Trong con mắt của nhiều bạn trẻ, tiếp viên hàng không là một nghề thời thượng, nhàn nhã, thu nhập cao, được đi du lịch miễn phí... Nhưng ít người hiểu được rằng tiếp viên hàng không cũng là một trong những nghề nguy hiểm bậc nhất trên thế giới.

Không những có nguy cơ rủi ro cao do tai nạn, thiên tai mà còn họ dễ mắc phải nhiều căn bệnh nghề nghiệp nguy hiểm.

Ung thư

Tỷ lệ mắc ung thư vú ở nữ tiếp viên và ung thư da ở nam phi công đang tăng lên bất thường trong thời gian gần đây, các nhà khoa học Iceland nhận định. Nguyên nhân có thể do họ bị nhiễm phóng xạ khi làm việc thường xuyên trên độ cao.

Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Tổng hợp Iceland tại thủ đô Reykjavik khẳng định, càng lên cao thì mức độ phóng xạ trong không gian càng lớn. Tỷ lệ mắc bệnh trong phi hành đoàn tăng lên có thể do ngày càng nhiều chuyến bay dài ngày trên những độ cao lớn. Những người tham gia bay tối thiểu 5 năm được xem là có nguy cơ cao nhất.

Theo kết quả lâm sàng mới đây của Trung tâm Y tế cộng đồng Stockholm (Thụy Điển), cả nam và nữ trong đoàn bay rất dễ bị ung thư bạch cầu dạng tủy và u hắc tố ác tính - dạng ung thư da nguy hiểm nhất.

{keywords}
Tiếp viên Hàng không Việt Nam sẽ mang vali nhỏ hơn (ảnh minh họa)

Stress

Mặc dù “nụ cười là mười thang thuốc bổ” nhưng không phải lúc nào cười cũng là điều có lợi cho sức khoẻ con người. Các nhà tâm lý Đức khẳng định, nếu cứ phải thường xuyên cười vì tính chất công việc chứ không phải theo ý muốn, bạn có thể bị “stress” nặng, thậm chí là trầm uất.

Một nghiên cứu thú vị của tạp chí Sức khỏe (Health) vừa tiết lộ thông tin về những nghề dễ gây trầm cảm nhất ở người lao động trong xã hội Mỹ hiện nay. Kết quả cho thấy, xếp vị trí thứ hai trong bảng khảo sát này là các nhân viên phục vụ tại nhà hàng, quầy bar; nhân viên lễ tân, trực điện thoại và tiếp viên hàng không. Số người làm việc trong những ngành này thừa nhận việc luôn phải mỉm cười nhã nhặn với khách hàng trong mọi tình huống làm cho họ bị trầm cảm.

Tại Hà Lan, một cuộc nghiên cứu về vấn đề trên cũng được tiến hành ở các tiếp viên hàng không. Kết quả cho thấy, việc phải thường xuyên nở nụ cười là yêu cầu nặng nề nhất trong nghề nghiệp của họ, thậm chí hơn cả những việc mệt nhọc khác.

Thật vậy, trong những trường hợp “gượng cười”, họ phải vượt qua rất nhiều sự “ấm ức”, “không hài lòng”. Nhưng vì tính chất của công việc, tiếp viên hàng không vẫn cứ tươi cười. Lâu dần, điều đó trở thành sự chịu đựng. Họ trở nên căng thẳng khi tâm lý đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy, “stress” đã trở thành một “bệnh nghề nghiệp” khá phổ biến đối với tiếp viên hàng không.

Viêm xoang, đau đầu, đau dạ dày

Làm việc trong điều kiện nhiệt độ, áp suất luôn thay đổi, ăn uống không đúng giờ, tiếp viên hàng không thường mắc phải các bệnh như viêm xoang, đau đầu, đau dạ dày, mất ngủ.

Một tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tâm sự, mình bị mắc bệnh đau dạ dày do ăn uống không điều độ, giờ giấc sinh hoạt thường xuyên bị đảo lộn do lịch bay thay đổi. Ngoài ra, tiếp viên này cho biết, từ khi vào nghề đến giờ cô và nhiều đồng nghiệp khác còn mắc chứng đau nửa đầu.

Đã có nhiều tiếp viên hàng không bay một thời gian nhưng chỉ vì chứng mất ngủ, không đủ sức khỏe làm việc phải nuối tiếc bỏ nghề.

Thoát vị đĩa đệm

Do yêu cầu công việc thường xuyên phải đi giày cao gót, nhiều tiếp viên hàng không đã mắc phải những căn bệnh liên quan đến cột sống. Bên cạnh đó, việc tranh thủ các chuyến bay xa để “đánh” về các loại hàng hóa như mỹ phẩm, quần áo, rượu bia, hàng điện tử... với trọng lượng hàng chục kg cũng là một nguyên nhân trực tiếp khiến không ít tiếp viên hàng không bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.

Một tiếp viên hàng không sinh năm 1976 cho biết, bác sỹ yêu cầu cô nghỉ ngơi trong vòng 1 năm và phải cố định cột sống để điều trị điều trị căn bệnh thoát vị đĩa đệm - căn bệnh mà cô và nhiều đồng nghiệp mắc phải.

Mới đây, Vietnam Airlines đã ra quy định tiếp viên hàng không và phi công không được sử dụng vali to trong các chuyến bay nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng tiếp viên hàng không lợi dụng, tiếp tay cho buôn lậu. Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó, quy định này cũng giúp các tiếp viên hàng không cải thiện tình trạng sức khỏe do không “phải” xách các va li hàng chục kg trong mỗi chuyến bay quốc tế.

Nhị Anh