Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, thị trường xe máy 2014 chưa thể khởi sắc, mức tiêu thụ chỉ khoảng 2,8 triệu xe các loại, ngang bằng với năm 2013, tuy nhiên thị trường xe máy chưa thể bão hòa.

Trên thực tế, tiêu thụ xe máy cũng đang giảm dần, từ đỉnh điểm cao nhất vào năm 2011 với tổng sản lượng 3,3 triệu xe các loại, sau đó giảm xuống còn 3,11 triệu xe vào năm 2012 và 2,8 triệu xe vào năm 2013, dự kiến 2014 cũng chỉ đạt bằng năm 2013.

Điều này càng khiến cho nhiều ý kiến nhận định thị trường xe máy Việt Nam bắt đầu bão hòa và đi xuống. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện cả nước có 37 triệu xe máy đăng ký lưu hành tính đến hết năm 2013. Tính toán của Bộ Công Thương cho biết, giống như Thái Lan, khi đạt ngưỡng 2,9 người/xe thì thị trường xe máy sẽ bão hòa. Với dân số hiện nay trên 90 triệu người và lượng xe máy là 37 triệu chiếc thì thị trường xe máy Việt Nam đã vượt xa ngưỡng ấy.

{keywords}
Nông thôn và xuất khẩu là hai thị trường chính của xe máy Việt Nam.

Nhưng các nhà sản xuất lại không nghĩ như vậy. Phát biểu tại buổi ra mắt Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, ông Wang Chinh Tung, Tổng giám đốc công ty SYM Việt Nam cho biết, lý do thị trường xe máy Việt Nam đi xuống là do kinh tế khó khăn, thu nhập của dân cư giảm mạnh vì vậy tất cả đều phải thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, xe máy không phải là mặt hàng thiết yếu, điều này cũng hoàn toàn đúng với nhiều mặt hàng không thiết yếu khác như điện tử, điện lạnh... có nhu cầu giảm mạnh. Khi kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm 2015 - 2016 thì chắc chắn nhu cầu về xe máy sẽ tăng lên.

Vào đầu năm 2012, trả lời VietNamNet, các lãnh đạo của Honda châu Á (Asia Honda Motor) đã cho biết, thị trường xe máy Việt Nam vẫn tăng trưởng và có thể đạt 4- 4,5 triệu xe vào khoảng năm 2018 – 2020. Có lẽ đây là lý do khiến các nhà sản xuất đã đẩy mạnh đầu tư, tăng vốn, tăng công suất thời gian qua.

Theo định hướng của Chính phủ Việt Nam, thời gian tới, xe máy sẽ bị hạn chế ở mức 36 triệu chiếc và sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải khách công cộng. Tuy thị trường chính sẽ chuyển về nông thôn, nhưng các DN cho biết tại khu vực này nhu cầu về xe máy vẫn rất cao và tiềm năng lớn. Nhiều gia đình tại nông thôn Việt Nam hiện chỉ có 1 xe máy, thậm chí là chưa có xe, cùng với đó nhiều gia đình đang sử dụng xe cũ nát nên có nhu cầu thay thế cao.

Vì vậy không thể nói rằng nhu cầu xe máy giảm.Việt Nam vẫn sẽ là thị trường xe máy đứng thứ 4 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia trong thời gian dài nữa.

Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Masayuki Igarashi cho rằng, công nghiệp xe máy Việt Nam đang đứng trước "con đường rộng thênh thang" và có cơ hội trở thành một cường quốc trên thế giới. Với sản lượng khoảng 3 triệu chiếc/năm, công nghiệp xe máy Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa không phải là duy nhất mà lớn hơn, mục tiêu xuất khẩu mới là tương lai của một trong những nền công nghiệp xe máy hàng đầu thế giới như Việt Nam hiện nay, ông Masayuki Igarashi nói.

Thực ra, các hãng xe lớn đều đã tính và đã tiến hành xuất khẩu từ khoảng 10 năm trở lại đây. Năm ngoái, Honda xuất khẩu khoảng 40.000 xe, Piaggio xuất khẩu khoảng 30.000 xe/năm và con số của SYM khoảng 3.000 – 4.000 xe/tháng.

Trước đây, Tổ công tác Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam ( hợp tác với Nhật Bản ) đã đưa ra một bản danh sách dự kiến 12 ngành công nghiệp mũi nhọn để xem xét ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó công nghiệp xe máy. Tuy nhiên sau đó công nghiệp xe máy đã bị loại bỏ. Các chuyên gia Nhật Bản muốn lựa chọn công nghiệp xe máy Việt Nam trở thành ngành ưu tiên bởi nó có nền tảng và đang phát triển tốt, với tỷ lệ nội địa hóa cao, có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng phía Việt Nam, nhiều chuyên gia không tán thành, cho rằng tương lai của ngành công nghiệp xe máy không sáng sủa. Thế giới sẽ giảm dần nhu cầu về xe máy.

Để hợp sức phát tiển xe máy, 19/2/ 2014, 5 thương hiệu xe máy lớn nhất tại Việt Nam là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM đã chính thức thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) với mục đích làm cầu nối giữa các DN sản xuất xe máy với các cơ quan chức năng, để đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, góp phần phát triển ngành công nghiệp xe máy Việt Nam bền vững, tiên tiến.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, năm 2013, 5 DN xe máy FDI đã sản xuất và tieu thụ 2.789.800 xe các loại, trong đó, Honda đạt 1.870.000 xe, Yamaha 731.000 xe, SYM 82.000 xe, Piaggio 56.300 xe và Suzuki 50.500 xe, chiếm 96% thị phần cả nước và đóng góp 3,5% cho GDP.

Trần Thủy