- Các DN Việt Nam đang đổ qua Myanmar khai phá một thị trường hoang sơ còn sót lại trên trái đất. Tuy nhiên, My - cách gọi  của giới doanh nhân về Myanmar - là mảnh đất mới nhưng không phải là một mảnh đất trống. Cả thế giới đang đổ về đây, cạnh tranh dữ dội để có chỗ đứng trên thị trường mới mở nhiều tiềm năng này. Qua My làn ăn, trông dễ nhưng không hề dễ, quyết liệt để vào thị trường nhưng phải trường kỳ bám trụ mới có thành công.

'Hội quán' của hy vọng

Đêm khai mạc VietNam Expo 2013 tại Myanmar, Văn phòng đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư qua Myanmar (AVIM) và BIDV ở Yangon đông gấp 4 -5 lần ngày thường. Mỗi lần có sự kiện của giới kinh doanh Việt Nam ở Yangon, các doanh nhân Việt đều đến địa chỉ quen thuộc này để gặp gỡ, trao đổi thông tin làm ăn ở Myanmar.

Từ trước khi diễn ra hội chợ cả tháng, cán bộ nhân viên ở đây đã rất bận rộn hỗ trợ tổ chức hội chợ, giúp đỡ các DN trong tìm hiểu, khảo sát thị trường. Cho đến nay, BIDV và AVIM là hai tổ chức sớm có mặt và hoạt động tích cực nhất ở đây.

{keywords}

Vì thế, chẳng có gì lạ khi các doanh nhân đang thường trực trên đất Myanmar luôn chọn đây là điểm đến hàng tuần, còn các doanh nhân khác cũng quen với thông lệ này để mỗi lần đến Yangon đều họp mặt ở đây. Và văn phòng nhỏ bé này đã trở thành một 'hội quán' của doanh nhân Việt trên đất Myanmar.

Buổi gặp gỡ tối hôm đó có rất nhiều doanh nhân, đại diện cho các DN người Việt qua Myanmar làm ăn. Có những người đã thường trực ở đây hàng năm trời, có những người lần đầu đến tìm hiểu thị trường. Ở đây, có đủ những DN lớn như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Tổng Công ty Dược... cho đến các tư nhân đã có tên tuổi như: Thể thao Động Lực, nhà thép ATAD...

Mọi câu chuyện đều xoay quanh làm ăn trên mảnh đất mới với rất nhiều kỳ vọng. Từ những vấn đề thời sự, những bước tiến của từng DN hay các biến động chính sách, pháp lý của Myanmar đều được trao đổi cụ thể.

Đến nay, Hoàng Anh Gia Lai là điển hình thành công của DN Việt đầu tư vào Myanmar. Vì thế, bên cạnh đại diện của HAGL luôn nhận được nhiều câu hỏi, những yêu cầu tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm từ các DN khác.

Đại diện HAGL cho biết, dự án BĐS khổng lồ ở đây đã gần hoàn thành phần nền móng. HAGL đang đẩy mạnh tiến độ để khẳng định uy tín của DN cũng như cộng đồng DN Việt Nam với chính phủ Myanmar.

{keywords}

Đại diện Tổng Công ty Dược cho biết, việc thâm nhập thị trường bước đầu khá khả quan, đã có gần 100 nhãn sản phẩm dược Việt Nam có khách. Trên thị trường này, dù phải cạnh tranh với đối thủ hàng giá rẻ Ấn Độ song hàng Việt vẫn giành được thiện cảm và định vị là hàng chất lượng tốt và giá hợp lý.

Đại diện nhà thép tiền chế ATAD chia sẻ, sau hơn nửa năm mở văn phòng đại diện, tìm kiếm đối tác, đến nay đang chuẩn bị cho những hợp đồng đầu tiên sẽ đến trong đầu năm 2014. DN này hy vọng, khi thành công với hợp đồng đầu tiên, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Vạn sự khởi đầu nan, trong lĩnh vực xây dựng, đã có những DN Việt Nam đặt dấu ấn đầu tiên trên thị trường này như Công ty cổ phần Thiết kế xây dựng AA đã trúng thầu dự án hoàn thiện nội thất khách sạn năm sao Novotel Yangon. Từ đây, một tên tuổi DN Việt đã được biết và thuận lợi hơn trong làm ăn trên đất Myanmar.

Đại diện Công ty cổ phần Gốm Đất Việt cũng khởi động sớm và thành công bước đầu của Tôn Hoa Sen khi trở thành một trong những nhà cung cấp tấm lợp hàng đầu ở Myanmar là một kinh nghiệm cần học hỏi.

Đến nay, sản phẩm ốp lát, trang trí xây dựng Gốm Đất Việt đã tìm được những đối tác để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này. Đại diện Gốm Đất Việt cho rằng, Myanmar là một công trường, cơ hội cho ngành vật liệu xây dựng rất lớn. Nhiều DN đang dồn sức để khai thác thị trường này.

Cũng có mặt sớm trên thị trường Myanmar, xe máy Sufat, hàng gia dụng Sunhouse, đồ điện máy Kangaroo, chăm đệm HanVico, bánh kẹo Hữu Nghị đều đã đặt được bước chân đầu tiên trên thị trường.

Các DN này cho biết, dù lượng xuất chưa nhiều, "tháng xuất đôi ba công" nhưng đây là bước khởi đầu đầy triển vọng, tạo động lực cho DN bước vào Myanmar khi thị trường đang mở cửa mạnh mẽ

Làm lớn phải trường kỳ

Lãnh đạo BIDV và Avim cảm nhận được làn sóng doanh nhân Việt Nam sang Myanmar làm ăn tăng lên từng ngày. Cuối năm ngoái, đợt sinh hoạt cộng đồng Việt đầu tiên ở Yagon có chưa đầy 100 người thì cuộc gặp gỡ mới đây đã có hơn 400 người và con số đầy đủ sẽ lớn hơn rất nhiều. Từ những DN đơn lẻ đi đầu như BIDV, Hoàng Anh Gia Lai thì nay đã có một cộng đồng kinh doanh Việt Nam ở Myanmar.

{keywords}

Trên thị trường, những thương hiệu Việt như: Hanvico, Kagaroo, Hữu Nghị cho đến BIDV, HAGL... đã được biết đến. Rất nhiều DN đã chọn được đối tác Myanmar để mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Điều khiến cho các DN tự tin là hàng Việt, DN Việt; người Việt và tiếng Việt đã được biết đến rộng rãi và giành được thiện cảm trên thị trường Myamar.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) có mặt ở Myanmar từ 2008 và chính thức thành lập văn phòng đại diện từ đầu 2013 để làm đầu mối xúc tiến kinh doanh và đầu tư cho các thành viên của mình và DN ở TP. Hồ Chí Minh

Sau những đơn hàng đầu tiên có số lượng lớn trong năm 2013, đại diện Satra cho biết, sẽ lấy năm 2014 để thúc đẩy các hoạt động quảng bá và bán hàng vào thị trường này.

Theo đại diện Satra, Myanmar là thị trường tiềm năng, có nhu cầu phù hợp với cơ cấu và năng lực sản xuất của Việt Nam. Tại đây, hàng Việt bước đầu giành được thiện cảm của người dân. Tuy nhiên, không phải cái gì họ thiếu mình cũng có thể bán và cái gì mình bán họ cũng mua. Đặc biệt, nhiều đối thủ lớn của Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đã có mặt từ lâu và có tiềm lực hơn hẳn.

Đại diện Satra cho rằng, ngoài nỗ lực, từng DN cần có một chính sách chung để hỗ trợ phát triển kinh doanh và đầu tư trên thị trường Myanmar. Myanmar đang phát triển nhanh và đón nhận một luồng đầu tư lớn nên sẽ có một sự bùng nổ về nhu cầu trong thời gian tới. Vấn đề của DN Việt Nam là nhanh chóng, quyết liệt để bước chân vào thị trường nhưng quan trọng hơn là phải đầu tư công sức đeo bám, đi sâu vào thị trường để phát triển lâu dài.

"Cơ hội nhiều nhưng cạnh tranh cũng đang tăng lên, thị trường mở cửa nhưng cũng còn rất nhiều biến động và bất ổn về chính sách nên DN muốn thành công phải quyết liệt và kiên trì. Vào đất Mi coi dễ mà không hề dễ", đại diện Satra nhấn mạnh.

Đại diện Satra chia sẻ: đối tác và người tiêu dùng Myanmar rất kỹ tính và ăn chắc. Họ thích sự thử nghiệm trực tiếp ban đầu với quy mô nhỏ kiểu "mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mồm nếm" rồi mới tính chuyện làm ăn lớn. Vì thế, ngay từ đầu, mình phải sâu sát, quyết liệt và càng về lâu dài thì càng phải kiên trì và uy tín mới có thể thành công.

Nhiều DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồ điện cho biết, DN nhân Myanmar sẵn sành hợp tác với các DN Việt Nam nhưng để thuyết phục được họ là điều không đơn giản. Điều khó nhất là làm sao có được những hợp đồng đầu tiên một cách uy tín thì chỉ bằng chính chất lượng và uy tín qua thực tế sẽ dễ dàng thuyết phục để hợp tác lâu dài.

Vì thế, không sai khi nói rằng: trên thị trường đang rạo rực mở cửa, cơ hội dành cho mọi người nhưng chỉ những người có sự chuẩn bị tốt để khởi động nhanh và kiên trì chạy đường dài mới có thể thành công.

Ngọc Sơn