Không biết từ bao giờ có hẳn một nghề sống dựa vào tình cảm của người sống dành cho người đã khuất - đó là nghề làm vòng hoa. Có rất nhiều thứ được “quay vòng” để sử dụng lại, những chiếc vòng hoa đám tang cũng vậy. Trong cuộc chiến mưu sinh, các tiểu thương trong nghề “nghiên cứu” tìm ra một phương thức kinh doanh độc đáo, đó là mang vòng hoa đã sử dụng từ nơi chôn cất về “trang điểm” lại, quay vòng bán tiếp.

“Quay vòng đời” cho vòng hoa

9h sáng, vào vai người đi đặt vòng hoa phúng viếng, chúng tôi tìm đến một cửa hàng lớn kinh doanh vòng hoa đám tang nằm trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), bà chủ cửa hàng niềm nở chào đón, thao thao giới thiệu: "Với những mặt hàng này, 100% hoa tươi nên giá đắt hơn nhiều so với những vòng hoa giả xen lẫn hoa thật và những chiếc vòng hoa bình dân kia...".

Vừa nói chủ cửa hàng vừa chỉ tay quanh nhà nơi đặt hàng chục vòng hoa các màu đang xếp thành từng lớp. Đảo mắt vào phía trong, đập vào mắt chúng tôi là ngổn ngang những bao tải nilon to đại chứa phụ kiện: Hoa giả, mút, xốp, giấy bóng kính xanh đỏ vàng... Cái thì còn nguyên que cắm, cái đã bong ghim buộc trở nên nhàu nhĩ, cái lấm bùn đất lem nhem…

Lấy cớ cần lựa chọn kĩ trước khi mua, chúng tôi đi vào gian nhà phía trong. Dường như quá quen với việc khách đến thăm quan và đặt mua hàng, những người làm thuê ở cửa hàng vẫn hì hục với công việc của mình và chỉ trả lời một cách dè dặt khi chúng tôi thắc mắc về phụ kiện xấu và bẩn.

{keywords}

Đội quân “luộc vòng hoa” tất bật với công việc từ sáng đến khuya

Chị Lý - một nhân viên cửa hàng thủng thẳng nói: “Đó là hàng vừa gỡ ra chuẩn bị cắm lại. Bẩn thì rửa cho trắng chứ để nguyên trạng thì ai thèm mua”.

Để rõ hơn kĩ nghệ “quay vòng đời” những chiếc vòng hoa, nhờ người quen giới thiệu, chúng tôi tìm đến một cửa hàng chuyên bán buôn bán lẻ đồ tang lễ trên phố Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Nguyễn Văn Quỳnh - nhân viên chuyên làm và chạy hàng đặt ở đây chia sẻ: “Hoa giả chủ yếu làm bằng giấy bóng kính được nhuộm phẩm màu công nghiệp (đỏ, vàng, trắng, tím…), nên để tắm cho hoa giả sạch hết bùn đất, bụi bẩn phải dùng dầu rửa bát, không nên dùng xà phòng, bởi hóa chất tẩy mạnh sẽ làm phai màu phẩm nhuộm”.

Quỳnh cho biết thêm, phụ kiện làm vòng hoa được nhập về từ 2 mối: Nhà tang lễ và khu Văn Điển. Đối với nhà tang lễ, nguồn hàng khá dồi dào mà lại nguyên chiếc, mới đến 90%, bởi với những đám tang có số lượng vòng hoa nhiều, khi đưa người chết đi chôn hay hỏa táng, gia chủ thường chỉ mang theo một lượng vòng hoa tượng trưng cho bớt cồng kềnh, gọi là có, số còn lại sẽ nhờ nhân viên nhà tang lễ trông coi giúp.

Và lượng vòng hoa này sẽ được cửa hàng tìm cách liên hệ mua lại chỉ sau đó vài ngày nếu không thấy gia chủ quay lại nhận. Với loại “hàng nóng” - tên dân trong nghề đặt tên cho những chiếc vòng hoa mua ở nhà tang lễ này, việc “quay vòng đời” đơn giản, chỉ cần một chút nước tưới lên hoa cho tươi trở lại, “made up” nhanh bằng cách thay những bông hoa đã nát bằng những bông hoa mới, thế là được một vòng hoa mới.

{keywords}

Xe ngựa kĩu kịt chở 3-4 chuyến vòng hoa về nơi tập kết chỉ trong 1 buổi chiều.

Đối với phụ kiện nhập từ cơ sở dưới Văn Điển về thì công phu hơn: Tiến hành rửa qua cho hết bùn đất, bụi bẩn rồi phơi cho ráo nước, hoa nào bong mối kết có thể ghim lại... Sau đó tiến hành can thành 5 vòng, trong đó 3 vòng chính được làm bằng hoa giả, còn hai vòng nhỏ là hoa thật. Chậm nhất 15 phút là được một vòng hoa mới.

Từ kinh nghiệm chuyên đánh xe đi lấy phụ kiện cho cửa hàng, Quỳnh phân tích: “Hoa từ nghĩa trang do vận chuyển, dầu dãi mưa nắng ngoài nghĩa địa thường bị lấm bẩn, hoa tươi hầu như đã rữa nát hết, phần hoa giả sẽ được người ta gỡ ra, phân loại, đóng bao, bán lại theo kilogram cho các cửa hàng làm vòng hoa tang lễ.

Theo đó, giá của những bông hoa các màu: Xanh, đỏ, vàng, tím..., tùy đẹp hay xấu và còn que gài hay không sẽ có giá dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Khung vòng hoa, cũng tùy theo mức độ nguyên vẹn hay bị gãy, dập có mức giá từ 50.000 - 60.000 đồng/khung. Nguồn giấy bóng kính nhập ở Hàng Mã (Hà Nội) giá 80.000 đồng/kg. Sau quá trình gột hết lấm bẩn cho hoa, rồi cắt, tỉa, kết hoa... sẽ cho ra đời một vòng hoa mới.

Theo quan sát, phía trong nhà vệ sinh có một chiếc chậu nhựa to chứa đầy nước kèm nước rửa chén bát đang sủi bọt trắng xóa, những bông hoa giả đỏ, vàng lem nhem đất cát đổ đống đang chờ gột rửa. Bên ngoài cửa hàng, cạnh mỗi nhân viên cũng có thêm một chậu nước đặt ngay cạnh để rửa lại lượt nữa những bông hoa giả chưa được gột kĩ bùn đất.

Ghé thăm xưởng "luộc” vòng hoa lớn

Theo chỉ dẫn của Quỳnh, chúng tôi đến nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội), lúc đó đang có một đám tang và chúng tôi theo chân đám tang này. Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết cho người đã khuất, một vài vòng hoa được các nhân viên của nghĩa trang ném xuống hố chứa, số còn lại được nhân viên và người chuyên dọn vòng hoa xếp riêng ra một góc.

Một nhân viên trong nghĩa trang cho biết, số vòng hoa này sẽ được chôn để làm phân xanh. Hàng ngày đều có người vào dọn hố đựng vòng hoa này. Được biết, người được nghĩa trang Văn Điển thuê là gia đình ông C (làng Vĩnh - nằm ngay phía sau nghĩa trang Văn Điển).

Các vòng hoa được xếp la liệt, đánh đống từng chồng cao. Đến khoảng 14h, xuất hiện một chiếc xe ngựa vào chở những vòng hoa này đi. Bám theo xe ngựa, chúng tôi phát hiện thấy số vòng hoa này thực chất không được chôn để làm phân xanh như lời nhân viên nhà tang lễ nói mà chúng được đưa về tập kết tại một khu đất trống nằm ngay sau nghĩa trang Văn Điển. Ở đó, có vài người phụ nữ trung tuổi đang thoăn thoắt rút những chiếc mút hoa (hoa giả) từ các vòng hoa để vào những bao tải riêng biệt theo màu.

{keywords}

Mút hoa giả được phân ra từng loại trước khi cân cho khách.

Trong vai một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh vòng hoa sát nhà tang lễ 354 (Đốc Ngữ, Hà Nội) xuống tìm mối lấy hàng, phóng viên đã thâm nhập xưởng “luộc” vòng hoa đằng sau nghĩa trang này.

Những người phụ nữ làm công đều là họ hàng, người quen nhà ông C. Họ đã làm thuê cho ông C nhiều năm, công việc của họ là rút những chiếc mút hoa, hoa tươi từ vòng hoa ra, sau đó phân loại cho vào bao tải. Căn cứ vào màu, mút hoa được chia làm 3 loại: Đỏ, vàng và trắng. Trong đó, mút màu vàng, đỏ có giá đắt hơn: 45.000 đồng/kg, mút trắng có giá 40.000 đồng/kg.

Chị T (ở Cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội) - người làm cho nhà ông C cho biết: “Đây là nơi cung cấp hàng lớn, khách khắp nơi đổ về đây lấy hàng, từ Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Nhà tang lễ Hà Đông rồi Viện 103, Bệnh viện E…

Ở đây không chỉ buôn mút hoa theo kilogram mà còn có những vòng hoa còn nguyên vẹn gần như đến 90%, nếu lấy về chỉ cần chỉnh sửa lại một chút là có thể bán được. Giá cho những chiếc vòng hoa này là 200.000 đồng/vòng, nếu khách muốn đặt hàng loại này phải gọi điện trước để còn chuẩn bị.

“Hàng ngày, ông C chở 5 - 7 chuyến xe ngựa về, ước tính lên đến vài trăm vòng hoa, ngày ít cũng phải 2- 3 chuyến chở từ đầu giờ chiều đến tối mới nghỉ”, chị T nói. Hàng ở đây luôn dồi dào, muốn bao nhiêu cũng có và có hai hình thức để lựa chọn, một là tự đến lấy hàng, hai là xưởng ông C thuê xe chở đến tận nơi và phải trả tiền thuê xe cho ông. Chị T tươi cười khoe: “Hàng ngày, cứ tầm cuối giờ chiều có rất nhiều khách đến lấy hàng nên chẳng bao giờ lo không có việc”.

Cũng theo chị T thì khách hàng nhà ông C ít lấy loại vòng hoa còn nguyên vẹn vì khách hàng trong nội thành thường khó tính, họ hay cần loại vòng đế to, có nhiều hoa tươi. Hơn nữa, loại này về chỉ ăn lệch giá nên lãi không nhiều bằng việc mua mút hoa cắm lại từ đầu.

Lãi khủng từ “công nghệ luộc” vòng hoa

Theo những chủ cửa hàng chuyên “luộc” vòng hoa ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, nhà tang lễ 354 (phố Đốc Ngữ),…, có ngày ở đây tiêu thụ hết gần trăm vòng hoa. Đây có thể coi là mảnh đất màu mỡ để kiếm ăn của tiểu thương kinh doanh vòng hoa đám tang.

Ghi nhận của phóng viên, cạnh các nhà tang lễ có tới vài chục người chuyên “luộc” vòng hoa. Những cửa hàng lớn nhỏ kinh doanh vòng hoa có hơn chục thợ cắm hoa làm việc suốt ngày đêm. Họ có 2 đội quân: Đội chuyên ngồi quay vòng đời vòng hoa và đội chuyên dàn hàng ngang ra đường để mời chào, chèo kéo khách. Hễ ai có ý định rẽ vào cổng là họ xúm đến, mời chào, giới thiệu giá các loại vòng hoa, thậm chí chạy bám theo vào tận bãi xe để bán hàng.

Người dân xung quanh gọi khu vực này là... chợ hoa. Chủ một quán nước cạnh nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng cho biết: “Mỗi ngày nhà tang lễ tổ chức từ 4-5 đám, đám nào to tiêu thụ đến hàng trăm vòng hoa. Hôm nào nhiều đám, dân "luộc" hoa tíu tít bán hàng, chính vì thế mà tình trạng tranh giành khách, xô xát, mắng chửi nhau liên tục xảy ra”.

"Khi lựa những loại hoa thật dùng để kết, các chủ cửa hàng rất chuộng những loại hoa tươi lâu như hoa cúc, hoa phăng-xê… vừa rẻ lại vừa bền. Trong khi đó, loại hoa hoàng anh có màu vàng rực rỡ, tuy đẹp nhưng cánh mỏng, chóng xuống mã nên chỉ dùng để phủ một vòng duy nhất", Quỳnh kể.

Cũng theo Quỳnh, đối với vòng hoa nhập về gần như nguyên vẹn, nhân viên mất vài phút sửa sang lại rồi chủ shop nghiễm nhiên thu lợi nhanh chóng với mức chênh lệch từ khoảng 100.000 đồng/vòng trở lên. Còn đối với những vòng hoa làm lại từ A-Z thì tổng chi phí đầu tư để kết một vòng hoa y như mới không đến 50.000 đồng trong khi mức giá bán cho khách không dưới 200.000 đồng. Giá mỗi vòng hoa loại bình dân dao động từ 200 - 500 nghìn đồng/vòng, loại cao cấp có giá cao hơn lên đến hàng triệu.

Theo Lao động