- Đại gia Trầm Bê tiếp tục thành công với bước đi đầy toan tính của mình. Vị doanh nhân trầm tĩnh, có một tầm nhìn chiến lược đang đi những bước cuối cùng trong ván cờ Sacombank và Phương Nam. Từ đây, ông có thể củng cố thế kiềng 3 chân cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài chính thêm vững chắc.

Nước đi chung kết

Không nằm ngoài dự đoán, đại hội cổ đông Sacombank (STB) hôm 25/3 đã quyết định chấp nhận sáp nhập SouthernBank. Cho dù có rất nhiều sự phản đối cũng như bức xúc trước và trong đại hội nhưng cuối cùng hơn 97% cổ đông vẫn đồng ý sáp nhập. Thời gian thực hiện được ấn định ngay trong năm 2014.

Theo giải trình của Chủ tịch Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng, người vừa thay cho ông Phạm Hữu Phú một ngày trước đại hội cổ đông, việc sáp nhập là theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về tái cơ cấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động NH và tạo thêm nguồn lực trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế cũng như khắc phục những yếu kém, tồn tại trong thời gian qua để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, song song hoàn thiện công tác quản trị NH dần phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Việc sáp nhập là nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh, nâng cao quy mô hoạt động, khai thác tối đa tiềm năng thị trường, tối ưu hóa mọi nguồn vốn, tạo điều kiện để Sacombank có thêm nguồn lực phát triển trong thời gian tới.

{keywords}

Chủ trương rõ ràng, nhưng trên thực tế dường như chưa giải thích thỏa đáng được những câu hỏi bức xúc về việc tại sao lại là Phương Nam, trong khi Sacombank là một NH lớn, hoạt động lành mạnh, còn Southern Bank là NH nhỏ, yếu kém, nợ xấu cao và thị trường còn có rất nhiều NH hấp dẫn khác. Quyết định lựa chọn Phương Nam thậm chí còn được một số NĐT cho rằng là chỉ có HĐQT và các cổ đông lớn cho là tốt.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng của Sacombank kéo dài từ cuối 2011 cho tới nay có thể thấy, câu chuyện sáp nhập Southern Bank là phương án dù được công bố khá bất ngờ gần đây nhưng lại là một ván cờ đã được toan tính từ lâu. Quá trình đó điễn ra trong bối cảnh cơ cấu HĐQT trong suốt cả năm qua mang bóng dáng của một Southern Bank, mà đứng đằng sau đó là vị nhạc trưởng Trầm Bê.

Vì thế, người trong giới đầu tư đã cho rằng những gì xảy ra ba năm qua và dự kiến sắp tới chẳng khác nào đã 'luộc' xong Sacombank. Ngân hàng này đã thực sự đổi chủ và đổi màu.

Sacombank đã chao đảo mạnh khi Eximbank hồi cuối tháng 2/2012 tuyên bố đại diện cho một nhóm cổ đông nắm hơn 51% quyền biểu quyết tại Sacombank và đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát.

Hơn một năm sau khủng hoảng nhìn lại, có thể thấy, cơ cấu HĐQT Sacombank đã thay đổi hoàn toàn, cả chủ tịch Đặng Văn Thành, phó chủ tịch Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) và các thành viên khác đều đã ra đi. Thay vào đó, HĐQT mới có các thành viên từ Phương Nam, gồm: ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê), ông Phan Huy Khang và bà Dương Hoàng Quỳnh Như.

Ban giám đốc Sacombank cũng gồm rất nhiều người từ hoặc liên quan SouthernBank và đối tác Eximbank.

Hàng loạt các vụ thoái vốn của các tổ chức, DN lớn như Dragon Capital, Ngân hàng ANZ, REE... trong các năm trước đó cũng cho thấy một sự chuẩn bị kỹ càng của thế lực đi thâu tóm Sacombank.

Thế chân vạc của đại gia Trầm Bê

Với kết quả hơn 97% cổ đông đồng ý về việc sáp nhập, có thể thấy, quyền lực thực sự của ông Trầm Bê - đại cổ đông chi phối của Southern Bank, cũng là cổ đông lớn của Sacombank là rất lớn. Ông Trầm Bê và những người liên quan có lẽ không chỉ nắm 6,7% cổ phần hoặc đã có những đàm phán thành công để cân bằng lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn.

{keywords}

Các cổ đông lớn khác như khối ngoại với hơn 10% và "nhóm Eximbank" với tỷ lệ gần 18% cũng đã đồng ý thu nạp Southern Bank cho dù cái lợi cho NH nhỏ hơn này và cổ đông lớn Trầm Bê được đánh giá là lớn hơn. Và từ đây, người ta có thể lại nghĩ đến chuyện sáp nhập với Eximbank như đã từng được đề cập.

Nhưng trước mắt, việc gộp Sacombank và SouthernBank thành một, ông Trầm Bê thực sự trở thành một thế lực đáng gờm trong lĩnh vực NH nói riêng và tài chính nói chung.

Với thành công này, thế chân vạc vững chắc bao gồm: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài chính đã được hình thành. Ông Trầm Bê xứng đáng là đại gia được nhắc đến nhiều nhất trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng vài năm gần đây cho dù đây là một doanh nhân vốn rất kín tiếng.

Trước đây, mỗi khi nói đến Trầm Bê nhiều người nghĩ tới lĩnh vực gỗ, tới các DN khủng như Đầu tư xây dựng Bình Chánh BCCI, Bệnh viện Triều An, Công ty Sơn Sơn, Cụm cảng Long Toàn, Vàng bạc Đá quý Phương Nam... còn giờ đây nói đến Trầm Bê người ta nghĩ tới Sacombank.

Thay vì một thời thống trị lĩnh vực chiếu xạ thanh long xuất khẩu với Sơn Sơn hay đình đám trong lĩnh vực xây dựng với BCCI, Công ty xây dựng Hàm Giang, giờ đây đại gia Trầm Bê đang hướng tới là ông chủ NH hàng đầu tại Việt Nam mà trước đây nó không liên quan đến gia đình ông và SouthernBank. Từ đây, vị thế của doanh nhân này cũng như gia đình sẽ lên một tầm cao mới. Một thế kiềng 3 chân đang được xác lập.

Từ đây, quyền lực của ông Trầm Bê đã lớn sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng có không ít lo ngại về sự tập trung quyền lực, lợi ích nhóm những vấn vấn đề nảy sinh từ đây mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Mạnh Hà