Phải vào vai khách hàng tìm mua một chiếc xe Trung Quốc đã qua sử dụng mới thấy được phần nào câu chuyện của những người đã và đang sử dụng các loại xe này.

Khóc dở mếu dở khi làm "chuột bạch"

Khi các thương hiệu xe hơi Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, những ưu điểm như giá rẻ, kiểu dáng bắt mắt đã khiến không ít người muốn mua xế hộp nhưng túi không rủng rỉnh cho lắm để tâm.

Có điều, không phải ai cũng dám "xuống tiền" ngay để mang về một chiếc ôtô Tàu bởi tai tiếng của những chiếc xe máy "made in China" vẫn còn ám ảnh người tiêu dùng Việt. Vì thế, những người tiên phong mua và đi xế hộp Trung Quốc thường được thành viên trên các diễn đàn ôtô-xe máy gọi vui là "chuột bạch" và thường xuyên nhận được các câu hỏi đánh giá về chất lượng xe.

{keywords}
Xe Chery Riich M được hãng xe Trung Quốc bán ra với giá 288 triệu đồng

Tới nay, khi khá nhiều dòng xe Trung Quốc đã âm thầm rút lui khởi thị trường, chuyện gì đang diễn ra với những khách hàng "chuột bạch"? Khảo sát thực tế cho thấy, lượng khách sử dụng loại xe này không nhiều và đều muốn bán kể cả với giá rẻ. Và khi rao bán, hầu hết đều hết lời khen chất lượng xe và khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Trái ngược với đó là lời khuyên đừng dại dột ôm về "cục nợ" từ những người vừa bán được xe.

Bác Đ người đang rao bán chiếc Chery QQ3 đăng ký năm 2009 rất nhiệt tình quảng cáo cho "xế cưng" của mình. Dù đã sử dụng 5 năm và vận hành được 45.000 km, nhưng chiếc QQ3 vẫn hoạt động ổn định do chỉ được dùng để đi làm hằng ngày. Khi được hỏi về địa chỉ sửa chữa chính hãng, bác Đ cho biết chiếc QQ3 chẳng có hỏng hóc gì trong suốt những năm qua, chỉ có thay dầu máy và cứ thế mà đi. Kèm theo đó là lời "nhắn nhủ", xe này thì sửa đâu chả được.

Khác với bác Đ, chị Thanh người đang bán chiếc BYD F0 lại tỏ ra thiếu nhất quán khi giới thiệu xe. Ban đầu chị khẳng định xe rất tốt trong quãng thời gian dài sử dụng kể từ lúc mua lại của người chị họ. Tuy nhiên, khi được hỏi dịch vụ sửa chữa chính hãng, chị liền thay đổi ý kiến. Chị cho biết vừa mua được mấy tháng và chỉ mới thay dầu, rửa xe nên cũng không biết sửa xe chính hãng ở đâu, vì xe cũng chưa phải thay thế linh kiện hay hỏng hóc nặng lần nào.

Ngược với những ý kiến trên, anh Hưng và anh Tài, hai chủ sở hữu đã "may mắn" đẩy được hai chiếc BYD F0 cho người khác có chung quan điểm rằng "Dính vào cái xe Tàu đó làm gì, khổ lắm chú ơi". Hai người này còn thành thật tâm sự xe Trung Quốc dùng gần 2 năm là phải bán và đã bán thì "kiểu gì cũng mất rất nhiều tiền".

Họ cho biết ban đầu khi mới mua, xe chạy ổn định, nhưng sau gần một năm thì xe bắt đầu xuống cấp phần nhựa và hay hỏng vặt. Nhiều lần khi đang đi thì xe chết máy giữa đường phải gọi thợ tới sửa, cầu chì thì đứt liên tục, hệ thống điện cũng chập chờn.

Và nhất là bộ gầm (láp, rô-tuyn, thước lái và giảm xóc) rất nhanh dơ nên chẳng mấy khi dám chạy nhanh. Do nhà phân phối đã không còn hoạt động ở Việt Nam, nên sửa chữa chỉ còn cách ra xưởng dịch vụ bên ngoài. Khổ nhất là phải thay thế linh kiện, không có cách nào khác ngoài đặt hàng và chờ đợi như phụ tùng của... siêu xe, anh Tài châm biếm.

{keywords}
Showroom duy nhất của MG tại Việt Nam "cửa đóng then cài" và không có bóng dáng một chiếc xe nào 

Trở ngại về phụ tùng thay thế thực ra vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với hành trình bán xe. Để bán được xe với số tiền thu được chỉ bằng 50% so với lúc mua mới, hai anh này phải mất rất nhiều thời gian và đều bị ép giá. Theo anh Hưng, những người hỏi mua xe của anh đều là người kinh doanh xe cũ chứ không phải là người tiêu dùng. "Thực ra bán được chiếc xe với giá 150 triệu đồng, bằng non nửa giá mua mới (288 triệu đồng, chưa tính chi phí đăng ký xe) cũng là một điều may mắn", anh Hưng thở hắt ra.

Và chuyện của nhà phân phối

Trên thực tế, khi đổ tiền vào xe nhập khẩu Trung Quốc, phần lớn các nhà phân phối đều rất kỳ vọng về thành công của dòng xe giá rẻ tại thị trường vốn rất tiềm năng. Không ít công ty đã mạnh tay đổ tiền tỷ vào xây dựng showroom, phát triển hệ thống phân phối cũng như làm truyền thông, quảng bá về những ưu điểm của loại xe này. Họ cũng nỗ lực tìm cách xoá đi ấn tượng về "chất lượng hàng Tàu" hay ám ảnh từ xe máy Trung Quốc để lại.

Tuy nhiên, nỗ lực và thành công không hẳn là câu chuyện nhân quả tất yếu. Khách hàng cảnh giác, sức mua thấp và chất lượng xe cũng thật sự có vấn đề. Một cựu lãnh đạo của đơn vị phân phối xe BYD tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên, sở dĩ chúng tôi không tiếp tục kinh doanh nhãn hàng này do khó bán và chi phí bảo hành quá lớn. Thời gian đầu khi mới nhập xe về Việt Nam thì công ty hoạt động khá ổn do lượng xe bán ra ở mức chấp nhận được nhờ kiểu dáng xe y chang mẫu Toyota Yago mà giá chỉ bằng 1/3.

Chỉ một năm sau đó, tỉ lệ xe trục trặc trong diện bảo hành cần bảo trì bảo dưỡng tăng lên rất nhanh, khiến chi phí bị đội lên, trong khi đó công ty hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ. Sau gần 3 năm ế ẩm và xử lý sự cố nhiều, công ty đã ngừng phân phối xe mới và dừng mọi hoạt động hỗ trợ hậu mãi. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết có nghe nói về sự tồn tại của một cơ sở sửa chữa xe BYD tại Đông Anh, Hà Nội nhưng không rõ cơ sở đó hoạt động thế nào.

Chưa xác định được chính xác việc đã chính thức ngừng hoạt động như BYD hay không, nhưng thương hiệu mới vào Việt Nam chưa lâu, MG cũng đang khiến khách hàng đặt câu hỏi khi vào "một ngày đẹp trời", đại lý duy nhất tại Hà Nội đóng cửa im ỉm và sạch bóng xe lẫn nhân viên bán hàng. Cả nhân viên bán hàng và người quản lý đều không thể liên lạc được.

Tương tự, các thương hiệu như Chery, Lifan dù chưa có một "lời từ biệt" chính thức với thị trường Việt nhưng đang dần "mất tích" trong các thương vụ giao dịch. Những dòng xe từng được quảng bá rầm rộ một thời như Chery Riich M1, Chery QQ3, Lifan 520 vẫn có tên trong danh sách hàng tháng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhưng có doanh số bằng... 0 trong cả năm trời.

Theo GTVT