- Chán ngán thịt, giò, bánh chưng, nhiều người tìm các loại thực phẩm, thức ăn ít mỡ để đổi món, giải ngấy sau Tết như rau củ, hải sản, bún cá, bún đậu... Vì vậy, các mặt hàng này hiện cháy hàng hoặc trở nên đắt đỏ hơn ngày thường.
Phở, bún lên ngôi
Dạo quanh một số con phố tại Hà Nội vào đầu giờ sáng, các quán bún cá, bún đậu, phở bò nườm nượp khách ra vào, bàn ghế ngồi kín chỗ. Nhân viên phục vụ phải vất vả lắm mới bố trí được chỗ ngồi cho khách, khi cao điểm, một vài nhà hàng còn kê thêm các bàn phụ, bàn nhỏ ra vỉa hè để phục vụ khách.
Chị Hằng, chủ quán bún riêu cua - bò có tiếng trên đường Tô Hiệu, vừa thu tiền ăn của khách vừa cho hay mấy ngày đầu năm khách đi ăn bún khá đông, cửa hàng chị gần như phục vụ cả ngày thay vì chỉ buổi sáng và chiều tối như thường lệ. Khách đông, chị phải huy động thêm người phục vụ. Đôi khi không còn chỗ, khách phải xếp hàng chờ đến lượt.
Bún ốc, bún riêu đông khách ngày đầu năm |
Đưa cả gia đình đi ăn bún cá trên phố Trần Thái Tông, anh Hạnh (quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hồ hởi: “Đầu năm ai cũng rượu, thịt, bánh chưng, ngấy lên tận cổ rồi, nhìn đã hãi. Tôi đưa vợ con đi ăn bún cá, không mỡ màng gì nên khá ngon”. Anh Hạnh cũng nói thêm, gia đình anh lựa chọn ăn bún cá cả tuần sau Tết, vì ai cũng khen ngon, thơm, khác hẳn mọi ngày.
Tuy nhiên, nắm được tâm lý khách hàng cũng như đưa ra lý do ngày Tết nên hầu hết các cửa hàng ăn đều tăng giá, bất chấp thực khách “nhăn mặt”. Cụ thể, bún riêu cua - bò ngày thường khoảng 20.000-30.000 đồng/bát, nay tăng lên 40.000-50.000 đồng/bát; bún cá từ 25.000 lên 40.000-50.000 đồng/bát. Cá biệt, những địa điểm đắt đỏ như hồ Tây, khu phố cổ, giá các loại bún này còn lên tới 80.000-100.000 đồng/bát.
Tranh nhau mua... đậu phụ
Tại một ngõ nhỏ trên phố Đỗ Đức Dục, 8h tối ngày 5/2, nhiều người đứng chờ, tranh mua những bìa đậu phụ nóng hổi vừa mới ra lò. Người bán hàng trán lấm tấm mồ hôi, tay thoăn thoắt cắt đậu bán cho khách hàng, miệng hào hô không ngớt: “Mọi người đợi một chút, đậu đang được ép, sắp có mẻ mới rồi”. Nghe thấy vậy, những người mua giãn ra, kiên nhẫn chờ thêm từng phút.
Sau Tết, rau xanh, đậu phụ hút người mua |
Chị Lan (quê Hà Nam) chờ đến lượt mua đậu phụ đã chừng nửa giờ đồng hồ, cho biết, chỉ có đậu luộc chấm mắm ớt bây giờ là dễ ăn nhất, lại thanh tịnh. Cả tuần Tết giò chả, bánh trái, ít rau khiến chị và gia đình uể oải, chán ngấy, hễ nhìn thấy thị là sợ. Từ quê lên, vợ chồng chị không mang theo thức ăn gì cả, định bụng cả tuần ăn rau, ăn đậu cho mát ruột. Chị thủ thỉ: “Ngày thường, công nhân ít tiền như chúng tôi mới phải ăn đậu, ăn rau cho xong bữa, ngày Tết lại thấy nó là món ngon. Ngày thường có bao giờ phải tranh nhau mua bìa đậu đâu”.
Khảo sát tại một số chợ Hoàng Mai, Xuân Đỉnh, Cầu Giấy, giá đậu phụ cũng tăng hơn so với ngày thường, cá biệt có chợ tăng giá gấp đôi, gấp ba. Giá trung bình từ 2.000 đồng/bìa tăng lên 3.000-4.000 đồng/bìa nhưng không ngớt người mua, thậm chí nhiều địa điểm còn “cháy” hàng, không đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Cùng với đậu phụ tăng giá, các loại hải sản, cá tôm cũng đua nhau làm giá trước nhu cầu cấp thiết của thị trường khi đã chán ngấy thịt. Tại một số chợ khu vực như Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở... , cá trắm đen 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 đồng/kg; cá trôi 100.000 đồng/kg, tăng 60.000 đồng/kg; cá chép 180.000 đồng/kg, tăng 80.000 đồng/kg.
Chị Hoài, chủ sạp cá tại chợ Hoàng Mai, cho biết, đầu năm nhu cầu của người dân làm lẩu, ăn thức ăn ít mỡ tăng cao nên việc cung cấp cá cho thị trường khá thuận lợi. Ngoài ra, nhiều tiểu thương chưa mở hàng trở lại cũng là nguyên nhân đẩy giá cá lên cao do nguồn cung ít, cầu nhiều. Hiện tượng này sẽ diễn ra từ nay đến khoảng mùng 10 tháng Giêng rồi hạ nhiệt.
Trà My