Quốc hội đang họp và thảo luận sôi nổi về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Thực tế, khối nợ công 2,5 triệu tỷ là một trong những vấn đề lớn mà kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt. Nếu không có biện pháp kịp thời, nợ công sẽ trở thành mối đe dọa đến sự phát triển ổn định và bền vững.
Nợ công năm 2015 bằng 61,8% GDP, riêng nợ Chính phủ 2.098.022 tỷ đồng (gần 2,1 triệu tỷ đồng), bằng 50% GDP.
Đó là con số của năm 2015 đã được kiểm toán chính thức. Còn năm 2016, theo Bộ Tài chính, nợ công đã bằng 64,7% GDP, gần đụng trần Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Nợ của Vinashin vẫn đang là gánh nặng cho nền kinh tế. |
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho hay: Xu hướng đỉnh nợ công là năm 2017-2018. Năm 2017 nợ công dự kiến ở mức 64,8% GDP và năm 2018 con số này là 64,7% GDP. Từ 2019 trở đi nợ công sẽ giảm dần và năm 2020 nợ công dự kiến giảm còn 63,7% GDP.
Vị này lưu ý, các số liệu trên được xây dựng dựa trên giả định kinh tế tăng trưởng GDP từ 6,7-7%/năm. Nếu tăng trưởng không đạt con số này thì nợ công sẽ diễn biến khác so với tính toán.
“Quốc hội đưa ra thông điệp nợ công trong tất cả các năm không vượt quá 65% GDP. Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có giải pháp để đảm bảo mức trần như Quốc hội phê duyệt”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Trước áp lực nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến đưa vốn vay trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài cho hạ tầng kinh tế xã hội vào chương trình giám sát năm 2018.
Một trong những lý do, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, là các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Ngoài ra, hiện nay Luật Quản lý nợ công sửa đổi, thay thế cho Luật Quản lý nợ công năm 2009 đang được Quốc hội xem xét nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ nợ công trên cơ sở gia tăng quy định về giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý nợ công, quản lý rủi ro; kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng một điều quan trọng để Luật quản lý nợ công có hiệu quả là phải nhận diện và quản lý được nguồn hình thành nợ công. Nguồn hình thành nợ công lớn nhất hiện nay là thâm hụt ngân sách.
”Dù ngưỡng an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng là bao nhiêu đi chăng nữa, thì với thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, Việt Nam sẽ nhanh chóng chạm các ngưỡng đó. Do vậy, việc sớm chuẩn bị một kế hoạch tài khóa bền vững dài hơi sẽ là rất cần thiết, giúp nền kinh tế tránh được những cú sốc tài khóa tiêu cực trong tương lai”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh chia sẻ.
Muốn vậy, Việt Nam cần xây dựng một chuẩn mực hạch toán thâm hụt ngân sách theo thông lệ quốc tế. Các khoản chi để ngoại bảng phải được tuyệt đối tránh. Các bản tổng kết về nợ công hiện nay của Chính phủ mới chỉ dừng ở việc liệt kê tổng nợ công, mà chưa gắn với đánh giá chất lượng của từng khoản mục chi hay đầu tư sử dụng nợ công.
Một khoản đầu tư công hiệu quả sẽ tạo ra nguồn thu trong tương lai để hoàn trả. Nhưng nếu một khoản đầu tư công kém hiệu quả thì có thể sẽ phải dùng nguồn thu khác của ngân sách để bù vào. Do vậy, đã đến lúc Chính phủ cần hình thành một danh mục các khoản chi/đầu tư sử dụng nợ công và đánh giá mức độ rủi ro cho từng khoản mục.
”Nếu như dự thảo luật sửa đổi về quản lý nợ công không chú trọng đến điều này, việc quản lý nợ công vẫn thiếu các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ nợ công trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của nền kinh tế, hoặc tệ hơn là dẫn đến khủng hoảng kinh tế, như đã diễn ra tại nhiều nền kinh tế thời gian vừa qua”, ông Đinh Tuấn Minh cảnh báo.
Lương Bằng