Tập đoàn Intel - doanh nghiệp Mỹ nổi tiếng ở Việt Nam dính nghi án trốn thuế, lách luật với giá trị hợp đồng chuyển nhượng vốn 100 triệu USD.

Nghi án chuyển nhượng

Mọi sự khởi đầu từ một báo cáo kiến nghị chính sách của Cục thuế TP.HCM hồi đầu tháng 12 đánh giá về thực trạng chuyển nhượng vốn với các dấu hiệu trốn thuế, lách thuế, và tập đoàn Intel của Mỹ “bị” bêu tên đầu tiên.

Văn bản này nêu rõ, công ty Intel Asia Holding Limited được chuyển nhượng cho công ty trong cùng tập đoàn với giá bán bằng giá vốn là 100 triệu USD, do đó, không phát sinh lãi nên không phải nộp thuế.

Cùng với Intel, cũng nhiều đại gia nổi tiếng khác cũng đã bị bêu tên như Phở 24, thực phẩm tiêu dùng Masan, y khoa Hoàn Mỹ, Công ty PT Global Investment... Chiêu lách luật được Cục Thuế TP.HCM phân tích chủ yếu là việc chuyển nhượng vốn, bán doanh nghiệp với giá cao nhưng lại không khai báo với cơ quan thuế, nâng khống vốn điều lệ lên gấp cả trăm lần rồi chuyển nhượng bằng giá vốn hoặc thấp hơn, báo lỗ để tránh thuế...

{keywords}

Phía Intel cho hay họ đã thông báo đầy đủ với cơ quan chức năng Việt Nam về sự chuyển đổi và bày tỏ thất vọng vì sự hiểu nhầm đáng tiếc này.

Trường hợp tập đoàn Intel, nhiều chuyên gia bình luận, thông tin trên như một cú tát trời giáng vào bảng thành tích thu hút FDI của Việt Nam, khi vừa qua, hàng loạt thương hiệu đình đám cũng bị kết luận chuyển giá ngàn tỷ, như tập đoàn bất động sản Keangnam của Hàn Quốc, tập đoàn dệt may Hualon của liên doanh Đài Loan - Malaysia...

Năm 2006, Intel đổ vào Việt Nam số vốn ban đầu 1 tỷ USD để xây dựng cơ sở thứ 7 và là cơ sở lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của tập đoàn. Khi đó, thương hiệu Intel liên tục được nhắc đến như một điển hình thành công trong việc thu hút FDI “tỷ đô” của Việt Nam - thời điểm mới gia nhập WTO. Khác biệt với khá nhiều thương hiệu đã từng ít nhiều dính tai tiếng truyền thông, kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, nhà đầu tư này chưa từng vướng phải điều tiếng nào.

Bộ Tài chính gỡ tội cho DN?

Trao đổi với báo chí hôm 19/12, lãnh đạo Bộ Tài chính đã khẳng định, Intel bị oan. Trường hợp của Intel khác biệt về bản chất rất nhiều so với các nghi án mà truyền thông vừa qua xới xáo, như vụ Massan, Phở 24, Cocacola... 

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Intel là doanh nghiệp chế xuất lĩnh vực công nghệ cao có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đây là doanh nghiệp xuất khẩu 100%.

“Số liệu theo dõi từ Bộ Tài chính cho hay, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Intel Việt Nam rất khá và đã khai lãi đàng hoàng. Đây cũng là đơn vị thực hiện chính sách thuế theo đúng pháp luật”, ông Tuấn nói.

Không chỉ đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, Intel còn là một “nhà tư vấn chính sách” khá tốt cho Bộ Tài chính trong lĩnh vực thủ tục hải quan những năm qua.

Liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng vốn 100 triệu USD, bằng với giá vốn, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, thực chất, về bản chất kinh tế ở vụ chuyển nhượng vốn này chỉ là hoạt động tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả của tập đoàn.

Ông bình luận: “Công ty mẹ Intel ở Mỹ thành lập ra công ty ở Hà Lan, rồi Intel Hà Lan “đẻ” ra Intel Hồng Kong, tiếp nữa Intel Hồng Kong “sinh” tiếp ra Intel Việt Nam. Đến nay, Intel ở Việt Nam đủ lông đủ cánh thì trực thuộc thẳng ông chủ ở Hà Lan. Nói cách khác, việc chuyển nhượng này là thay đổi chủ sở hữu đối với Intel Việt Nam. Đây cũng là một xu hướng tích cực, vì đã nâng cấp vị trí của Intel Việt Nam tương ứng với tốc độ tăng trưởng”.

“Chưa hết, trước khi thực hiện, tập đoàn này đã xin phép ý kiến ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và xin ý kiến ban quản lý khu công nghệ cao rồi”, thứ trưởng Tuấn cho hay.

Qua điều tra xác minh, vị lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: “Hoàn toàn không nhìn thấy dấu hiệu báo lỗ, chuyển giá, vi phạm thuế, lách luật của doanh nghiệp FDI này”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết thêm, các trường hợp doanh nghiệp còn lại mà Cục thuế TP.HCM nêu tên sẽ được kiểm tra xác minh, trong đó, cũng có một số doanh nghiệp có dấu hiệu rõ ràng về việc lách thuế.

Mới đây, đại diện của tập đoàn Intel cũng lên tiếng cho biết, nguyên nhân của vụ chuyển nhượng vốn bằng giá vốn chỉ là thay đổi chủ sở hữu. Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (nhà máy Intel Việt Nam) là một trong số các đơn vị vừa được tập đoàn tái cơ cấu nội bộ, thay đổi chủ sở hữu từ Intel Asia Hong Kong sang Intel Hà Lan.

việc chuyển nhượng này không nhằm mục đích giảm/né tránh nghĩa vụ thuế của Intel đối với chính phủ Việt Nam. Intel là một nhà đầu tư uy tín và lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi rất thất vọng vì sự hiểu nhầm đáng tiếc này bởi Intel đã chủ động thông báo việc về sự thay đổi nội bộ đến các cơ quan chức năng liên quan và đã nhận được sự hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn qui trình thực hiện.

Phạm Huyền