Tại Bình Định, chuyện bắt rùa trở nên rầm rộ cách đây vài tháng và ngày càng nóng lên, đi bất kỳ nơi đâu cũng nghe bàn tán rôm rả chuyện săn bắt, mua bán rùa.
TIN BÀI KHÁC
Hốt hoảng thấy trăn ngoi đầu trong bồn cầu
Sẽ có 5-6 cơn bão, áp thấp đổ bộ vào VN
Tận diệt rùa đồng
Nhiều người đã bỏ hàng chục triệu đồng mua lưới (lưới lồng dùng cảo các loại thủy hải sản ở đầm hồ) để săn rùa |
Tại Bình Định, chuyện bắt rùa trở nên rầm rộ cách đây vài tháng và ngày càng nóng lên, đi bất kỳ nơi đâu cũng nghe bàn tán rôm rả chuyện săn bắt, mua bán rùa. Loài rùa có kích thước trung bình và nhỏ, mai dẹp này trước đây xuất hiện tương đối nhiều trên các đồng ruộng, ao hồ ở địa phương này, người đi câu cá đêm vẫn thường bắt được.
Nhưng theo quan niệm dân gian, gặp rùa là xui xẻo nên người
dân ở đây có câu: Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về, ít người muốn gặp nó. Tuy
nhiên gần đây, giá mua rùa trở nên cao ngất ngưởng nên ai cũng mong được một lần
“gặp xui” (gặp rùa).
Nhanh như… rùa
Nhiều người xoay xở mua lưới, bẫy nhử rồi rủ nhau lặn lội đêm ngày cả tháng trời săn bắt rùa. Tại các con suối, ao hồ, bất kỳ nơi nào nghi có rùa đều bị giăng đầy bẫy. Khắp những cánh đồng, ánh đèn pha của người đi bắt rùa chằng chịt. Có nơi người đi đông đến nỗi họ tự chia ra mỗi người “quản” 100m chiều dài bờ đập, bờ suối “bất khả xâm phạm” để đặt bẫy.
Yếm của rùa đồng có hoa văn rõ ràng, rất đẹp |
Ông cho biết: “Dàn lưới của tôi là còn ít, nhiều nhóm đi năm bảy xe gắn máy, xe nào cũng chở mấy bao lưới. Đi chỗ nào cũng gặp người săn rùa, giành nhau địa bàn dữ lắm”. Theo kinh nghiệm của ông: “Rùa thường sống thành bầy 4-8 con. Khi bắt được một con thì chắc chắn nơi đó sẽ còn nữa. Với mồi nhử này chỉ sau ba đêm là không con nào không chui vào lưới”. Hỏi cách làm mồi, ông lắc đầu bảo “bí mật”.
Ông Tám, chủ một quán cà phê ở Phù Mỹ, kể: “Nhiều người đến uống cà phê thấy cái
ao trong vườn nhà, họ nói ao này nhiều lá ủ, khả nghi có rùa. Vậy là qua một đêm
thức dậy thấy ao đã bị cảo sạch”. Cùng cảnh ngộ với ông Tám, nhiều ao, hào khả
nghi có rùa tại các địa phương đều bị giẫm nát. Còn ông Thái, ở gần nhà ông Tám,
có nuôi một con rùa dưới hòn non bộ làm cảnh thì lại gặp phải tình huống bi hài
khác. Khi ông chưa biết rùa có giá, một đứa cháu bà con đã đến hỏi mua với lý do
trị bệnh ung thư, bác sĩ bảo tìm rùa ăn sẽ khỏi! Thương cháu, ông Thái ra xả hồ
tìm bắt rùa thì mới biết đã bị mất trộm từ lúc nào. “Phải nói là nhanh như rùa
chứ không phải chậm như rùa nữa”, ông Thái phàn nàn. Sau đó, ông mới biết người
cháu đã biết rùa tăng giá nên định mua giá rẻ của ông bán lấy tiền.
Trắng tay, trắng đồng
Thấy bắt rùa vừa dễ lại nhiều tiền, người người rủ nhau đi bắt. Tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn…, nơi nào cũng rầm rộ người đi bắt rùa. Nhiều người bỏ bê tất cả công việc mưu sinh hằng ngày để đi săn rùa với hi vọng mong manh kiếm được nhiều tiền để đổi đời. Nhiều nhóm thợ săn còn mở rộng địa bàn đánh bắt qua các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên… Họ đi đến đâu thì chuyện rùa nóng đến đó, kéo theo một số thanh niên các tỉnh cũng theo học nghề, đổ xô đi bắt rùa.
Ông Hà, một nông dân ở Phù Mỹ, vì quyết tâm bắt rùa, bỏ cả công việc đồng ruộng
theo dân săn rùa, gài bẫy bằng cách thắt dây cổ chó để bắt rùa. Sau hơn một
tháng lặn lội, một con rùa nặng 0,4kg dính bẫy nhưng bị dây thắt cổ siết chết.
Ông ôm con rùa khóc và điện thoại hỏi y tá thôn: “Có loại thuốc gì chích để rùa
sống lại không, 2 triệu đồng một mũi tui cũng trả!”. Vợ chồng anh Tự ở huyện Phù
Cát trồng 2 sào dưa leo để bán vào dịp Tết Nguyên đán nhưng do mê bắt rùa nên bỏ
cả ruộng dưa, bỏ hai đứa con nhỏ nheo nhóc ở nhà phải tự lo cho nhau, hai vợ
chồng sắm lưới đi bắt rùa suốt ngày đêm. Hơn hai tháng ruộng dưa chết héo, hai
vợ chồng vẫn chưa bắt được con rùa nào.
Ông Chánh, thợ hồ ở Phù Mỹ, bỏ nghề mấy tháng nay để theo nghề săn rùa. Ông sắm
hơn 30 tay lưới, 30 chiếc bẫy gần 10 triệu đồng dồn sức cho việc bắt rùa. Hơn
hai tháng đêm nào cũng đi, ngủ ngoài đồng với tấm áo mưa vừa làm mền vừa làm
chiếu trong cái lạnh thấu xương. Mỗi ngày ông phải bỏ thêm hơn 100.000 đồng để
mua mồi, chủ yếu là ruột vịt, trứng vịt ung, thịt bò để nhử rùa. Cuối cùng ông
bắt được một con rùa nặng khoảng nửa ký, bán được hơn 10 triệu đồng. Vừa lỗ
công, lỗ vốn, người hốc hác, sụt mất 5kg vì mất ngủ, thiếu ăn. Tuy nhiên, ông
nói: “Tui vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Có nhóm đi cả tháng trời không bắt
được con nào”. Ông cho biết nhiều thanh niên nghĩ rất dễ bắt được rùa nên khi đi
tổ chức ăn nhậu rình rang, ký nợ tiền của các quán, một số không có tiền trả
phải cố tìm cho ra rùa để bán gỡ vốn, cứ lang thang ngoài đồng suốt đêm.
Chúng tôi theo chân ông Chánh lội hồ, ao, suối vào những nơi có cây rậm, lá ủ
đặt đến hơn 50 tay lưới bẫy. Cứ ba giờ đi thăm một lần trong cái lạnh thấu
xương. Bì bõm suốt đêm nhưng vẫn không tìm được con rùa nào. Đến sáng thu lưới
còn bị lấy cắp một số lưới. Ông than thở: “Cả tháng nay xui quá, lỗ nặng!”. Một
nông dân địa phương đi thăm đồng than thở: “Hơn tháng nay ít nhất có đến ba bốn
đoàn tới đây bắt rùa, họ đi rất đông và lưới nhiều. Nhiều hàng rào, vườn tược bị
chặt phá, giẫm nát, ao hồ bị xả nước, cảo sạch để bắt rùa”.
Gom hàng đi Bắc
Bà Đào, một đại lý mua rùa ở huyện Phù Cát, cho biết: “Cách đây vài tháng tụi tui được một đại lý ở miền Bắc đặt hàng với giá cao. Trước kia, giá rùa chỉ hơn 100.000 đồng/kg, nhưng họ đặt hàng tụi tui lúc đầu là 5 triệu đồng/kg, rồi tăng lên 25 triệu đồng/kg chỉ trong một tuần. Có hàng bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, kể cả con nhỏ dưới 2 lạng. Không biết mua để làm gì nhưng họ đặt hàng nên tụi tui tổ chức đi gom tại các địa phương bán lại kiếm lời. Khi người dân chưa nắm giá cả, có lúc mỗi ký rùa tụi tui lãi vài triệu đồng. Thời gian trước Tết Nguyên đán có ngày mua được gần cả chục ký, nhưng gần đây rùa mua được ít dần. Rất nhiều người đi bắt rùa than vãn do quá nhiều người săn bắt nên rùa hầu như đã cạn kiệt”.
Rùa gần như đã cạn kiệt |
Tương tự, một đầu mối buôn rùa tên S. (ở thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn) cho biết cách đây khoảng vài tháng khi vào cao điểm cơn sốt săn rùa, mỗi ngày đại lý này mua được khoảng chục ký rùa. Hiện nay, mỗi ngày chỉ thu được vài con do lượng rùa ít dần. Các đại lý ở Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn… cũng tương tự. Họ cho biết rất nhiều người đi bắt nhưng rùa ngày càng khan hiếm.
Hỏi mua rùa giá cao đến 25-32 triệu đồng/ký để làm gì, tất cả đại lý đều trả lời
không rõ. Chỉ biết sau khi thu gom, các đại lý ở địa phương đóng gói gửi ra một
số đại lý các tỉnh phía Bắc và đều được mua lại hết với giá nhỉnh hơn. Họ chỉ
nghe các đại lý “mẹ” nói hàng này sẽ được đem qua Trung Quốc. “Nghe đâu là làm
thuốc bắc chữa trị một số bệnh gì đó hoặc dùng vào việc gì khác, tụi tui cũng
không rõ. Thời điểm rùa nhiều thì họ vào tận nơi gom hàng”, một người buôn rùa
tại Bình Định cho biết.
Động vật quý hiếm cấm mua bán, trao đổi
GS.TS Mai Đình Yên - nguyên chủ nhiệm bộ môn động vật Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Rùa Trung bộ là loài rùa đặc hữu, rất quý hiếm, chỉ có ở một số tỉnh Trung bộ VN. Quần thể sống ở phạm vi hẹp (khoảng 100km2), hiện nay số cá thể rùa này còn rất ít nên cần bảo vệ bằng mọi giá”.
Rùa đồng còn gọi là rùa Trung bộ, thuộc nhóm IIB, ghi trong Sách đỏ IUCN (2005)
cấp CR. Chính phủ đã ban hành nghị định số 32/2006/NĐ-CP về bảo vệ các loài động
vật hoang dã của VN. Rùa Trung bộ được đưa vào danh sách những loài động vật
được bảo vệ, cấm mua bán, trao đổi hay tiêu thụ mà không được phép của Chính
phủ. Đồng thời, rùa Trung bộ cũng đã được ghi trong danh mục II, Công ước quốc
tế về cấm buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
(Theo Tuổi trẻ)