Cả nước có nguy cơ thiếu mất 1,43 tỷ kWh thủy điện vào mùa khô. Miền Nam có nguy cơ thiếu điện và EVN có thể phải phát điện chạy dầu giá cao tới 1,1 tỷ kWh mùa khô.

Miền Nam thiếu điện?

Ngày 16/1, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự kiến, tổng sản lượng điện năm nay là 113 tỷ kWh, trong đó, sản lượng điện mùa khô là 64 tỷ kWh điện. Công suất lớn nhất dự kiến 20.580MW.

Riêng mùa khô, EVN dự kiến sẽ khai thác hơn 20 tỷ kWh thủy điện, 16,72 tỷ kWh nhiệt điện than, 23,9 tỷ điện tua bin khí và khoảng 1,13 tỷ kWh chạy dầu DO và FO. Đồng thời, EVN dự kiến nhập khẩu điện Trung Quốc 3,6 tỷ, mùa khô dự kiến 2,07 tỷ kWh.

“Tuy nhiên, việc khai thác nguồn giá rẻ thủy điện sẽ không thuận như năm 2012. Mực nước tích các hồ không đầy dẫn tới thiếu hụt 1,43 tỷ kWh. Nếu tính cả các hồ bậc thang thì sản lượng nước thiếu hụt tính đến cuối năm 2012 sẽ tương đương 2,42 tỷ kWh”, ông An nhấn mạnh.

Tính đến 31/12/2012, mức thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,297 tỷ m3, trong đó, miền Bắc hụt mất khoảng 1,9 tỷ m3 và miền Trung hụt khoảng 2,623 tỷ m3.

Bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết năm nay nguồn nước đặc biệt khó khăn, khả năng sẽ xảy ra thiếu nước và khô hạn ở khu vực Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, vụ Đông Xuân năm 2012-2013 ở Trung và Nam Trung Bộ sẽ diễn ra khô hạn trên diện rộng và gay gắt.

Dù thiếu nước nhưng lượng nước xả cho tưới tiêu phục vụ nông nghiệp lại tăng mạnh so với mọi năm. Ông Đặng Hoàng An cho biết, năm nay sẽ có 3 đợt xả nước, bắt đầu từ 25/1 với tổng lượng nước xả lên tới 5 tỷ m3. Con số này tăng dần theo hàng năm, ban đầu là xả 3 tỷ m3, rồi tăng dần lên 3,5 tỷ m3 rồi lên 4 tỷ m3 nước. Năm nay, lượng nước xả tăng lên tới 5 tỷ m3 và theo đó là nỗi lo thiếu nước hồ thủy điện cuối mùa khô. 5 tỷ m3 này tương đương hơn 1 tỷ kWh điện.

Tuy nhiên, ông An vẫn cam kết EVN đủ khả năng đảm bảo điện cho nhu cầu cả nước, sẽ không xảy ra tiết giảm phụ tải. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải đề phòng phụ tải tăng đột biết, thời tiết lại quá nóng hay công nghiệp khởi sắc thì cung cầu điện sẽ khó khăn nữa.

Vấn đề lo ngại nhất là tình hình cung cứng điện cho miền Nam sẽ căng thẳng hơn. Ông cho biết, miền Nam năm nay không có thêm nguồn điện mới vào. Cả năm, tổng nguồn điện của miền Nam là 55,615 tỷ kWh, riêng mùa khô là 29,414 tỷ kWh, Trong khi đó, phụ tải điện miền Nam ước cả năm là 64,793 tỷ kWh, mùa khô là 31,719 tỷ kWh. Như vậy, lượng điện “tự chủ” ở nguồn miền Nam cả năm thiếu tới 9,178 tỷ kWh và riêng mùa khô là thiếu 2,305 tỷ kWh.

Giải pháp đặt ra là Tổng công ty truyền tải điện quốc gia sẽ phải tập trung đưa vào vận hành các công trình trọng điểm lưới điện cho khu vực miền Nam, như đường dây 220kV Đăk Nông- Phước Long- Bình Long, nâng công suất các trạm 500kV Ô Môn, Tân Định, Phú Lâm, đường dầy 500kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông, các đường dây 500kV Phú Mỹ- Sông Mây, Sông Mây- Tân Định…

Đổ dầu phát điện, lại lo lỗ lớn

Trong cơ cấu huy động nguồn điện năm nay, EVN dự kiến sẽ phải huy động chạy dầu cho khu vực miền Nam.
Theo ông An, Bộ Công Thương phê duyệt cả năm điện chạy dầu diezen và madut lên tới 1,53 tỷ kWh dầu, trong đó mùa khô huy động 1,13 tỷ kWh. Toàn bộ sản lượng điện giá cao này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu miền Nam.

Như mọi năm, mỗi khi phải chạy dầu, EVN lại chịu đội chi phí hàng tỷ đồng. Theo phân tích của ông An, với mức giá 17.650 đồng/kg dầu FO thì hiệu suất 1 kg dầu FO sẽ chạy phát được hơn 4 kWh điện. Chia ra, giá phát điện chạy dầu sẽ lên tới 4.500- 4.800 đồng/kWh . Nếu chạy 1,5 tỷ kWh cả năm hay 1,1 tỷ kWh điện dầu mùa khô thì chi phí phát sinh cho EVN sẽ rất lớn.

“Giá điện trung bình hiện nay mới trên 1.400 đồng/kWh mà lại phải sản xuất với giá 4.500- 4.800 đồng/kWh sẽ gây sức ép tài chính lớn cho EVN và cũng rất lãng phí”, ông An nói.

Ông cũng cho biế thêm, giá thành điện có xu hướng sẽ tăng cao khi tới đây, Việt Nam sẽ sớm chuyển từ nước xuất khẩu than sang nhập khẩu than và nhập khẩu thêm cả khí phát điện.

Theo ông An, giá khí thế giới hiện là 17 USD/triệu BTU mà trong nước, mới là 4,5 USD/triệu BTU. Nếu nhập khí thì giá sẽ tăng tới 4 lần. Than thế giới cũng đang cao hơn rất nhiều giá than bán cho điện.

“Bản thân ngành điện yếu tố bất định chưa nắm được, như lượng chạy dầu thực thế bao nhiêu, thủy điện dự kiến 54 tỷ kWh nhưng liệu có đạt được hay không? Chi phí nhiên liệu đầu vào như giá than, giá khí lại đang có lộ trình sẽ tăng. Chưa có con số cụ thể, bắt đầu điều chỉnh khi nào, mức độ ra sao?”, ông An nói.

Từ 1/1/2013, toàn bộ khâu phát điện sẽ chuyển sang phát điện trên thị trường cạnh tranh. Các nhà máy thuộc các tổng công ty phát điện sẽ phải chào giá lên thị trường. Các cân đối Bộ Công Thương duyệt chỉ mang tính chất “khung”. Nhà máy chọn chiến lược chào giá khác thì sản lượng huy động sẽ khác.

Phạm Huyền