Một gia đình có truyền thống ngành công an đã phút chốc tan hoang vì hai người con đang giữ những trọng trách cao sa chân vào chốn lao tù.
Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) nhận án tử hình trong vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Em trai ông Dũng là Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát Quản lí Hành chính về trật tự xã hội) chịu phán quyết 18 năm tù của tòa án vì đã cùng đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Tại tòa, cả ông Dũng và ông Trọng đều bình thản đón nhận bản án, không hề run sợ hay mang tâm trạng tuyệt vọng. Thế nhưng, đằng sau sự bình thản ấy, những người thân trong gia đình họ Dương đã và đang đau đớn tột cùng.
Ông Dương Chí Dũng (bìa phải) và em trai là Dương Tự Trọng |
Cho đến thời điểm này, ông Dương Khắc Thụ (90 tuổi), nguyên Đại tá Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng trong thập niên 1970 – 1980, bố của Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng hiện vẫn chưa biết hai con trai bị tù giam. Cụ Trần Thị Hương (83 tuổi, trú phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, mẹ của hai anh em Dương Chí Dũng không biết con trai thứ hai vừa nhận án 18 năm tù giam. Bà cụ chỉ nghĩ Tự Trọng chỉ phải đi tù vài năm thì về. Hiện, gia đình cách ly hai cụ với các phương tiện truyền thông.
Trên trang cá nhân của một facebooker có tiếng đã dẫn lại những lời tâm sự được cho là của của con trai cựu đại tá Dương Tự Trọng, trong đó có đoạn: “Gia đình em giờ phải giấu ông bà. Bà em chỉ biết bố và bác bị điều tra chứ không biết nhiều hơn. Nhớ ngày trước (hồi em học đại học), khi em hỏi ông em: “Ngày bé ông sống ông có ước mơ gì?”, ông em nói rằng ông em chỉ có một ước mơ là làm sao cho dân hết khổ ”.
Mới đây nhất, truyền thông trong nước cũng đưa tin, bố Dương Chí Dũng tuy tuổi cao, trí nhớ đã lẫn nhưng thi thoảng ông vẫn hỏi: “Lâu không thấy thằng Dũng, thằng Trọng về”. Người nhà lại phải nói dối rằng: “Hôm nọ các anh ấy vừa về, ông không nhớ à!”.
Người mẹ già của Dương Chí Dũng đã gửi “Đơn xin cứu xét” đến cơ quan chức năng và cơ quan báo chí mong cơ quan pháp luật xác định thêm các tình tiết để làm rõ hành vi tham ô của con trai. Trong đơn cụ viết: "Chúng tôi hiện giấu bố các cháu về những sự việc đau đớn và khắc nghiệt này. Tôi sợ rằng, với bản chất của một lão thành cách mạng, kiên trung và nghiêm khắc… ông cụ sẽ không chịu nổi khi đã 90 tuổi…. Tôi không dám bao che, chưa dám xin giảm án, mà chỉ xin các cơ quan hành pháp bình tĩnh trước khi phán quyết sự sống của một con người".
Chia sẻ về người mẹ già của gia đình, bà Dương Thị Băng Tâm (SN 1966, là em gái thứ tư của ông Dương Chí Dũng và ông Dương Tự Trọng, hiện công tác tại một phòng nghiệp vụ của Công an TP. Hải Phòng) nói: “Do bà hỏi nhiều quá, con cháu không biết phải làm thế nào, đành nói qua loa: Các cơ quan chức năng đã nhận được đơn của bà và đang lùi thời gian điều tra lại vụ anh Dũng. Ra tết xử tiếp”.
Bà Phương, vợ Dương Chí Dũng |
Báo chí không nhắc nhiều đến người vợ của Dương Tự Trọng, duy chỉ có giọt nước mắt nghẹn ngào của người phụ nữ này khi kết thúc phiên tòa, các chiến sĩ cảnh sát áp tải dẫn ông Trọng ra xe thùng để trở về lại trại giam. Thế nhưng, ngay khi vợ khóc, cựu Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đã nghiêm giọng: “Không được khóc. Cứ bình tĩnh!”. Người phụ nữ này vội đưa tay lên che miệng, ngăn tiếng khóc nấc nghẹn sắp bật ra.
Khi đó, hình ảnh bà Phạm Thị Mai Phương (vợ ông Dương Chí Dũng) ôm lấy vợ ông Trọng kèm những lời động viên khiến dư luận không khỏi cảm thương.
Còn nhớ, trong phiên xử Dương Chí Dũng, bà Phương cho rằng ông Dũng không nhận tiền tham ô, xin tòa minh oan cho chồng và thừa nhận số tiền mua căn hộ cho “bồ nhí" của ông Dũng là tiền của bà.
Bà Dương Thị Băng Tâm cũng đau đáu với mức án cho hai anh trai. Trước bản án dành cho hai anh của mình, bà Dương Thị Băng Tâm đau đớn: "Giá như chịu tội được cho các anh, tôi cũng làm ngay. Thà rằng mình chịu còn cảm thấy đỡ đau hơn chứng kiến cảnh người thân của mình phải chịu".
Trong thời điểm Dương Chí Dũng bỏ trốn, bà Tâm đã làm bài thơ “Anh hãy về đi” khuyên anh ra đầu thú. Mới đây nhất, khi Dương Tự Trọng vừa nhận mức án 18 năm tù, cũng là khi năm mới cận kề, bà Tâm đã làm một bài thơ gửi đến anh với tựa đề: “Anh ơi”
“Em đã thấy anh qua hàng song chắn.
Miệng mỉm cười, đôi mắt lại trầm sâu.
Em đã thấy anh qua ngàn con sóng.
Hiên ngang, tận tụy hàng đầu.
Anh lại trở về với tuổi hai mươi.
Tâm hồn lắng trong khi tuổi đời già nửa.
Chẳng gì còn buồn nữa.
Trong lửa đời, ta vẫn ở cùng nhau.
Biết thế nào là ngọt hay là đau.
Cái cảm giác vô thường không bền ấy.
Hạnh phúc đến và đi như dòng chảy.
Ai nắm tay ai sáng tối bây giờ...!?”.