Vào đầu năm 2010, con tê giác cuối cùng đã bị săn bắn trộm để lấy sừng. Bất chấp điều này, hoạt động buôn bán sừng tê tại Việt Nam đã chuyển sang một nguồn cung mới là châu Phi.

“Cò” sừng tê trục lợi trên người bệnh

Thói quen sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam có lịch sử lâu đời, được kết nối một phần với nền y học cổ truyền của nước láng giềng phía Bắc là Trung Quốc. Tuy nhiên, thực chất giá trị y học của sừng tê giác rất gần với móng ngựa. Các quan chức Việt Nam tại một hội nghị quốc tế của Liên minh chống buôn lậu động vật hoang dã (CAWT) tổ chức ở Johannesburg tháng 9.2011 thừa nhận ở Việt Nam sừng tê giác được xem là phương thuốc chữa bách bệnh, kể cả ung thư.

Việc quảng cáo sừng tê giác làm thuốc chữa trị cho các bệnh ở giai đoạn cuối, thực tế là một âm mưu tiếp thị nhằm tăng khả năng sinh lời cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp bằng cách nhắm vào những bệnh nhân tuyệt vọng, sắp chết. Bằng chứng về những tên “cò” sừng tê giác cố tình tìm kiếm bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện đã tô đậm mặt tiêu cực của việc quảng bá sừng tê tại Việt Nam hiện nay. 

{keywords}

Thợ săn người Việt và chiến lợi phẩm tê giác trắng. Ảnh: TRAFFIC cung cấp

Là một mặt hàng bất hợp pháp, sừng tê giác vẫn được buôn bán một cách bí mật tại nhiều thị trường thuốc đông y và thị trường động vật hoang dã trong nước. Sừng tê được bán ngày càng nhiều thông qua các cửa hàng bán lẻ không liên quan đến cộng đồng đông y. Buôn bán trên mạng thông qua các trang mạng xã hội và trang kinh doanh cũng khá phổ biến. Trong khi đó việc mua bán phục vụ cho các cá nhân trong giới quan chức, kinh tế và xã hội lại được thực hiện thông qua các kênh không chính thức khác và các mối quan hệ cá nhân. Trong một số trường hợp, nhân viên bệnh viện hoặc các cá nhân khác có chức năng làm “cò” sừng tê, họ tích cực tìm kiếm khách hàng trong số những bệnh nhân mắc bệnh nan y giai đoạn cuối. Cùng lúc đó, có một số lượng lớn sừng tê giác giả lưu hành trên thị trường.

Những con đường tuồn sừng tê vào Việt Nam

Những cuộc săn tê giác đầu tiên của công dân Việt Nam tại Nam Phi là vào năm 2003. Theo số liệu của Công ước buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), từ năm 2003 – 2010, 657 chiếc sừng tê giác đã được xuất khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam dưới dạng chiến lợi phẩm, nhưng số liệu nhập khẩu của Việt Nam chỉ ghi nhận 170 chiếc, con số này cho thấy 74% của hoạt động buôn bán đã không được khai báo. Sự thất bại trong việc hạch toán đầy đủ số lượng chiến lợi phẩm sừng tê hợp pháp không chỉ thúc đẩy buôn bán trái phép tràn lan, mà còn làm cho Việt Nam mất gần 2 triệu USD tiền thuế. Ngoài môn thể thao săn bắn, các mạng lưới buôn bán bất hợp pháp còn cung cấp cho Việt Nam hàng trăm chiếc sừng tê từ những nguồn bất hợp pháp khác ở Nam Phi, bao gồm săn bắt trộm, trộm cắp và sừng trong các kho không đăng ký ở khu vực tư nhân.

Sừng tê giác vẫn tiếp tục vào Việt Nam thông qua các kênh đa dạng, bao gồm đường hàng không nối Johannesburg với Hà Nội hoặc TP.HCM qua Hong Kong, Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore. Thủ đô Maputo của Mozambique cũng đang nổi lên như một cơ sở mới cho việc vận chuyển sừng tê giác ra khỏi châu Phi vào Việt Nam. Hầu hết những kẻ buôn lậu là nam giới trẻ hoặc trung niên, một số kẻ còn được cho là đã thực hiện nhiều chuyến với tư cách người vận chuyển thường xuyên. Tuyến đường bộ từ nước láng giềng Lào cũng được sử dụng để buôn lậu sừng tê (có thể từ Thái Lan) vào Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam thiếu một hệ thống đáng tin cậy theo dõi các chiến lợi phẩm săn bắn hợp pháp để đảm bảo rằng chúng không bị đem ra buôn bán. Hơn nữa, không vụ bắt giữ nào dẫn đến các cuộc điều tra trên diện rộng nhằm xác định các tổ chức tội phạm đứng đằng sau hoạt động buôn bán này. Tính đến tháng 6.2012, không có vụ bắt giữ sừng tê nào được báo cáo tại Việt Nam kể từ năm 2008, trong khi số liệu tại Nam Phi cho thấy một câu chuyện hoàn toàn trái ngược về số lượng tê giác bị giết bất hợp pháp, số thợ săn Việt Nam đăng ký các cuộc săn bắn nhằm mục đích làm chiến lợi phẩm, và số công dân Việt Nam bị bắt cùng với những chiếc sừng tê lậu.

Các khuyến nghị

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một cách rõ ràng rằng Việt Nam là điểm đến và tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu thế giới. Tình trạng này sẽ không thể thay đổi trong tương lai, trừ phi Việt Nam có các hành động sau:

Thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ để đưa tội phạm về sừng tê giác trở thành ưu tiên quốc gia. Xem xét và củng cố luật pháp và các hình phạt liên quan đến buôn bán bất hợp pháp sừng tê. Giải quyết các vi phạm liên quan đến chiến lợi phẩm sừng tê giác được nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi nhưng sau đó lại bị đem ra buôn bán thương mại. Chấm dứt quảng cáo và buôn bán sừng tê trên internet.

Giải quyết vấn đề sừng tê giác “giả” trên thị trường. Phát triển và thực hiện các hiệp định song phương nhằm thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật với Nam Phi và các quốc gia khác. Phát triển một cơ chế quy định chặt chẽ nhằm theo dõi các chiến lợi phẩm sừng tê hợp pháp. Triển khai các chiến thuật thực thi pháp luật hiệu quả trên thị trường. Cam kết đủ nguồn tài chính và nhân lực để chiến đấu với tội phạm về sừng tê giác. Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và giám sát đang diễn ra. Tham gia thúc đẩy các hoạt động giảm nhu cầu và thực hiện các nghiên cứu đặc tính y học của sừng tê như một bước tiến tới khuyến khích sử dụng các chất thay thế.

(Theo SGTT)