Kinh tế suy thoái nhưng tại sao những người nghèo Việt Nam lại vẫn chấp nhận giơ cổ ra cho các công ty chém?

Ở Việt Nam đang xảy ra một chuyện thật như đùa: Trong thời buổi kinh tế suy thoái thì những người nghèo, ít tiền lại bị chặt chém dã man nhất. Một trong những lĩnh vực họ bị chặt chém tàn tệ nhất là cho vay tiêu dùng.

Vay lãi suất cao vì “không còn con đường nào khác”

Là nhân viên của một công ty máy tính tại Hà Nội, với mức thu nhập còi cọc, chị Phạm Thị Q. (quê gốc ở Thanh Hóa) có ý định vay vốn ngân hàng để có tiền mua nhà, an cư lạc nghiệp. Nghe bạn bè rỉ tai rằng: Nếu vay mua nhà, khách hàng có thể vay tối đa tới 80% giá trị căn hộ mà mình định mua, trong thời gian tối đa là 10 năm.

Tuy nhiên, khi tới ngân hàng nơi gần nhất, chị Q. lại thất vọng sau khi nghe người tư vấn viên nói: Với mức lương 5 triệu như chị hiện có sẽ rất khó vay, có thể khẳng định chắc chắn là hầu như không vay được đồng nào vì nó chỉ đủ để trả chi phí sinh hoạt hàng ngày, chưa thừa ra để tính ngược ra cho khoản vay.

“Khi vay, người vay cần chứng minh mình đáp ứng đủ tài chính cho khoản vay của mình. Ví dụ, bạn muốn vay 500 triệu trong vòng 2 năm chẳng hạn thì bạn cần phải chứng minh, khách hàng có đủ khả năng trả hết số tiền đó trong thời gian 2 năm. Khi chia đều số tiền vay cho thời gian vay sẽ ra số tiền gốc, rồi nhân với lãi phát sinh sẽ ra số tiền phải trả. Giả dụ, tính cả gốc và lãi hàng tháng, số tiền bạn phải trả là 12 triệu/tháng thì tài chính của người vay phải đáp ứng đủ cho khoản 12 triệu này” – ông Bạch Trung Kiệt, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân ngân hàng MB Từ Liêm (Hà Nội) nhấn mạnh.

{keywords}
Vay tiêu dùng dễ bị mang nợ

Như vậy, trước khi cho vay, ngân hàng sẽ phải điều tra thu nhập hàng tháng và thu nhập bất thường cũng như các tài sản thế chấp khác (nếu có), nếu đáp ứng đủ điều kiện vay thì ngân hàng mới có thể cho vay.

Nhiều người vay tiêu dùng ở chợ đen hay các công ty tài chính dù biết lãi suất cắt cổ bởi lẽ: Không vay ở đó thì họ không biết vay ở đâu khác!

Nhiều người vay tiêu dùng ở "chợ đen" hay các công ty tài chính dù biết lãi suất "cắt cổ" bởi lẽ: Không vay ở đó thì họ không biết vay ở đâu khác!

Chính bởi lý do “nhiều người không đủ điều kiện để vay ngân hàng vì những điều kiện khắt khe thậm chí phải có thế chấp nên đã vay của những công ty tài chính” – chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên độc lập Hội Đồng Quản Trị Oceanbank lý giải.

Trong khi các ngân hàng được quản lý bởi hệ thống pháp luật rất chặt chẽ, được thanh kiểm tra thường xuyên thì các công ty tài chính hoạt động trong khuôn khổ thoáng hơn rất nhiều. Mặc dù họ không có chức năng huy động vốn như các ngân hàng nhưng họ vẫn được phép cho vay.

Và Luật cũng cho phép các tổ chức tín dụng được phép thỏa thuận lãi suất với khách hàng trong một số lĩnh vực cụ thể trong đó có cho vay tiêu dùng. Từ đây dẫn tới việc nhiều công ty tài chính ra đời và thoải mái “chặt chém” người dân – khách hàng vay với lãi suất cao. Trường hợp tranh chấp của công ty PPF với khách hàng trong thời gian qua có thể coi là một ví dụ điển hình.

Sau khi trả góp được bốn kỳ cho khoản vay mua điện thoại, chị C.K.Diễm (Q.5, TP.HCM) được nhân viên Công ty PPF gọi điện thoại mời vay thêm 12 triệu đồng và chị nhận qua bưu điện. Nhưng khi đọc kỹ hợp đồng chị mới giật mình vì lãi suất lên đến 6,17%/tháng, tương đương 74,04%/năm, dù trước đó chị Diễm được nhân viên tư vấn nói lãi suất chỉ hơn 4%/tháng.

“Lý do nhiều người đến vay các công ty tài chính là vì họ không còn đường nào khác. Mặc dầu lãi suất cao nhưng các công ty tài chính cho vay dễ dàng nên họ có đất sống và sống tốt” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

“Bẫy tín dụng”: Vay dễ trả khó

Theo ông Hiếu, các hợp đồng giữa công ty tài chính và khách hàng luôn được soạn theo hướng có lợi về bên cho vay, người vay không tìm hiểu kỹ, nhắm mắt ký sẽ dễ rơi vào “bẫy tín dụng”, vay dễ trả khó. Khi vay, người vay thường không nhận biết được lãi suất thật, đến khi tới hạn trả, bị thúc đòi mới ngã ngửa người ra.

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét: Mặc dù ngân hàng cũng cho vay tín chấp, tuy nhiên, có điều các dịch vụ của ngân hàng có thể không phát triển được bằng các công ty tài chính. Đồng thời, các công ty tài chính có nhiều điều kiện mở hơn, ngoài ra các câu chữ của họ cũng tạo ra cảm giác an toàn và hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, đây là một cái “bẫy” cho người dùng.

{keywords}
Tín dụng đen nở rộ

“Nên nhờ người có hiểu biết pháp luật tư vấn, đồng thời kiểm tra chéo thông tin, thậm chí tra cứu trên mạng trước khi quyết định vay để tránh bị sập bẫy” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyên.

“Nên nhờ người có hiểu biết pháp luật tư vấn, đồng thời kiểm tra chéo thông tin, thậm chí tra cứu trên mạng trước khi quyết định vay để tránh bị sập bẫy” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyên.

Cái bẫy theo ông Phong phân tích nằm ở 2 góc độ: Thứ nhất, nó nằm ở khả năng thanh toán của người vay cũng như những tính toán về khả năng trả nợ. Khi tư vấn khách hàng, các nhân viên của công ty tài chính thường không hướng dẫn kỹ cho khách hàng về các điều khoản trong hợp đồng cũng như các ràng buộc.

“Người dân không thạo cách chia nhỏ lãi suất của các công ty tài chính. Nhiều khi, lúc mời chào, họ tính toán cho người dân, đưa ra 1 con số như vậy nhưng thực chất lại không phải như thế. Nếu tính theo tháng thì tưởng là thấp nhưng khi cộng vào cả năm mới thấy khủng khiếp” – ông Phong chia sẻ.

Như trường hợp chị C.K.Diễm ở trên, dù thực nhận 12 triệu đồng nhưng số nợ vay theo hợp đồng lên đến 12,929 triệu đồng, do công ty cộng cả số tiền bảo hiểm vào tổng số tiền vay. Theo cách tính của công ty PPF, mỗi tháng chị phải trả 1,359 triệu đồng, thời gian vay 15 tháng, tính ra tổng số tiền chị phải trả lên đến 20,385 triệu đồng!

Thứ hai, rủi ro đến từ sự biến đổi về lãi suất sau một thời gian ân hạn hoặc trong những điều khoản khi xảy ra tranh chấp. “Chắc chắn những câu chữ, điều khoản sau thời gian ân hạn người dân cần phải chú ý. Vì thường họ ít khi thực hiện việc khuyến mại kéo dài tới cuối đời dự án cho vay, thường chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng đầu hoặc 1 năm đầu mà thôi, nên người dân cần lưu ý những chữ như “lãi suất sau thời gian ân hạn sẽ tính theo lãi suất thị trường”, đó là câu bẫy, là cơ sở để công ty tài chính ép người dân nhiều hơn. Lúc đó mới bộc lộ khoản vay khủng” – ông Phong nhắc nhở.

Vì vậy, chuyên gia khuyên: “Người dân phải cẩn thận, hỏi kỹ bên cho vay: “Tóm lại 1 năm số tiền lãi phải trả là bao nhiêu, thay vì cách tính hấp dẫn của các công ty tài chính. Đồng thời, kiểm tra chéo với lãi suất của ngân hàng để dễ phát hiện hơn” – ông Phong nói.

(Theo Tri thức trẻ)