Sau biên giới phía Bắc, dịch cúm A/H7N9 có nhiều dấu hiệu lây lan qua biên giới phía Tây Nam. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện nhiều tỉnh thành, sau cao hơn số lượng trước. Chứng tỏ dịch cúm gia cầm chưa lên đến đỉnh điểm và tiếp tục lan rộng.

Diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới

Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến ngày 18/2, cả nước có 24 ổ dịch tại 11 tỉnh gồm: Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Long An, Tây Ninh, Đăk Lăk, Cà Mau, Khánh Hòa, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tổng số gia cầm mắc bệnh chết là 23.819 con/tổng số đàn gia cầm trên cả nước là khoảng 330 triệu con. Số gia cầm tiêu hủy là 30.777 con, trong đó gà chiếm 25%, vịt chiếm 75%. Ngoài ra, một số địa phương khác xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dạng nhỏ lẻ nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Kết quả giám sát lưu hành virus cúm A/H5N1 cho thấy, tại 147 chợ tại 44 tỉnh thành, tỷ lệ vịt dương tính với virus H5N1 là 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 là trên 61%. 

{keywords}
Dịch lan rộng cả trong nước và các tuyến biên giới.

Trong khi đó, theo lãnh đạo của các tỉnh biên giới, diễn biến của dịch cúm gia cầm vẫn còn rất phức tạp. Ông Lý Vinh Quang – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, trong 2013 và 2 tháng đầu năm, công tác này triển khai quyết liệt. Nghiêm cấm vận chuyển buôn bán cho các lối mòn, không cho cán bộ nhận quà dưới mọi hình thức. Sản phẩm gia cầm qua đường chính ngạch cũng được tăng cường kiểm soát.

Hoạt động buôn lậu chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma. Các lực lượng chủ yếu tập trung ở khu vực này bằng việc xây tường ở khu vực đường mòn, thiết lập 24 điểm có lực lượng biên phòng chốt trực thường xuyên, lập hàng rào dây thép gai… Từ 1/1 – 17/2, đã phát hiện 28 vụ vận chuyển qua các đường mòn, thu giữ hơn 9.700 con gà giống, hơn 2 tấn chim bồ câu, 255 kg gà sống.

Tương tự, đại diện tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận mặc dù không phát hiện ổ dịch mới nhưng tình hình diễn biến dịch cúm vẫn rất phức tạp, xảy ra ở 2 huyện biên giới.

Vị đại diện này cho hay, trong vòng 14, 15 ngày sau lại tiếp tục chết 700 con, đến nay, tổng cộng xảy ra 2.900 ở 3 xã, 4 hộ. Diễn biến vẫn phức tạp, tỉnh đã công bố dịch. Xác định đây là việc quan trọng vì có 5 huyện giáp ranh Campuchia với 10 cửa khẩu chính, 4 cửa khẩu phụ. Hiện tỉnh đang chỉ đạo bộ đội biên phòng, công an phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn gia cầm nhập lậu để tránh nguy cơ dịch cúm bùng phát.

Dịch cúm chưa lên đến đỉnh điểm

Đánh giá tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng dịch cúm đang ở tình trạng nguy hiểm. Hiện dịch cúm A/H7N9 có nhiều dấu hiệu lây lan qua biên giới phía Tây Nam trong khi dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở số lượng lớn tỉnh thành, số lượng sau cao hơn số lượng trước chứng tỏ dịch cúm gia cầm chưa lên đến đỉnh điểm và tiếp tục lan rộng.

Theo ông Cao Đức Phát, dịch không chỉ lây trong nước mà còn có dấu hiệu lây lan qua biên giới Tây Nam. Kinh nghiệm cho thấy, càng nhiều gia cầm cúm, càng nhiều người tử vong. Tình hình diễn biến dịch trong nước phức tạp nên nếu không làm quyết liệt, để xuất hiện thêm virus khác thì rất phức tạp. Năm 2013, kinh nghiệm chống buôn lậu ở phía bắc cho thấy nếu quyết tâm thì có thể làm được.

{keywords}
Dịch chưa lên đỉnh, cần rất sức cảnh giác.

“Các biện pháp nêu nhiều nhưng phương châm hiệu quả vẫn là: phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính. Phương châm là công bố đúng tình hình để nhân dân có phản ứng phù hợp. Nhân dân chỉ hoang mang khi không biết tình hình dịch như thế nào. Có chính sách phù hợp để nhân dân không bán chạy, không giấu dịch’, ông Phát nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng xác định đây là dịch cúm nguy hiểm và có nguy cơ lây sang người nên Thủ tướng Chính Phủ đã ra công điện 200 để chỉ đạo các bộ ngành và địa phương. Đề nghị trong 6 nhiệm vụ thủ tướng giao cho các bộ và địa phương để triển khai.

“Dịch bây giờ mới đang lên, chưa phải đến đỉnh và đi xuống nên phải dành nhiều thời gian vì nếu đã lan ra thì không có cách nào khoanh lại”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các Bộ, địa phương phải lên kế hoạch chi tiết. Nghiêm cấm sản phẩm gia cầm qua biên giới. Đề nghị Bộ Công an, Biên Phòng phối hợp bố trí chốt chặn. Bộ Công thương, địa phương rà soát các chợ và giết mổ gia cầm. Nếu xuất hiện thì phải khoanh lại, không cho lan rộng, đặc biệt là không để lây lan sang người kể cả khi xuất hiện dịch. Tuyên truyền để người dân không được phép vứt gia cầm xuống sông.

Thêm 3 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến ngày hết ngày 18/2, cả nước đã có thêm 3 tỉnh công bố có dịch cúm gia cầm là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 4 xã thuộc 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và Nghi Lộc làm 699 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 1.978 con.

Tại Quảng Bình, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 1 xã thuộc huyện Bố Trạch làm 2.270 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 2.270 con. Còn Hà Tĩnh, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên làm 657 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 657 con.

Trong khi đó, tại Lào Cai, dịch cúm gia cầm đã phát sinh thêm tại xã Sơn Hải và Xuân Giao thuộc huyện Bảo Thắng làm 122 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 247 con gia cầm.

Khánh Hòa: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 13 xã thuộc 3 huyện Ninh Hòa, Cam Lâm và Diên Khánh làm 24.623 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 24.623 con gia cầm.

Như vậy, tính đến hết ngày 18/2 cả nước có 49 ổ dịch tại 14 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh; tổng số gia cầm mắc bệnh là 51.880 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 66.388 con.

Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.

Bảo Hân