Thời mở cửa, nhu cầu cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà đều tăng cao. Tết này, những “đại gia nhàn rỗi” đang “săn lùng” sản vật ở khắp nơi để tạo cho mình một cái tết thật “độc”…

Người ta thường nói: Có cầu mới có cung và ngược lại. Chính vì vậy, những năm gần đây, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã không ngừng mày mò, sáng tạo để cho ra đời những loại nông sản “độc nhất vô nhị” như: Bưởi hồ lô, dưa hấu hồ lô, dưa hấu xe hơi… 

ĐBSCL vốn được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu nên có nhiều loại sản vật nổi tiếng thơm ngon. Trải qua hàng trăm năm lao động sản xuất, người dân nơi đây không ngừng sáng tạo để nâng tầm những sản vật về mặt giá trị lẫn thẩm mỹ.

{keywords}

Khóm phụng Tiền Giang. 

Đặc biệt hơn, ngoài những loại nông sản “độc” dùng để chưng trong ngày tết, không ít các ''đại gia'' đã lặn lội xuống miền Tây để săn lùng đặc sản “mồi nhắm”. Ngày tết mỗi khi nhắc đến thịt, cá hầu như người nào cũng “ngán ngược ngán xuôi”, để thay đổi “không khí” ẩm thực tết, nhiều người chọn mồi nhắm độc đáo vừa ngon, không ngán và rất dân dã.

Đi ngược lên phía tây nam đến tỉnh An Giang những ngày giáp tết người đi đường sẽ no mắt với những làng nghề làm khô tết. Trong đó làng nghề khô tết Khánh An, huyện An Phú và làng khô huyện Chợ Mới được xếp vào những làng nghề làm khô nổi tiếng ở ĐBSCL. 

Những làng nghề này hình thành từ vài chục năm trước đây, nay đã trở thành làng nghề nổi tiếng với nhiều loại khô từ cá lóc đồng, cá lóc bông, cá tra đến cá sặc bổi.

{keywords}

Làng nghề khô tết Khánh An (An Giang) vào mùa. 

Trong đó đặc sản của làng khô tết Khánh An là khô cá sặc bổi (cá sặc rằng) và đặc sản làng khô Chợ Mới là khô cá lóc. Tiết trời tháng chạp nắng gắt, bà con đem khô phơi thành từng dãy trước sân nhà và ven các con lộ. Đi dọc đường thưởng thức mùi thơm của nhiều loại khô làm thực khách chỉ muốn dừng chân ngay!

Xuôi về Trà Vinh sẽ có đặc sản tôm khô Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, đây là đặc sản đã thành thương hiệu của vùng đất ven biển. Tôm khô Vinh Kim được chế biến từ loại tôm bạc đất sông nên chất lượng vượt trội hơn tôm khô một số vùng khác. Tôm có màu đỏ hồng, thịt chắc, vị ngọt tự nhiên. Đây cũng được xem là đặc sản trời ban cho vùng đất mỗi năm có mùa nước mặn, ngọt, từ đó loài tôm bạc đất sinh sống và phát triển rất nhiều.

Món mồi nhắm tôm khô này sản xuất cũng khá công phu, theo các cơ sở sản xuất, để có 1kg tôm khô cần có 10kg tôm tươi nguyên liệu. Hiện na,y giá thành mỗi ký tôm khô khá cao, từ 800 ngàn - 1 triệu đồng.

Trà Vinh còn có đặc sản nước mắm rươi (nước mắm làm bằng con rươi), đây là loại nước mắm đặc trưng của vùng duyên hải. Mùa tết cũng là mùa mắm rươi tươi ngon nhất. Nếu ai muốn thưởng thức món nước mắm này thì đừng nên xem nguyên liệu, vì con rươi còn tươi nhìn rất “ớn”, bên ngoài trông như con rết, thân dài với hàng trăm chi li ti hai bên cơ thể.

{keywords}

Con rươi - nguyên liệu làm nước mắm rươi ở Trà Vinh. 

Loài rươi sống dưới mặt đất thuộc vùng nước mặn, ngập mặn, men theo sông rạch, bãi bồi ven biển. Khi còn sống con rươi có màu đỏ như máu tươi hoặc màu hồng và trong suốt. Tuy nhìn bề ngoài hơi “ớn”, nhưng qua bàn tay chế biến của người dân trong nghề thì nước mắm rươi thành phẩm có màu vàng óng, sánh như mật ong. Chỉ cần cho vài lát ớt là có thể chấm món nào cũng ngon, đặc biệt là các món luộc.

Điều rất thú vị là món ngon này còn có tương truyền ngày xưa từng được tiến vua. Nhiều bậc cao niên kể lại, ngày xưa khi Nguyễn Ánh bôn tẩu tới xứ này, được một phú hộ nuôi nấng, che chở và cho ăn nước mắm rươi. Sau khi lên ngôi vua, hằng năm ông cho người đi ghe bầu vào Nam mua nước mắm rươi về ăn, theo nghi tiết cung đình gọi là vua ngự thiện. Bởi thế, nước mắm rươi còn có cái tên khá cao sang là “nước mắm ngự”.   

(Theo Lao Động)