- Chuyện nóng nhất thị trường tài chính thời gian qua là việc sáp nhập giữa ngân hàng Sacombank và Southernbank. Tuy nhiên, không ít cổ đông Sacombank lại phản đối gay gắt.

Phần lớn cổ đông đến dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), diễn ra hôm nay (25/3), mong mỏi chờ đến thời điểm thảo luận phương án sáp nhập giữa Sacombank và Ngân hàng TMCP Phương Nam - Southernbank.

Chia sẻ với cổ đông, ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank, cho biết: Trong nền kinh tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt, HĐQT xác định muốn tồn tại và phát triển thành công, Sacombank cần tăng cường quy mô, mạng lưới. Bất kỳ cuộc sáp nhập nào cũng có những mặt thuận lợi và khó khăn. Sau khi đánh giá toàn diện Sacombank, ngân hàng nhận thấy cần phải sáp nhập thêm với ngân hàng khác để mạnh lên.

Tuy nhiên, nhiều cổ đông lại cho rằng sáp nhập không phải là phương án tối ưu, thậm chí là kìm hãm đà phát triển của ngân hàng.

Một cổ đông phản biện ý kiến của HĐQT: “Tôi không đồng ý với ý kiến của chủ tịch HĐQT, bởi việc sáp nhập Southernbank vào Sacombank không có lợi - ở đâu có Southernbank đã có Sacombank, và Sacombank là ngân hàng khổng lồ kéo một ngân hàng nhỏ sẽ gây vướng tay vướng chân cho mình - không sáp nhập sẽ vững vàng hơn”. 

{keywords}

Ngay sau đó, một cổ đông khác bật lại rằng việc sáp nhập này là lợi cho Nhà nước và HĐQT, nhưng cổ đông của Sacombank không có lợi. Đã là ngân hàng vững mạnh nên khi sáp nhập thêm Southernbank có thể Sacombank sẽ trở nên cồng kềnh, nặng nề hơn. Vì thế, theo cổ đông này, không nên để hai ngân hàng sáp nhập.

Những tưởng các cổ đông cá nhân phản đối vì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, tuy nhiên đại diện cổ đông từ các quỹ đầu tư cũng tỏ ra không hài lòng. Đại diện một quỹ đầu tư cho rằng: “Nên xem xét lại việc để Southernbank vào Sacombank. Không riêng quỹ của chúng tôi mà nhiều quỹ khác cũng đánh giá Southernbank là ngân hàng yếu, nhiều năm đầu tư vào Southernbank không lấy lại được vốn, không nhận được cổ tức, như vậy hầu hết đều lo ngại rằng liệu cổ đông có bị mất vốn do sáp nhập?”.

Một cổ đông tổ chức bổ sung thêm, Southernbank có nợ xấu cao, lợi nhuận tốt, chưa chắc làm tăng sức cạnh tranh cho Sacombank. Còn nhiều ngân hàng khác tốt hơn để sáp nhập.

“Cổ đông đã dành thời gian để đến đại hội, vì thế HĐQT cần lắng nghe ý kiến của cổ đông. Trước mắt, nên rà soát lại hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống sau đó mới tính tới việc phát triển rộng thêm trên thị trường, ngân hàng phải có tầm cỡ thì mới cạnh tranh được” - một cổ đông đề xuất.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Kiều Hữu Dũng cho biết, trong bất cứ cuộc sáp nhập nào cũng có điểm thuận lợi, điểm không. HĐQT cũng tiến hành xem xét cẩn trọng, nếu sáp nhập được thì ngân hàng cũng phải thông qua nhiều quy trình, thông qua các cơ quan, nghiên cứu xem liệu nhập có thành công không, có tốt hơn hay không...

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối nhưng kết quả cuối cùng, hơn 97% số cổ đông đồng ý thông qua phương án sáp nhập Southernbank vào Sacombank. 

Trong diễn biến trước đó về việc ông Phạm Hữu Phú từ nhiệm chức chủ tịch HĐQT,  Sacombank vẫn sẽ giữ nguyên số lượng thành viên còn lại gồm 9 người và không bầu bổ sung. Ông Kiều Hữu Dũng, thành viên HĐQT, giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Sacombank.

Trong năm 2013, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 2,838 tỷ đồng, vượt 1,3% kế hoạch năm và cao gấp đôi so với năm trước. Tỷ lệ chia cổ tức 16%, trong đó 8% bằng tiền mặt (đã tạm ứng trong năm 2013) và 8% chi trả bằng cổ phiếu.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2014. Theo đó, Sacombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước, tỷ lệ cổ tức từ 10-12%. Ngân hàng sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác nước ngoài và đẩy nhanh tiến độ thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Lào.

Nam Phong