Thời gian gần đây, đặc biệt từ cuối tuần qua, khi giá xăng tăng cao chưa từng có, việc sử dụng xe đạp điện đi lại đang trở thành xu thế mới được nhiều khách hàng lựa chọn.
Các tin liên quan |
Người Hà Nội bỏ xe máy chuyển sang xe đạp |
Vui vì xăng... tăng giá
Trên những con phố Bà Triệu, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Tây Sơn… xe đạp điện là mặt hàng không thể thiếu tại những cửa hàng chuyên bán xe đạp, thậm chí có những cửa hàng chuyển hẳn sang chuyên bán xe đạp điện vì sức mua sản phẩm này đang trên đà tăng mạnh.
Anh Nguyễn Huy Hùng, chủ cửa hàng xe đạp điện 220 phố Tôn Đức Thắng cho biết, thường thì bắt đầu năm học và sau tết là mới thời điểm xe bán chạy. Tuy nhiên thời gian gần đây, xe đạp điện được ưa chuộng hơn hẳn, thời điểm này năm ngoái trung bình cửa hàng chỉ bán được 5-10 chiếc/tháng còn năm nay dao động từ 15-20 chiếc/tháng.
Xe đạp điện rất nhiều màu sắc và kiểu dáng. |
Theo anh Nguyễn Văn Bắc, đại diện của Công ty TNHH Đàm Minh Anh (chi nhánh 26 Đại Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội) chuyên cung cấp xe đạp điện thông minh hiệu Geoby, doanh thu chi nhánh công ty này tại Hà Nội và Hải Phòng trong 3 tháng đầu năm nay tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tính riêng tháng 3 này, lượng xe bán ra tăng hơn 30% so với những tháng đầu năm.
Theo khảo sát của chúng tôi trên địa bàn Hà Nội, xe chạy bằng ắc quy có giá khoảng 8-12 triệu đồng, còn xe chạy bằng pin khoảng 10-19 triệu đồng. Khách hàng thường ưa chuộng các loại xe chạy bằng pin, dù đắt hơn nhưng lại có thời gian chạy lâu hơn.
Mẫu mã của xe đạp điện rất đa dạng, các hãng sản xuất ra các kiểu dáng, kích thước, trọng lượng... phù hợp với học sinh, dân công sở và cả những người cao tuổi với hàng chục màu sắc cho khách hàng tha hồ lựa chọn.
Xe đạp điện chạy ắc quy có thời gian sạc bình từ 4-8 giờ và có thể chạy được 40-50km tùy vào địa hình. Xe đạp điện thường được bảo hành từ 6-12 tháng, có hãng bảo hành lên tới 3 năm.
Hiện nay, các sản phẩm xe đạp điện đang đươc người tiêu dùng ưa chộng chủ yếu được gắn mác của những hãng lớn có uy tín như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant, Asama, Geoby,... hầu hết là xe liên doanh được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.
Đa số chủ các cửa hàng kinh doanh xe đạp điện cho rằng trong thời gian tới, sức mua sản phẩm này sẽ còn tăng vì nhu cầu của người tiêu dùng lớn. Đặc biệt, trong thời điểm giá xăng vừa tăng cao, người dân sẽ tìm đến những phương tiện giao thông tiện lợi và tiết kiệm. Giá xăng tăng dường như trở thành tín hiệu vui đối với kinh doanh xe đạp điện.
Bài toán kinh tế đã rõ
Cái lợi đầu tiên mà bất kỳ khách hàng nào khi mua xe đạp điện cũng nghĩ đến ngay, đó là việc tiết kiệm xăng thời "bão giá".
Chị Nga, một cán bộ phường Vĩnh Phúc, cho biết, chị mới mua xe đạp điện được hơn một tháng, từ nhà đến nơi làm việc khoảng 7 cây số, nếu đi xe máy tay ga một tháng chị hết hơn 600.000 đồng/tháng, nay chị chỉ cần sạc điện tính ra tiết kiệm đến hơn 500.000 đồng/tháng.
"Thời buổi này, tiết kiệm được bao nhiêu quý bấy nhiêu, giờ giá xăng tăng cao, như thế là tiết kiệm được nhiều hơn nữa đấy," chị Nga vui vẻ chia sẻ.
Đối với những người có phạm vi làm việc hay mật độ đi lại thấp như học sinh, người cao tuổi... việc sử dụng xe đạp điện giúp họ dễ dàng làm chủ được phương tiện, nhất là tốc độ.
"Bố tôi gần 70 tuổi, vẫn hay đi sinh hoạt cùng hội người cao tuổi và vẫn đủ sức khỏe tham gia giao thông nhưng có lần cụ lóng ngóng bị ngã với xe máy. Vợ chồng mua tặng cụ xe đạp điện để cụ đi lại cho an toàn. Xe vừa dễ sử dụng mà tốc độ lại phù hợp," anh Thành, một khách hàng ở 337 Cầu Giấy, chia sẻ.
Không chỉ tiết kiệm, tốc độ hợp lý, dễ sử dụng mà xe đạp điện còn là "đại sứ" thân thiện với môi trường đồng thời đạt được nhiều giá trị thẩm mỹ với kiểu dáng, màu sắc trẻ trung nên đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Đào Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Đào Khôi (60 Trần Đăng Ninh, Hà Nội), chuyên cung cấp các loại xe đạp điện, khuyến cáo người tiêu dùng cần hiểu rõ "bạn đường" của mình khi vận hành.
Ông Khôi cho biết, xe đạp điện có thể đạt vận tốc từ 30-40km/h, xe lại nhẹ, nên người sử dụng phải làm chủ được tốc độ để giữ an toàn, đội mũ bảo hiểm và bảo dưỡng ắc quy xe định kỳ.
Khi mua hàng khách hàng nên quan tâm tới thông số ắc quy, hệ thống phanh, sạc… của xe. Bệnh thường gặp ở xe đạp điện là bình ắc quy yếu điện, bộ sạc không nạp và tay ga bị kẹt hay lỏng mối nối điện… và cả những trường hợp bình điện không sạc được.
Bên cạnh đó, mặc dù ắc quy xe chỉ có công suất khoảng 48V, khi bị chập cháy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những người bán hàng vẫn khuyến cáo khi trời mưa không nên dùng xe đạp điện, vì ắc quy xe tiếp xúc với nước rất dễ bị hỏng.
(Theo Vietnam+)