Đang vào vụ tết nhưng nhiều DN sản xuất kinh doanh rượu đang gặp khó khăn do không đủ tem thuế để dán vào các sản phẩm. Việc này khiến cho bán hàng của DN bị đình trệ.

Đây là thực trạng được nhiều DN sản xuất rượu phản ánh tại Tọa đàm An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu mới được Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) tổ chức.

Đại diện Công ty Cồn rượu Hà Nội cho biết, vì thiếu tem thuế nên các DN đang tồn kho hàng chục ngàn chai rượu, trị giá lên đến cả chục tỷ đồng. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho DN, nhất là khi tết là vụ làm ăn lớn nhất của DN trong năm.

Thậm chí, theo đại diện của DN, mấy ngày trước khi sốt ruột về việc thiếu tem để dán cho sản phẩm ông đã hỏi cơ quan quản lý của Bộ Tài chính thì được biết máy in đặc chủng của đơn vị in tem đang bị hỏng. Điều này khiến vị lãnh đạo này rất lo lắng, bởi trước đây tem thuế cho rượu đã bị thiếu nay máy hỏng có thể khiến cho việc bán hàng dịp tết thêm trầm trọng.

“Nếu không bán được hàng trong vụ làm ăn lớn nhất năm thì DN sẽ thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, điều này sẽ khiến những loại rượu tốt, đạt tiêu chuẩn không thể bán ra thị trường, trong khi đó rượu không nguồn gốc, không được kiểm soát lại tràn ra thị trường”, lãnh đạo DN này bức xúc.

{keywords}

Liên quan đến việc dán tem thuế cho các sản phẩm rượu, các DN đều đồng tình cho biết, đây là việc cần thiết để quản lý thị trường rượu tốt hơn. Tuy nhiên, để có thời gian chuẩn bị, các DN đề nghị có thể lùi thời gian áp dụng đến 4/2014 để DN có thời gian chuẩn bị nhất là việc đầu tư, thay đổi công nghệ.

Đáp lại yêu cầu này, năm 2014, Bộ Công Thương cho biết sẽ điều chỉnh một số quy định về Thông tư 39 của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; Điều chỉnh thời gian thực hiện việc dán tem rượu

Theo ông Nguyễn Văn Việt , Chủ tịch VBA cho biết, sản lượng rượu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu chính thống hiện nay đạt trên 100 triệu lít. Trong khi đó, lượng rượu không quản lý được, rượu không rõ nguồn gốc mỗi năm cao gấp 2-3 lần lượng rượu chính thống, chiếm tới gần 300 triệu lít.

Phần lớn các vụ ngộ độc rượu là do người tiêu dùng uống phải rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Điều này đã dẫn tới những vụ ngộ độc rượu, thậm chí gây chết người đáng tiếc trong thời gian qua.

Đỉnh điểm là vụ chết người do uống rượu Nếp 29 Hà Nội của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (trụ sở ở Long Biên - Hà Nội) mới đây.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, công ty này đã pha chế lượng methanol vượt quá mức, gấp 1.900-2000 lần có thể làm chết người ngay lập tức. Với lượng methanol cao như vậy, đến bò còn chết huống gì là người. Lô hàng này do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013, khoảng 10.000 lít.

Theo đại diện các cơ quan quản lý, hiện nay, không chỉ có Luật An toàn thực phẩm, mà chúng ta còn có cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đối với sản xuất và kinh doanh rượu. Riêng Bộ Công Thương có 6 vụ, cục có trách nhiệm liên quan đến quản lý, kinh doanh rượu

Luật và tổ chức quản lý đầy đủ nhưng các DN rượu vẫn tỏ ra thất vọng khi thực tế của thị trường rượu hiện nay là đề ra mà không quản lý được. Nhiều cấp kiểm tra, quản lý nhưng rượu độc vẫn tràn ra thị trường và gây chết người.

Chính vì thế, đại diện VBA cho rằng, chúng ta kêu gọi người dân dùng hàng Việt thì phải có hàng tốt để cho người dân dùng. Rượu nội hiện nay đang rất thất thế. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả cơ quản nhà nước về quản lý và tuyên truyền, DN trong việc sản xuất sản phẩm tốt và người tiêu dùng thông thái trong việc chọn hàng tốt, “tẩy chay” các sản phẩm kém.

Ngọc Sơn