- Ăn thịt chó, mọi người đều ăn trên sự thích thú, thèm thuồng. Sẽ là rất ngon đối với những người thích ăn nhưng là điều kiêng kị với những người khác. Tại sao người Việt chúng ta lại bận tâm, ảnh hưởng quá nhiều bởi những yếu tố bên ngoài?

LTS: Có nên ăn thịt chó hay không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. VietNamNet trích đăng ý kiến của một độc giả liên quan đến chủ đề này. Mời các bạn cùng tham gia tranh luận.

Gần đây, đề tài ăn thịt chó của người Việt lại được bàn tán sôi nổi sau khi Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) công bố con số 5 triệu con chó bị giết mỗi năm ở Việt Nam. Nếu con số này không được công bố thì dường như, việc ăn thịt chó vẫn là vấn đề hết sức bình thường. Vậy đâu là vấn đề?

Tôi còn nhớ vài năm về trước, người Hà Lan đã tẩy chay và tuyên bố sẽ không bao giờ quay lại Việt Nam vì người Việt ăn thịt chó. Không dừng lại ở đó, họ còn khuyến cáo cho người thân của mình đừng bao giờ đi du lịch Việt Nam và thông tin này cũng được phát trên kênh truyền hình của Hà Lan. Vậy các tín đồ của món thịt chó nghĩ gì về vấn đề này? Nhưng hiện nay, lượng khách Hà Lan đến du lịch Việt Nam rất nhiều. Điều đó chứng tỏ họ không còn tẩy chay người Việt vì ăn thịt chó nữa, và họ đã phần nào hiểu được văn hóa của chúng ta.

{keywords}
Cầy tơ 7 món: Món ăn khoái khẩu của nhiều người

Còn ở Thái Lan, bất cứ người nào ăn thịt chó thì sẽ bị coi là “man di, mọi rợ”. Đó chính là cách để trừng trị những người ăn thịt chó. Họ bị xem thường, ghét bỏ và xa lánh. Ngược lại, tại Hàn Quốc, những ai không ăn thịt chó thì được xem là “bất bình thường” (tất nhiên, số chó bị giết mỗi năm là không ít!). Vậy là 3 nước Hà Lan, Thái Lan và Hàn Quốc cũng có cái nhìn khác nhau về việc ăn thịt chó.

Đơn giản thì thấy vấn đề ở đây là do văn hóa của từng vùng miền, từng quốc gia, mà đã là văn hóa thì khó mà thay đổi được. Nó hình thành từ rất lâu và giá trị của cũng rất lớn nhưng khác nhau theo phạm vi phân bố, lãnh thổ.

Đơn cử ở Ấn Độ, việc giết mổ bò, ăn thịt bò ở Đạo Hinđu được xem như một điều cấm kỵ vì con bò trong đạo Hinđu mang tính chất thiêng liêng, có giá trị tâm linh, được thờ phụng từ nhiều thế kỷ nay. “Với thái độ chống cự lại việc giết mổ bò, đạo Hinđu khiến cho bất kỳ dự án cải thiện việc chăn nuôi bò nào gần như là bất khả thi”. Nói như thế để thấy ở phương Tây, thịt bò là loại thịt gần như phổ biến thì trong mắt của các tín đồ đạo Hinđu thì người phương Tây là gì? Có bị xem thường và khiến họ khiếp sợ vì số lượng con bò được tiêu thụ mỗi năm hay không?

Ở nước ta, trừ những tín đồ Phật giáo và một số người kiên kị thì phần lớn đều ăn thịt chó dù là nam hay nữ, lớn bé hay già trẻ... Thực tế, thịt chó được bày bán ở mọi nơi. Nhiều quán “cầy tơ”, “thịt chó” vẫn ra đời và vẫn rất hút khách, thậm chí bày bán trước những cổng đền chùa lớn vào dịp lễ hội như tại hội chùa Hương, chùa Bái Đính... Rõ ràng, có cầu thì mới có cung. “Cầy tơ Nam Định, thịt chó Nhật Tân” câu nói lưu truyền lâu nay trong dân gian là bằng chứng cho thấy việc ăn thịt chó có sự ảnh hưởng và lan rộng khắp mọi miền đất nước nên đi đâu chúng ta cũng thấy treo những biển hiệu cùng tên như vậy.

Ăn thịt chó, mọi người đều ăn trên sự thích thú, thèm thuồng của mình. Sẽ là rất ngon đối với những người thích ăn nhưng là điều kiêng kị với những người khác. Tại sao người Việt chúng ta lại bận tâm, ảnh hưởng quá nhiều bởi những yếu tố bên ngoài, nhất là phương Tây? Đó chỉ là rào cản khiến người Việt chúng ta trở nên yếu thế hơn mà thôi. Vì thế hãy sống đúng với bản chất của mình. Hãy ăn nếu cảm thấy thích và đừng bận tâm đến những lời bàn tán xung quanh.

Lê Hồng Phú