Căn nhà xưa cũ gắn bó đã lâu năm, nếu phải rời xa thì vô cùng luyến tiếc. Cũng là những viên gạch lát nền, cũng là chậu kiểng ở đâu chẳng giống nhau, nhưng vẫn là sự khác biệt. Dịch chuyển chỗ ở, có phải chỉ dành cho những người thích thay đổi?
1. Tôi biết một cậu em đang làm marketing trong ngành y. Trước nay, người ta vẫn nghĩ, chỉ có bệnh nhân cần đến bác sĩ, chứ bác sĩ đi “tiếp thị” làm gì. Lầm, ai nghĩ vậy thì quá thiển cận. Có nhiều cách để cơ sở y tế thu hút người tới khám: nhân hiệu của bác sĩ và thương hiệu của bệnh viện, phòng khám. Cậu em này làm ở phòng kinh doanh, nhưng không có khái niệm về nghề của mình. Đôi lúc thì quá ban ơn, đôi lúc lại quỵ lụy không cần thiết.
So sánh sang ngành khác, mới thấy sự khác biệt. Có lần, tôi nhận được cuộc điện thoại của em môi giới chào bán dự án bất động sản bên Quận 7. Em nói: “Chị ơi, giá căn hộ hiện nay đã giảm 50 phần trăm rồi. Nhiều người đang rất quan tâm. Hơn nữa, chị chuyển về đây là hợp lý. Chị thay đổi hẳn môi trường sống để trải nghiệm coi thế nào”.
Dù chưa có nhu cầu mua nhà ở, nhưng tôi rất ghi nhận cách nắm bắt tâm lý của người bán hàng. Thay đổi chỗ ở với người trẻ tuổi chẳng qua giống như lên kế hoạch đi chơi xa dài ngày để có thêm một trải nghiệm mới. Nhưng nếu khách hàng đã trên 50 tuổi, nếu nói về sự dịch chuyển với họ chẳng khác nào môi giới tự đóng cánh cửa trước mặt mình.
Chuyện nghệ sĩ Chánh Tín bị ngân hàng siết nhà đang gây xôn xao dư luận |
Căn nhà cũ, vì sao trở thành sự gắn bó khó dứt? Là vì những kỳ niệm, hay chỉ là sự lười biếng trong vận động? Có lẽ là tất cả những lý do trên.
Người Việt nặng tình với ngôi nhà, nên tâm lý đi thuê nhà để ở rất ít có trong suy nghĩ của nhiều người, nếu không phải do hoàn cảnh. Cậu bạn tôi ở Hà Nội vừa đi vay tất cả những người nào đã từng quen biết, dù số tiền chỉ vài triệu đồng để mua căn hộ giá rẻ. Thắc mắc rằng, vay chi cho mệt, bạn đã có công ăn việc làm ổn định, đi thuê nhà để ở rồi từ từ khi có tích lũy mua vẫn kịp có sao. Ở nước ngoài, người ta thuê hết căn hộ này sang căn hộ khác ở cả đời, có vấn đề gì đâu.
Bao nhiêu câu chuyện được dẫn dắt, chứng minh, cuối cùng vẫn không thể lay chuyển được quyết tâm phải mua nhà bằng được của cậu bạn. Cho dù bạn thật thà rằng, mượn rồi nhưng không có ngày hẹn trả lại tiền cho chủ nợ. Người ta vẫn nói: mất tiền, mất bạn. Sao phải đánh đổi sự cô độc, chỉ để bằng mọi giá mưu cầu có căn nhà! Nhà thuê hay nhà đi mua, khác gì nhau, khi chúng ta vẫn hít thở và ăn ngủ đều đặn?
2. Cả tuần nay, người ta bàn tán về chuyện nghệ sĩ Chánh Tín bị ngân hàng “kéo đổ” nhà.
Không hiểu sao, tôi thấy từ “kéo đổ” nhà phù hợp hơn với từ “trừ nợ” dành cho hoàn cảnh căn nhà được thế chấp ngân hàng.
Việt kiều ở Mỹ dùng từ này nhiều hơn trong nước - một từ thật là tượng hình. Vì ngân hàng kéo đổ rồi, thì đương nhiên nhà mình sập. Và thế là phải đi thuê nhà khác.
Nghệ sĩ Chánh Tín biết sẽ có ngày này cả năm trời, nhưng ông vẫn chưa muốn rời đi. Bởi căn nhà đã gắn bó với gia đình ông mấy chục năm trời. Bao thói quen, bao kỷ niệm, bao dấu ấn.
Có những đồ vật cũ giờ đã lên giá, thậm chí vô giá, trở thành đồ cổ, nhưng cũng phải tỉnh táo để hiểu rằng, có những món đồ không còn mới nữa, mà theo quy luật thì ắt hẳn nó sẽ mất giá.
Nói cách thực tế hơn, căn nhà đã xuống cấp, thời thế đã thay đổi. Thay vì xin đủ các loại giấy tờ chứng minh để trì hoãn, thì nghệ sĩ nên lẳng lặng đi kiếm căn nhà khác để thuê. Sự dịch chuyển này không phù hợp với lứa tuổi tri thiên mệnh nữa, nhưng số phận bắt buộc chúng ta phải thế.
Dứt bỏ các thói quen và tiện nghi bên cạnh không phải dễ dàng gì, nhưng nói như cô bé môi giới địa ốc kia: thay đổi môi trường sống để thêm sự trải nghiệm. Đời người chỉ tắm được một lần trên một dòng sông, thế mới hưởng sự trong lành và sạch sẽ cả thể xác lẫn tâm hồn được chứ!
3. Bữa trước, tôi ghé thăm vợ chồng anh chị bà con lớn tuổi ở một chung cư cao cấp. Ban đầu, anh chị thuê căn hộ lầu 6, nhưng do tòa nhà kế bên xây lên đã choán hết cả tầm nhìn thông thoáng, nên họ chuyển lên lầu cao hơn.
Anh chị thở phào kể chuyện, nếu ngày đó mà đồng ý mua rồi, thì giờ chẳng dễ dàng ngày một ngày hai chuyển đi được.
Người lớn tuổi mà có tư duy như vợ chồng nhà này, chỉ thuê nhà để ở, quả là văn minh. Nhưng cũng bởi họ đã có nhiều năm sống ở nước ngoài, nên mọi suy nghĩ khác với người sống trong nước.
Có ông chủ nào đó mới đây đã nói: “Thị trường nhà đất đang dần ổn định, tính đầu cơ giảm hẳn, tính đầu tư nâng lên. Nhà đầu tư bỏ vốn vào lâu dài để cho thuê chứ không mua đi bán lại gây nhiễu môi trường kinh doanh nữa”.
Thực tế đang chứng minh những điều vị này nói là đúng, chứ không phải là “phán bừa”. Cuộc sống luôn vận động, chúng ta chỉ cần tôn trọng chứ không thể níu giữ những điều xưa cũ. Chẳng phải mỗi ngày, mặt trời vẫn mọc đó sao!
Nhà thơ Đinh Thu Hiền
(Theo ĐTCK)