- Khi câu chuyện “trứng cõng đủ phí” chưa xong thì quả trứng một lần nữa thành chuyện lớn khi bị các DN tăng giá vô tội vạ. Quyền lợi người tiêu dùng cũng như số phận quả trứng nhỏ mỏng manh như đang bị “đè vỡ” bởi sự tham lam của DN và bấp cập trong quản lý.


Từ sau Tết dương lịch 2013, giá trứng trên thị trường tăng liên tục, từ 2.000 – 3.000 đồng/trứng.

Cụ thể, sau Tết dương lịch, trứng gà tại các chợ truyền thống dao động ở mức 2.400 - 2.700 đồng/trứng, trứng vịt từ 3.300 - 3.500 đồng/trứng. Hiện nay, giá trứng gà đã vọt lên 2.800 – 3.000 đồng/trứng…

Cuối cùng cũng được các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân: có một số DN ngành chăn nuôi đã có những động thái thổi giá, làm giá để trục lợi. Và ngay cả bản thân các DN này khi làm việc với các ban ngành chức năng cũng chính thức thừa nhận hành vi này.

Cụ thể: ngày 14/1, Sở Công Thương TPHCM đã làm việc với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam về việc giá trứng tăng cao những ngày qua. Tại buổi họp này, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, việc tăng giá trứng thời gian qua là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian tới.

Theo đó, đại diện C.P cho rằng, chính sách điều chỉnh giá của C.P là theo cung cầu thị trường, trong khi đó, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ các loại trứng gia cầm trên thị trường tăng mạnh nhân dịp lễ, tết. Do đó, C.P đã nhiều lần tăng giá bán nhằm thu lợi nhuận.


Nhưng những thông tin từ ngành chức năng thì khẳng định không phải thế, bởi từ tháng 12/2012 đến nay, lượng trứng nhập khẩu, sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, giá các loại thức ăn chăn nuôi không hề tăng nên việc tăng giá của C.P là bất hợp lý.

Qua thực tế đó mới thấy thương cho thận phận những quả trứng gia cầm bị làm tội đủ đường và càng thương cho người tiêu dùng bị bị xâm phạm quyền lợi một cách ngang nhiên.

Phản ứng trước tình trạng này, không chỉ người tiêu dùng đang rầm rộ phát động phong trào tẩy chay không dùng trứng của các DN làm giá để trục lợi mà ngay cả các DN bán lẻ ví như hệ thống Co.op Mart đã phản ứng trước quyết định đơn phương tăng giá trứng của những DN và quyết định “cấm cửa” không nhập trứng của CP nữa.

Nhưng xét đến cùng quả trứng gà cũng chỉ là vật vô tri, làm sao chúng tự nâng giá, thổi giá và ép các siêu thị phải mua mình với giá cao nếu không không có những động lực tác động từ đăng sau là con người mà chủ thể cụ thể ở đây là các DN ngành chăn nuôi, đã đang tâm lợi dụng cái vô tri của trứng để trục lợi, làm giàu.

Mà không hiểu sao, gần đây quả trứng gia cầm bé bỏng, mỏng manh cứ hay bị con người và những toan tính của nó làm tình làm tội như thể muốn ép vỡ nó mới thôi.

Còn nhớ hồi tháng 7/2012, người ta phát hiện ra một sự kiện chấn động không chỉ làng chăn nuôi mà cả xã hội: một quả trứng gà nhỏ nhoi trong hành trình không dài từ trang trại đến tay người tiêu dùng đang phải “cõng” tới 5 loại phí khác nhau.

Cụ thể, nếu tiêu thụ trong tỉnh, mỗi quả trứng phải chịu phí kiểm dịch tổng cộng 7,26 đồng/quả (bao gồm phí kiểm dịch và phí hóa chất). Trong trường hợp chở đi tiêu thụ ở tỉnh khác, mức phí sẽ là 8,06 đồng/quả (phí kiểm dịch và tiền hóa chất).

Ngoài ra, cứ qua mỗi tỉnh, xe chở trứng phải ghé vào trạm kiểm dịch ở tỉnh đó để trình giấy chứng nhận kiểm dịch và phun thuốc sát trùng. Phí sát trùng xe vận chuyển qua tỉnh là 50.000 đồng/chuyến/trạm. "Bán một quả trứng gà, người dân cũng chỉ thu về được 1.500 đồng. 5 lần phí kiểm dịch, tổng cộng phí kiểm dịch cho mỗi quả trứng đã trên 200 đồng

Như vậy nếu một chiếc xe chở trứng từ nhà quê ra các tỉnh thành như Hà Nội tiêu thụ, chủ hàng phải rất nhiều lần dừng tại các trạm kiểm dịch của các tỉnh trình giấy, sát trùng xe và đóng phí. Các khoản phí kiểm dịch trên, mỗi quả trứng sẽ được tính vào giá thành khi xuất bán trứng cho khách hàng và tất nhiên, người cuối cùng phải "gánh chịu" các loại phí này cuối cùng lại là ai khác ngoài người tiêu dùng?

Câu chuyện phí chồng phí nóng đến mức, thời điểm ấy cơ quan chức năng đã phải xắn tay vào cuộc để tìm cách giải cứu cho những quả trứng có nguy cơ bị bầm dập vì bị đè bởi các loại phí vô lý đó. Mà rõ ràng, trong trường hợp này quả trứng cũng chỉ là nạn nhân của những quy định phi lý bất công của con người.

Vậy mà, trong khi câu chuyện “trứng cõng phí” chưa được xử lý rốt ráo thì các DN đang có lợi thế khống chế thị trường lại một lần nữa rắp tâm đè nghiến những quả trứng gia cầm ra để làm giá kiếm lời.

Trứng ơi, trứng có tội tình gì?

Tâm Thời