa, Nhà nước phải xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt về điện, đường sá vì DN không thể làm được. Thời ông Khải làm Thủ tướng, các dự án lớn đóng góp nhiều vào sự phát triển là dự án khí điện Đạm Phú Mỹ, thủy điện Sơn La, cải thiện nâng cấp các con đường,...
Ông Trần Đức Nguyên cũng bổ sung chi tiết ông Phan Văn Khải là người rất quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là người nghèo.
“Trong khoảng thời gian ông Khải làm trong Chính phủ, nông nghiệp tăng trưởng rất mạnh, bình quân 4%/năm”, ông Nguyên nói và khẳng định “suy nghĩ, trăn trở của ông Khải với nông dân, vùng nghèo rất đậm nét”.
Là người đồng trang lứa với ông Phan Văn Khải, quen biết từ khi ông Khải còn công tác từ TP.HCM, GS Nguyễn Mại đánh giá: Anh Khải là người trước hết luôn luôn vì công việc. Hầu như người ta không thể tìm thấy những động cơ cá nhân của một người đứng đầu Chính phủ khi anh làm Thủ tướng. Điểm ấn tượng nhất là anh Khải là người rất biết lắng nghe. Anh thành lập hẳn hai cơ quan tư vấn là Ban Nghiên cứu Kinh tế lo tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô trong nước và Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại. Rồi thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999.
“Nếu không có tổ này thì Luật doanh nghiệp khó có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống hiệu quả như vậy”, GS Nguyễn Mại nói và cho rằng, việc thúc đẩy kinh tế tư nhân là dấu ấn lớn nhất, “là cứu cánh” trong thời kỳ Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế khu vực.
Vị GS cho rằng: Thủ tướng Phan Văn Khải là người kế thừa xuất sắc sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, phát huy tốt những dấu ấn quan trọng do các đời Thủ tướng khác để lại, nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ đó nâng lên một tầm cao mới: hội nhập tốt hơn, điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn.
“Tôi nghĩ rằng, di sản của Thủ tướng Phan Văn Khải để lại cho các Thủ tướng sau, bao gồm những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội cũng như vô số kinh nghiệm quý báu trong điều hành kinh tế vĩ mô là rất quý báu. Mong rằng, các Thủ tướng kế cận quan tâm xem xét, nghiên cứu nhiều hơn những kinh nghiệm này để áp dụng và phát triển trong bối cảnh mới”, GS Nguyễn Mại nhắn gửi.
Lương Bằng
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Thử thách chưa từng có ngày nhậm chức
Những tháng ngày nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua “cơn bão khủng hoảng” tài chính châu Á năm 1997.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã trút hơn thở cuối cùng lúc 1h30 sáng nay tại TP.HCM, hưởng thọ 85 tuổi.