Sau 7 năm ra đời, SCIC quản lý vốn Nhà nước ở trên 900 công ty vẫn bị đánh giá là chưa dược như mong muốn. Liệu rằng, một Ủy ban mới thành lập có thể đủ sức quản nổi DNNN, khu vực chiếm tới 27,5% GDP hiện nay?. Vậy mô hình nào phù hợp để quản các ông lớn DNNN?.

“Chưa quản được mẹ khó quản nổi cháu”

Bộ Tài chính mới cho hay, Ngân sách Nhà nước vẫn chưa thu xu nào từ cổ tức của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mà đang để lại cho DN này hoạt động. Mặc dù, quy định hiện hành là các khoản lợi có được từ vốn Nhà nước phải được nộp về Ngân sách.

Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, SCIC vẫn chưa có kinh nghiệm thực hiện chức năng chủ sở hữu mà chủ yếu là việc kinh doanh vốn Nhà nước. “Siêu” tổng công ty này vẫn chưa chứng minh được là hiệu quả hơn trong việc thực hiện chức năng trên so với các công ty mẹ tại các Tập đoàn, Tổng công ty hiện nay.

Cũng chính vì thế, dự kiến thành lập một Ủy ban quản lý, giám sát DNNN mà CIEM vừa công bố mới đây đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn.

TS Trần Đình Thiên thẳng thẳn, ở nước ta, nhiều Ủy ban quốc gia hình thành, hoạt động theo kiểu “mặt trận”, tức là có liên bộ, liên ngành mà không có ai chịu trách nhiệm cụ thể. Các cán bộ các Ủy ban này cũng làm việc kiểu kiêm nhiệm, vừa thiếu chuyên môn, lại không chuyên nghiệp, rốt cục là hoạt động kém hiệu quả. 

Ông nhìn nhận, một Ủy ban để quản trị toàn bộ DNNN là quy mô quá lớn. Ngay cả đề xuất Thủ tướng, hay Phó Thủ tướng làm chủ tịch thì liệu, có làm được không?.

Như ông Dũng trình bày, thêm một Ủy ban quốc gia là thêm 1 cơ quan mới, tăng biên chế khu vực các cơ quan Nhà nước. Như vậy, mô hình này sẽ đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt.

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện CIEM nói, ở nước khác, tỷ trọng DNNN bé, chỉ khoảng 5-7% GDP nên giả sử “nó” ốm đau què quặt thì có thể không sao. Nhưng ở ta, “nó” quá lớn, chiếm 27,5% GDP. DNNN mà hắt hơi, sổ mũi là nền kinh tế bị vạ lây.

Về điểm này, bà Hoa, ủy viên HĐQT Ngân hàng Vietcombank kiến nghị cần tiêu chí cụ thể là DNNN giảm tỷ trọng xuống dưới 10%- 15% GDP thì hãy thành lập 1 cơ quan chuyên trách về chủ sở hữu.

Ông Bá cũng thừa nhận, nhiều ý kiến đang lo ngại, nếu DNNN đang chiếm 27,5% GDP thì 1 ủy ban có thể không quản được. Vì vậy, tốt nhất là cần “bóp” lại tỷ trọng trong GDP của khu vực DNNN rồi hãy lập cơ quan trên.

Mô hình này có thể là một lựa chọn hợp lý nhất, vì tích hợp nhiều ưu điển, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, DNNN phải giảm dần ngay lĩnh vực ngành nghề đang tham gia.

“Khi ta còn muốn quản lý từ thợ máy khâu trở đi, còn ham nhiều ngành nghề, số lượng quá lớn như hiện nay, với hàng nghìn công ty cháu- con… thì 1 ủy ban sẽ không làm được. Quản “mẹ” như hiện nay còn chưa xong, làm sao quản được con cháu”, bà Lan lưu ý.

Siêu ủy ban làm được gì?

TS Thiên còn thẳng thắn, trong lịch sử, đổi mới mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu đã đề xuất nhiều. Nhưng mỗi lần như thế, thường thấy chỉ hay về lý thuyết, còn cứ đụng vào là không làm được.

Đó là lý do mà vị Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nghi ngại, liệu một “siêu” Ủy ban quản lý các DNNN lập ra có còn trở ngại gì không? Như là động chạm lợi ích các bộ chẳng hạn?”

“Ở Việt Nam, có tình trạng “chỗ cần thì ít thấy Nhà nước, chỗ không cần thì lại quá nhiều Nhà nước”. Đây không phải là lỗi vận hành mà là sai thiết kế. Không lo sửa cái này thì khó mà xác lập được mô hình nào thực hiện sở hữu. Vấn đề ở chỗ gốc rễ của lợi ích nhóm và xung đột lợi ích không giải quyết được”, ông Thiên nói.

Nói lại câu chuyện sửa mãi mà không xong, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện CIEM chia sẻ: “Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt tại kỳ Quốc hội họp tháng 12/1994 có nói, phải bỏ chế độ bộ chủ quản. Khi đó, chúng tôi nói với nhau rằng, nếu trong 5 năm làm được như Thủ tướng nói thì thật tuyệt vời. Giờ, đã là 18 năm rồi. Và chúng ta lại như mới bắt đầu”.

“Nếu là vấn đề kỹ thuật thì chắc không phải. Vấn đề là nằm ở tư duy của chúng ta, ở quyết tâm chúng ta có muốn làm hay không hay là ai đó có muốn làm hay không”, ông Bá tự lý giải.

Ngay cả bản thân nhóm nghiên cứu của CIEM về mô hình trên cũng đã lường trước rằng, lợi ích nhóm chính là một “nhược điểm” đáng lo nhất. Khi tập trung toàn bộ chức năng chủ sở hữu Nhà nước tại các DN về một cơ quan thì có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ một số bộ phận cơ quan hành chính Nhà nước, một số cán bộ Nhà nước do bị mất quyền lợi”.

Trên thực tế, cũng đã có những ý kiến phản đối kịch liệt mô hình này. Tuy nhiên, viện trưởng Viện CIEM bày tỏ, sẽ phải chấp nhận một sự thật là bất cứ sự thay đổi nào về chính sách đều luôn có sự chống đối, có mặt tốt và mặt không tốt. Nếu mặt tốt chỉ là 51% thì sẽ vẫn phải làm, còn hơn là không làm. Vì thế, sắp tới dự án vẫn trình Thủ tướng.

Như các vị chuyên gia kinh tế nói, việc cải cách DNNN là rất cấp thiết, nếu cứ thí điểm mãi thì có thể thêm 18 năm nữa cũng vẫn chưa xong.

Bên cạnh đó, theo TS Thiên, để quyết được một mô hình tốt cho việc thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước tại DN, một tiền đề quan trọng đầu tiên phải nói đến là tài sản Nhà nước, DNNN phải được sử dụng đúng chức năng mà nền kinh tế thị trường quy định. Việc phân tách chức năng quản lý hành chính và chức năng thực hiện chủ sở hữu Nhà nước phải đặt trong điều kiện kinh tế thị trường.

Vì “tay không thể làm việc của cái chân, hay cực đoan hơn là của cái tai”, ông nói.

Cùng đó, vai trò của bộ ba giám sát trong quản lý DNNN phải được tăng cường. Đó là giám sát sở hữu độc lập- cơ chế chế độ đối với người đại diện chủ sở hữu Nhà nước và người điều hành kinh doanh vốn Nhà nước- nguyên tắc công khai minh bạch và sự tham gia của xã hội.

Vấn đề quan trọng cuối cùng là con người. Nếu như sau khi giao chỉ tiêu hiệu suất lợi nhuận, hiệu quả kinh tế mà sau 2 năm không làm được thì cán bộ ủy ban phải nghỉ việc, các chuyên gia kiến nghị.

Phạm Huyền