- Bài “Tập đoàn thua lỗ, lương cao không cần hiệu quả” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Người ‘giỏi’ lãnh đạo tập đoàn, sao kinh doanh toàn …thua lỗ?

Phan Viet Duc, email phanduc1976@yahoo.com bày tỏ quan điểm: Đọc bài này tôi thấy quá bức xúc. Các lãnh đạo tập đoàn nói trả lương cao để giữ những người ‘tài giỏi’, tôi thấy chỉ đúng khi tập đoàn làm ăn có lãi và phát triển. Nhưng với một tập đoàn ‘toàn người tài giỏi’ mà ngày càng đi xuống, lại đổ lỗi cho khách quan thì điều các ông nói chỉ là ngụy biện. Những người giỏi, có tài năng, có đạo đức không bao giờ nhận những đồng lương mà mình không xứng đáng được nhận. Nếu giỏi thì hãy ra ngoài mà thử sức xem làm được cái gì hay lại thất nghiệp? Hãy làm một cuộc thi chọn những giải pháp thực tiễn để xem nếu tài năng thực sự thì giữ lại. Còn không thì… không cho ở lại vì chỉ tổ tốn lương!

Tán đồng của email khuevana15@yahoo.com: Đây có lẽ là một nghịch lý nhưng đã trở nên ‘có lý’ với các ‘ông kẹ’ ở các DNNN của Việt nam. Nguyên nhân thua lỗ các ‘ông’ toàn đổ cho khách quan cả, chẳng ông nào chịu nhận do chủ quan mình gây ra. Các ông nói thua lỗ nhưng phải trả lương cao để ‘giữ chân người tài’. Người như các ông mà ‘tài’ à? Các ông cứ từ chức sẽ có khối người thay các ông ngay.

Giọng ‘nói mát’ của bạn Bình, email buiphuocbinh2010@gmail.com: Trả lương cao để giữ chân người ‘giỏi’. Họ ‘giỏi’ thế tại sao tập đoàn vẫn thua lỗ? Đúng là… cái lưỡi không xương!

Dương Hà, email qdhahua@gmail.com phụ họa: Thua lỗ vì chia hết cho nhau, lương cao ngất ngưởng, còn đâu hiệu quả? Đúng là chia cuả chùa!

Email levanhog@mail.com nêu câu hỏi: Kinh doanh như tập đoàn xăng dầu, điện lực…, lãi thì im lặng , lỗ thì kêu nhà nước bù, có nghĩa là họ phải luôn lãi! Đây có phải là ‘nhóm lợi ích’ rút ruột kinh tế quốc gia hay không?

Lời bình của Bùi Tùng, email buitung80@yahoo.com.vn: Cách tính lương và chế độ hưởng lương như thế này chắc duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Chính vì thế mà ai cũng cố chen chân và khi đã có chỗ đứng rồi thì cố tìm mọi cách để ‘bò’ lên một vị trí nào đó trong các tập đoàn, tổng công ty .Vì dù có làm ăn thua lỗ thế nào đi nữa thì lương vẫn cao ngất ngưởng. Đúng là cơ chế này diệt người tài, người trung thực, là mảnh đất vàng cho ô dù, nịnh nọt, mua quan, bán chức.

“Phân tích, giải trình rất ngụy biện. Lao động giỏi tại sao kinh doanh lỗ? Là doanh nghiệp, hiệu quả là thước đo. Mấy ông kinh doanh nếu tiền của mình, lỗ có chi lương vậy không? Còn lấy danh nghĩa liên ngành duyệt là không thuyết phục. Nếu đàng hoàng thì phải ghi rõ phải có lãi mới được chi theo mức đó. Còn như hiện nay, toàn lập lờ, gian lận”, đó là ý kiến của Xuan Quang, email quang@yahoo.com.

Theo Nguyen Anh, email anhnguyen@gmail.com.vn thì: Đây chính là tham nhũng! Tất cả là tiền thuế của nhân dân đấy! Vô trách nhiệm với dân với nước, vậy mà cơ chế quản lý của ta vẫn thờ ơ. Nếu tình trạng này còn diễn tiếp thì đất nước ta còn nghèo và lạc hậu, kết quả là dân khổ.

Lương, thưởng phải gắn với trách nhiệm và hiệu quả


Lời bình của Nguyễn Hà, email hasugivia@gmail.com: Làm DNNN sướng thật, lỗ khủng lương vẫn cao, lỗ nữa thì chuyển vào giá thành cho nhân dân trả. Thế này ai chả muốn làm viên chức của nhà nước! Chả trách biên chế không giảm được mà cứ tăng lên.

Bùi Đán, email danbuivan50@gmail.com nhìn nhận: Lương không phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh mà chỉ phụ thuộc vào doanh số bán ra thì chỉ có ở doanh nghiệp độc quyền nhà nước! Lương cao chót vót, lỗ dân chịu, đúng là kinh doanh kiểu ‘không giống ai’.

Ý kiến của Hai Quynh, email haiquynhhn@yahoo.com: Lương, thưởng không gắn liền với trách nhiệm và hiệu quả, vậy ai làm TGĐ mà chả được? Với trường hợp này chả cần ‘giữ chân người tài’ làm gì mà tự dưng ‘người tài’ bu đông đặc lại!

Lập luận của Mai Thanh, email thanhthanh2015@gmail.com: Nhiều câu hỏi tại nghị trường Quốc hội và trên các báo chí là tại sao các DNNN làm ăn thua lỗ nhưng lương lãnh đạo lại rất cao? Trả lời: Cơ chế chưa phù hợp, còn nhiều bất cập. Cơ chế từ đâu ra? Không từ trên trời rơi xuống, cũng không do một cơ quan của quốc tế áp đặt cho ta phải thực hiện. Luật và các văn bản dưới luật, dự thảo do các ngành soạn thảo (sau đó có lấy ý kiến tham gia) cho nên còn nặng tính cục bộ, người được tham gia góp ý thì vì nhiều do khác nhau (không loại trừ lý do vì lợi ích nhóm) mà không được sửa đổi toàn diện. Lương, thưởng các DNNN do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính quy định, việc hướng dẫn trả lương, thưởng cho phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và mặt bằng của toàn xã hội không phải là vấn đề khó khăn, phức tạp mà để kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong xã hội. Phải chăng còn vì lợi ích nhóm? Đã đến lúc hai Bộ cần sửa đối ngay các văn bản quy định trả lương, thưởng tại các DNNN, trả lại sự công bằng trong xã hội.

Nguyễn Duy Hy, email nguyenhyhanoi@gmail.com phân tích: Trả lương cao là để trả cho hiệu quả quản lý. Quản lý kém, không có hiệu quả mà vẫn lĩnh lương cao thì lỗi này thuộc chính sách lương do Bộ tài chính, Bộ Lao động, thương binh và xã hội làm; lợi dụng đứng ở vị trí cao, biết nhiệm vụ mình làm không hiệu quả mà vẫn ngang nhiên đút túi một khoản lương khổng lồ dân trả hàng tháng là không có lương tâm, là tham lam.

So sánh của Nguyễn Đình Phúc, email ndphuc_54@yahoo.com.vn: Ở các trường ĐH thuộc ĐHQG thành phố HCM, lương của Giáo sư chỉ có 8 tr VNĐ/ tháng, của PGS chỉ 6 tr VNĐ/ tháng, của Thạc sĩ 3-4tr/tháng. Lương của CEO tập đoàn thua lỗ cao gấp 10 lần lương của GS! Thật bất công khi cứ hô hào vì sự nghiệp Giáo dục!

Trần Thọ Quảng, email quangtrantho@yahoo.com đề xuất: Muốn tìm người giỏi phải luôn luân chuyển cán bộ. Kể cả đã tìm được người thực sự giỏi sau một thời gian làm việc cũng cần luân chuyển để tìm người giỏi hơn. Khi lãi tăng có thể trích thưởng, còn nếu bị lỗ nhiều phải xem xét để xử phạt. Có thưởng phải có phạt thì thực thi pháp luật mới nghiêm minh, thực sự tìm được người thạo việc, chứ không bố trí người chỉ ‘giỏi’ ngoại giao, chạy chức chạy quyền, chỉ ‘giỏi’ ngụy biện, xảo ngôn, thay thế cán bộ kịp thời, tránh làm thất thoát tiền thuế của dân.

Ban Bạn đọc