- Một bến xe được đúng quy hoạch, một hạ tầng giao thông quan trọng không thể bỏ hoang phí. Tìm cách đưa BXPN Đà Nẵng đi vào hoạt động là cách thiết thực để hỗ trợ DN, đồng thời, góp phần phát triển giao thông, đô thị Đà Nẵng.
Đúng quy hoạch, cạnh tranh công bằng
Để tìm khách cho BXPN bị bỏ hoang, Đà Nẵng đã có một số động thái như: điều tiết các tuyến mở mới về BXPN, tham gia cùng DN kêu gọi các nhà xe chuyển về khai thác BXPN... Tuy nhiên, theo đại diện BXPN, tất cả những điều này đều không thực tế.
Ông Phan Xuân Viên cho biết, DN đã tìm đủ mọi cách vận động, tiếp thị nhưng DN không mặn mà. Thậm chí, mức phí ra vào bến được Đà Nẵng phê duyệt so với Bến xe Trung tâm Đà Nẵng giảm 15% nhưng BXPN chỉ thu 75%; miễn 100% hoa hồng bán vé trong 3 tháng đầu; giảm 50% tiền thuê quầy bán vé trong 1 năm; giảm giá thuê 20% cho các phòng nhà nghỉ tại bến. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn miễn phí đối với các doanh nghiệp có nhu cầu lập phương án tuyến cố định, hỗ trợ mở tuyến... nhưng xe vẫn không vào.
Tất cả xe đều đổ dồn vào bến trung tâm có nhiều lợi thế để kiếm khách. Đó là bài toán lợi ích mà các nhà xe phải làm. Theo khảo sát của BXPN Đà Nẵng với trên 60 DN vận tải, cho thấy phần lớn các đơn vị này đồng thuận chính sách giảm giá, thể lệ vận tải bến. Tuy nhiên báo cáo mới đây của BXPN gửi cơ qua chức năng Đà Nẵng nêu rõ: có đến 90% số doanh nghiệp, HTX vận tải được BXPN lấy ý kiến cương quyết không về bến nếu không có chính sách phân luồng tuyến cụ thể.
Bản thân Sở Giao thông vận tải trong rất nhiều lần đi tiếp xúc DN kêu gọi về BXPN cũng thấy một thực tế, bến xe trung tâm có nhiều lợi thế là ở nội đô thành phố, lưu lượng khách đông ,thuận tiện đi lại và kết nối với các tuyến giao thông công công nên nhà xe không muốn về bến xa trung tâm. Chỉ khi nào Sở GTVT có chính sách quy hoạch, phân luồng tuyến sẽ tham gia nếu không sẽ khó cạnh tranh nguồn hành khách so với ưu thế từ BX trung tâm Đà Nẵng.
Ông Viên cho biết: "Chúng tôi không ngại cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh phải dựa trên những điều kiện hợp lý và tuân theo quy hoạch. BXPN hiện ở xa trung tâm thành phố 15km, là địa điểm nằm trong quy hoạch phát triển dành cho các tuyến đi phía Nam và Tây Nguyên nên DN mới dám đầu tư. Tuy nhiên, khi đã đầu tư rồi, DN lại bị bỏ rơi và đặt trong thế phải tự cạnh tranh tìm khách trong hoàn cảnh này thì quả là thách đố.
Nếu được cho lựa chọn vị trí để làm, thì chúng tôi không bao giờ làm xa như vậy, nhưng làm theo quy hoạch thì việc điều tiết theo quy hoạch chính là một điều kiện cần thiết và hợp lý để DN có thể cạnh tranh và thu hút khách, thành phố thực hiện được phát triển giao thông theo quy hoạch. Hơn nữa, dù quy định DN, HTX có quyền chọn bến khai thác nhưng cơ quan quản lý là người quy hoạch và nắm quyền điều tiết theo quy hoạch. DN tự do canh tranh trong khuôn khổ đó. Vì thế, khi không phân luồng tuyến theo quy hoạch mà yêu cầu DN tự thu hút chẳng khác nào đẩy gánh nặng về phía DN".
Được biết, một trong những lý do thực tế mà Đà Nẵng vẫn dồn tuyến vào Bến trung tâm là do bến xe trung tâm có diện tích hơn 65.000m2, năng lực khai thác 1.500 lượt xe xuất bến/ngày. Hiện, chỉ sử dụng hơn 50% diện tích, và phục vụ 350 lượt xe/ngày. Với số lượng này, dự kiến đến năm 2040, bến xe này mới khai thác hết công suất. Việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi bến này không còn khả năng đáp ứng nhu cầu phục vụ. Nếu điều này là thực tế, có lẽ BXPN Đà Nẵng đã hết đường sống?
Lại trông chờ quy hoạch
Ngày 24/2, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Công ty Đức Long nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau đó, Bộ GTVT đã có Công văn số 2070/BGTVT-VT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị giải quyết khó khăn trong tổ chức hoạt động của bến xe phía Nam TP Đà Nẵng.
Bộ GTVT đề nghị TP. Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt, công bố quy hoạch mạng lưới các tuyến nội tỉnh và tuyến xe buýt trong TP Đà Nẵng theo Quy định tại Điều 12 Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT, trong đó có quy hoạch mạng lưới tuyến nội tỉnh và xe buýt đi và đến Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng, tạo điều kiện cho Bến xe phía Nam được phục vụ các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh và xe buýt thành phố.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực thực hiện việc giải phóng mặt bằng phía trước Bến xe theo tiến độ và kế hoạch đã đề ra.
Bộ GTVT nhấn mạnh, trong năm 2014 Bộ GTVT sẽ công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trong đó có quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ các bến xe của TP Đà Nẵng (có bến xe phía Nam Đà Nẵng) đến các tỉnh thành phố khác.
Đây là cơ sở để tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định từ bến xe phía Nam Đà Nẵng đi các tỉnh, thành phố khác.
Được biết, trong cuộc làm việc với ĐLGL, lãnh đạo và các đơn vị chức năng Bộ GTVT đã khẳng định, BXPN là một hạ tầng giao thông quan trọng nằm trong quy hoạch, xây dựng đạt các tiêu chuẩn nên trong quy hoach luồng tuyến toàn quốc chắc chắn sẽ có BXPN Đà Nẵng do Đức Long Gia Lai đầu tư.
Đây hẳn là một hy vọng của DN, Theo đó, các đơn vị quản lý nhà nước chính là người xây dựng, quản lý quy hoạch, điều tiết và quản lý luồng tuyến... nếu có biện pháp phù hợp sẽ tháo gỡ để cứu một DN đang gặp khó khăn đường cùng.
Hoàng Sơn