Khi kiểm tra cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc, địa chỉ tại số 11A, ngõ 312, đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an, Quản lý thị trường đã phát hiện nhân viên của cơ sở trên đang sử dụng con dấu kiểm dịch thú y giả để đóng lên các con gia cầm vừa mới được chở đến từ một lò mổ ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long...

Số gia cầm chưa đóng dấu kiểm dịch này sau khi được cơ sở Minh Ngọc "hóa phép" sẽ được nhân viên chở đi phân phối cho các chợ, siêu thị, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. Trong danh sách khách hàng có cả các siêu thị, khách sạn "danh tiếng".

Vô tư đóng dấu kiểm dịch giả từ năm 2001

Đoàn kiểm tra đã phát hiện 29 con ngan chưa được đóng dấu kiểm dịch, 29 con gia cầm khác đã được đóng dấu kiểm dịch mang kí hiệu "Chi cục thú y HN KSGM MS-01", tổng trọng lượng là 133 kg.

{keywords}

Lực lượng chức năng khi kiểm tra đã phát hiện cơ sở tự đóng dấu kiểm dich giả lên gia cầm.


Tuy nhiên theo bà Trần Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm thú y quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì con dấu trên nếu không phải là giả thì cũng không còn giá trị lưu hành do được khắc theo mẫu cũ, trong khi từ ngày 27/6/2013, Chi cục thú y Hà Nội đã áp dụng mẫu dấu mới mang mã số gồm 4 chữ số chứ không phải chỉ có 2 chữ số như cơ sở Minh Ngọc hiện đang sử dụng.

Cũng theo bà Hằng, việc cơ sở kinh doanh gia cầm Minh Ngọc tự ý đóng dấu kiểm dịch thú y là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thú y vì chỉ có cán bộ thú y mới được giao nhiệm vụ đóng dấu kiểm soát giết mổ lên sản phẩm động vật. Hơn nữa việc đóng dấu này phải được cán bộ thú y thực hiện ngay tại các lò mổ đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, trong khi cơ sở Minh Ngọc không phải là điểm giết mổ mà chỉ là nơi kinh doanh gia cầm.

Chủ cơ sở Minh Ngọc là ông Nguyễn Huy Dũng, SN 1964, tuy nhiên người chịu trách nhiệm điều hành chính lại là em gái ông ta, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, hộ khẩu thường trú tại số 75, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo lời bà Ngọc, để đối phó với các cơ quan chức năng và yêu cầu khắt khe của các siêu thị, nhà hàng, khách sạn yêu cầu sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch thú y và được đóng dấu tại chính cơ sở giết mổ, bà Ngọc đã chỉ đạo nhân viên sử dụng con dấu mà theo lời bà ta lúc đầu là "nhặt được" ngoài đường, sau đó khi bị đoàn kiểm tra vạch rõ chân tướng đã phải thừa nhận là tự ý khắc con dấu giả, để đóng lên các sản phẩm gia cầm chưa được đóng dấu kiểm soát giết mổ mua từ nhiều nguồn trên địa bàn Hà Nội.

Cơ sở gia cầm "sạch" Minh Ngọc được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép kinh doanh gia cầm sạch từ tháng 11 năm 2008, tuy nhiên từ năm 2001 khi chợ 19/12 (chợ Âm phủ) còn hoạt động, bà Ngọc đã chuyên kinh doanh gia cầm "sạch" theo kiểu tự ý đóng dấu kiểm dịch, ở chợ này và là nhà cung cấp thường xuyên cho các siêu thị lớn như Big C Thăng Long, nhà hàng Lã Vọng...

Khó kiểm soát các cơ sở kinh doanh gia súc, gia cầm được gắn mác "sạch"

Lo ngại về ô nhiễm môi trường và mất an toàn thực phẩm, ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe bắt đầu chuyển hướng trong việc mua hàng từ những quầy thực phẩm gần nhà, tiện, rẻ nhưng 3 không (không nguồn gốc xuất xứ, không kiểm dịch, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm), sang những cơ sở kinh doanh uy tín hơn như siêu thị, nhà hàng, các cơ sở được cấp phép kinh doanh thực phẩm "sạch". Thế nhưng những vụ việc do báo chí và các cơ quan chức năng phát hiện gần đây như rau mua trôi nổi được đóng mác "rau an toàn Vân Nội" đưa vào siêu thị Minh Hoa, Le' mart; nấm cao cấp Lưu Mai Hương bán trong Big C thực chất lại là hàng nhập lậu từ Trung Quốc; nhiều sản phẩm bán trong siêu thị Citimart 241 Xuân Thủy không rõ nguồn gốc xuất xứ..., giờ đây lại thêm vụ cơ sở kinh doanh gia cầm Minh Ngọc hô biến gà không kiểm dịch thành gà "sach" cung cấp cho hàng loạt siêu thị, nhà hàng, khách sạn uy tín trên địa bàn Hà Nội, khiến người tiêu dùng không biết phải đi đâu để mua được thực phẩm an toàn.

Cơ sở gà "sạch" Minh Ngọc ở trên chỉ là một ví dụ cho nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm được gắn cái mác rất ăn khách là "thực phẩm sạch" hiện nay, mặc dù nhìn bề ngoài được các cơ quan quản lý cấp đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục hành chính để được công nhận là "sạch", "an toàn" như: Giấy đăng ký kinh doanh, Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, kiểm tra hồ sơ hành chính thấy có đủ hóa đơn chứng từ mua bán, có giấy kiểm dịch động vật...; thế nhưng mấy ai biết rằng qui trình đảm bảo thực phẩm sạch từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, bảo quản, cho đến khi bán đến tay người tiêu dùng có được tuân thủ đầy đủ trong thực tế, chưa nói đến cơ sở vật chất, hiện trạng sản xuất thực tế của cơ sở khác xa với những gì mà những tờ Giấy chứng nhận kia đã công nhận.

Khi được hỏi về việc tại sao cơ sở kinh doanh gia cầm "sạch" Minh Ngọc đã tự ý sử dụng con dấu giả đóng lên các sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch từ năm 2001 mà cơ quan thú y sở tại không phát hiện ra, bà Trần Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm thú y quận Hoàn Kiếm phải cười trừ mà kêu khó rằng: cả Trạm thú y quận Hoàn Kiếm mới có 18 người, mỗi người trong số đó phải chịu trách nhiệm kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y đối với tất cả các hộ kinh doanh trên địa bàn một phường (quận Hoàn Kiếm hiện có 18 phường), đồng thời kiêm luôn vệ sinh thú y ở các chợ, siêu thị trong phường, với hàng ngàn hộ kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Như vậy thì cán bộ thú y dù có ba đầu sáu tay cũng không thể hằng ngày đến từng hộ kinh doanh để kiểm tra từng con gà, lợn, bò có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, hay đã được đóng dấu kiểm dịch thú y theo đúng qui định của Nhà nước hay không.

Tình trạng "bỏ lọt địa bàn" này không chỉ xẩy ra ở mỗi Hoàn Kiếm mà là tình trạng chung lâu nay của cả nước đối với vấn đề kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y. Nguyên nhân thì rất nhiều, từ không nghiêm túc trong khâu thẩm định cấp Giấy phép của các cơ quan quản lý, đến việc cố tình vi phạm của cán bộ thú y. Tuy nhiên cũng phải kể đến việc để tồn tại quá nhiều điểm giết mổ chưa được tập trung và các hộ kinh doanh sản phẩm động vật giết mổ nhỏ lẻ ở phân tán trong các chợ cóc, khu dân cư, khiến ngành thú y dù có tâm cũng không đủ sức quản lý. Chưa nói đến những "con sâu làm rầu nồi canh" như vụ cán bộ thú y tỉnh Đồng Nai tự ý đưa dấu kiểm dịch động vật cho các chủ lò mổ và tài xế chở lợn tự ý đóng lên các con lợn do các lò mổ "lậu" (không được cấp phép theo qui định) đưa vào lò mổ có phép để "phù phép" thành lợn "sạch" (báo Tuổi trẻ phản ánh trong phóng sự "biến heo lậu thành heo sạch" ngày 28/7/2013).

Trong khi không biết tin vào ai để tìm được thực phẩm sạch, có lẽ sự xuất hiện dù còn manh nha của các dự án dựa vào cộng đồng cùng tham gia quản lý, giám sát theo mô hình lập ra các website để chia sẻ thông tin công khai giữa 3 bên gồm Cơ quan quản lý - người tiêu dùng - cơ sở sản xuất về những sản phẩm thực phẩm thực sự "sạch". Trong đó doanh nghiệp tự công bố và sẵn sàng để người tiêu dùng vào tham quan, chứng kiến qui trình sản xuất sạch, dùng thử và đánh giá về chất lượng sản phẩm. Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ theo qui định của pháp luật hiện hành, kiểm tra quá trình sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm đầu ra. Người tiêu dùng là trung tâm cùng lên tiếng kêu gọi ủng hộ một nhãn hiệu sản phẩm thực sự tốt hoặc tẩy chay sản phẩm có vấn đề.

(Theo Viet Q)