- Không muốn trở thành người "biến mất" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt một mất một còn, đại gia mới nổi, ông chủ hãng kinh doanh điện máy Trần Anh mới tham gia thị trường đang ôm mộng lớn vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực của mình.

Lê lết về đích 2013

Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và lũy kế cả năm 2013 với một kết quả kinh doanh bi thảm với lợi nhuận sau thuế giảm gần 96% so với năm 2012 và chỉ đạt gần 4,2% kế hoạch của năm.

Thậm chí, quý III/2012, Trần Anh lần đầu tiên thua lỗ kể từ khi niêm yết cổ phiếu với số lỗ lên tới 11 tỷ đồng, gây sốc cho khá nhiều đầu tư. Trong các năm trước đó, TAG luôn lãi lớn, ít cũng 30 tỷ, còn nhiều lên tới suýt soát 60 tỷ đồng.

{keywords}

Ông chủ hãng kinh doanh điện máy Trần Anh đang ôm mộng lớn vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực của mình

Ông Trần Xuân Kiên - Chủ tịch Trần Anh cho biết, 2013 là năm khó khăn nhất, thị trường điện máy không có tăng trưởng nhưng sức cạnh tranh lại rất khốc liệt. Ở phía Bắc số siêu thị điện máy trong năm tăng từ 19 lên 31. Đại giá mới nổi này đang cùng vợ sở hữu khoảng 45% cổ phần Trần Anh, trị giá khoảng 170 tỷ đồng chia sẻ: "Sức cầu không hề tăng trưởng trong khi số lượng siêu thị tăng lên chóng mặt thì hiệu quả kinh doanh giảm là tất yếu. Trong 3 năm tới, thị trường sẽ quyết định hệ thống siêu thị điện máy nào còn tồn tại, cái nào sẽ biến mất.

Mặc dù thừa nhận kết quả kinh doanh 2013 rất tệ, nhưng ông Kiên cho rằng, từ cuối 2012 và đầu 2013 DN đã nhận ra những khó khăn trên thị trường cũng như của nền kinh tế. Đây là lý do để DN buộc phải thay đổi.

Trên thực tế, trong năm vừa qua, thị trường điện máy đã chứng kiến sự khó khăn vô cùng khi mà sức cầu của nền kinh tế tụt giảm. Nhiều DN đã có tiếng tăm nhưng khi mở siêu thị ở Hà Nội vẫn đối mặt với thua lỗ nặng bởi luôn ở trong tình trạng số nhân viên phục vụ nhiều hơn lượng khách mua hàng. Có siêu thị tự đóng cửa. Có DN không trả được nợ bị siết kho hàng, siết mặt bằng kinh doanh...

Riêng với Trần Anh, trong năm vừa qua, cho dù mở thêm hàng loạt siêu thị nhưng doanh thu lũy kế cả năm cũng không tăng là bao, thêm 11,5% so với năm trước lên 1.867 tỷ đồng. Doanh thu tăng ít, trong khi chi phí (bán hàng, quản lý) tăng vọt đã ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận.

Mặc dù vậy, ông chủ Xuân Kiên vẫn khá tự tin trong quyết định chuyển hướng lần này giống như quyết định chuyển đổi từ mô hình cửa hàng nhỏ lẻ sang mô hình trung tâm, siêu thị hồi năm 2007.

Chỉ mong tồn tại

Chiến lược của Trần Anh giờ đây đã khá rõ ràng, trong 3 năm tiếp theo 2014-2016, DN không đặt lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà là sự tồn tại và trở thành số ít các DN trong lĩnh vực trụ lại được trên thị trường giống như đã xảy ra ở các nước phát triển trước đó. "Chiến lược chiếm thị phần là chính, không phải là mục tiêu lợi nhuận như các năm trước đó", ông Kiên chia sẻ khi cho rằng thị trường điện máy hiện đang trong thời kỳ đào thải chứ không phải thoái trào.

{keywords}
Cạnh tranh trên thị trường điện máy ngày càng khốc liệt

Thực tế trên thế giới, số lượng các DN điện máy trên một thị trường rất ít và có thị phần áp đảo, thường top 3 chiếm trên 50% thị phần. Ở nhiều nước phát triển và về lâu dài ở Việt Nam cũng vậy, top 3 có thể chiếm tới 70-80% thị phần, so với tình trạng 10 ông lớn hiện nay chưa ai nắm quá 10%.

Năm 2012, TAG mới chỉ có 4 siêu thị tại Hà Nội nhưng riêng trong năm 2013, DN này mở mới thêm 7 siêu thị, đóng 1 nên có thêm 6, nâng tổng số trong hệ thống lên thành 10. Cuối năm 2013 đã bắt tay với Tập đoàn Nojima của Nhật (nắm gần 11%), với quỹ đầu tư Aureos hồi 2010 để thực hiện tham vọng của mình.

Theo tính toán, trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ nói chung hay điện máy nói riêng, chi phí mặt bằng và nhân viên là 2 loại chi phí lớn nhất. Tiết giảm được 2 loại này sẽ giúp DN hoạt động hiệu quả. Trên thị trường hiện nay nếu siêu thị có diện tích quá lớn (3.000-5.000m2 như hiện nay) sẽ không hiệu quả. Diện tích phù hợp được đánh giá là từ 1.500-2.000m2.

Bên cạnh đó, số lượng nhân viên trong từng siêu thị cũng được cắt giảm, từ mức khoảng 145 người hồi 2011-2012 về mức trên 90 người trong năm 2013 và dự kiến sẽ còn khoảng hơn 80 người trong năm 2014.

Có thể thấy, trong năm vừa qua, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng các DN điện máy đã mở rộng hoạt động một cách dồn dập. Hàng loạt các thương hiệu lớn như Nguyễn Kim, HC (HomeCenter), Media Mart, Pico... đua nhau mở thêm rất nhiêu siêu thị mới tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Lý do có lẽ là các DN đều nhận thấy được xu hướng đào thải tất yếu trong lĩnh vực này. Thị trường BĐS ảm đạm, giá thuê mặt bằng xuống thấp và lãi suất ngân hàng chỉ bằng khoảng 30% so với 2011 đã thúc đẩy các DN chớp cơ hội để bánh trướng, chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, trong cuộc đua chắc chắc chắn có kẻ thắng người bại này rủi ro là khá lớn. Không nhiều DN có đủ lực để vừa chấp nhận thua lỗ vừa tung tiền ra để mở rộng thêm hoạt động. Hợp tác với đối tác nước ngoài để có thêm vốn cho hoạt động là một giải pháp rất tốt trong bối cảnh hiện nay để nuôi tham vọng mở rộng, chờ đợi kinh tế phục hồi trong tương lai.

Nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó. Những DN bị thâu tóm hoặc sắp bị thâu tóm ở Tribeco, Bibica trong vài năm gần đây là những bài học như vậy.

Cuộc đua đến top 3 vào 2016 sẽ còn nhiều bất ngờ. Người có sức mạnh và tự tin chưa hẳn đã là người chiến thắng. Điều quan trọng có lẽ nằm ở cung cách quản trị và cách phục vụ khách hàng, cũng như sự hồi phục của nền kinh tế nói chung.

Mạnh Hà