- Hàng trăm triệu USD tổ chức ASIAD 18 đang gặp khó khăn khiến nhiều người trông chờ vào phương án "xã hội hóa". Các tỷ phú Nga bỏ hàng tỷ USD làm nên một Olympic Sochi, vậy các đại gia Việt có dám hào phóng tham gia làm ASIAD?

Tiền đâu theo tiếp?

Dư luận đang lo ngại về việc Việt Nam có thể phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức Á vận hội (ASIAD) 18 bởi đã có nhiều nền kinh tế rơi vào nợ nần vì quá hào hứng với các sự kiện thể thao quốc tế. Hy lạp với Olympic Athens năm 2004 là một ví dụ.

Điều lo ngại nhất là chi phí tổ chức các sự kiện này ở các nước đều vượt xa so với dự toán ban đầu. Olympic Sochi dự kiến 12 tỷ USD nhưng đã vượt qua 50 tỷ USD; Thế vận hội Athens 2004 gấp đôi so với dự tính ban đầu lên mức 11 tỷ USD...

Với nhiều nước lớn như Nga hay Trung Quốc..., vài chục tỷ USD có thể không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, với một nền kinh tế nhỏ bé, lại đang khó khăn thì ngân sách để chi cho những sự kiện này quả là gánh nặng.

Trong khi những tranh cãi có nên làm ASIAD đang tiếp tục thì có những thông tin cho thấy, cơ quan quản lý sẽ tính phương án dùng một phần nhỏ ngân sách, còn lại là xã hội hóa.

{keywords}

Việt Nam có thể phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức ASIAD 18

Điều này có hy vọng vì không ít các NĐT trong và ngoài nước có thể sẵn sàng góp sức trong các dự án xây dựng hạ tầng cho ASIAD 18 nếu có chính sách hợp lý.

Theo nhiều chuyên gia, rất nhiều DN hưởng lợi lớn từ các sự kiện thể thao được công chúng quốc tế quan tâm. Tại Olympic ở Athens, Hy Lạp, Olympic London 2012, hay gần nhất là ở Sochi, Nga, các nhà tài trợ là các DN nước giải khát, đồ ăn nhanh, mỹ phẩm... đã rầm rộ quảng bá sản phẩm trên quy mô toàn cầu.

Trong khi các nước phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để tổ chức các sự kiện này thì các ông lớn DN chỉ phải bỏ ra khoảng vài chục triệu USD/đơn vị để được quảng bá tới người tiêu dùng tiềm năng trên toàn thế giới.

Bài toán làm nước chủ nhà trong một sự kiện thể thao quy mô lớn xem ra không thực sự khó khăn nếu chốt được 2 vấn đề là tổng chi phí ở mức hợp lý, không gây lãng phí về sau và cơ chế và sự minh bạch để kêu gọi các tài trợ trong và ngoài nước.

Đại gia Việt hào phóng chi tiền?

Như đã nói, rất nhiều các DN tài trợ hưởng lợi lớn từ các sự kiện thể thao. Người hâm mộ từ lớn cho tới nhỏ vẫn hàng ngày sống với những cái tên như Coca Cola, Pepsi, McDonald's, Proctor & Gamble... Với một sự kiện như ASIAD, mức độ ảnh hưởng không lớn như Olympic nhưng vẫn là những cơ hội không thể bỏ qua để quảng bá DN.

Gần đây, thị trường Việt Nam nổi sóng với các thương hiệu quốc tế vốn tài trợ rất nhiều cho thể thao thế giới.

{keywords}

Vì lợi ích của DN và trách nhiệm xã hội, có thể sẽ có rất nhiều doanh nhân sẵn sàng tài trợ cho ASIAD

Với thức ăn nhanh, McDonald's đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM và muốn có mặt ở khắp cả nước với kế hoạch 100 cửa hàng. Hàng loạt các tên tuổi đang trong bước đầu mở rộng thị trường tại đây như: Lotteria, KFC, Burger King, Pizza Hut, Jollibee, Subway...

Trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát, Coca Cola, Pepsi của Mỹ; Kirin và Vedan của Nhật Bản, Uni-President của Đài Loan, Diageo của Anh; Heineken, Tiger, Carlberg của Đan Mạch; Starbucks Coffee (Mỹ), công ty đa quốc gia Nestlé Waters; Anheuser-Busch InBev... thường không bỏ qua bất cứ các sự kiện lớn như vậy.

Rất nhiều DN ngoại khác đang tìm kiếm đối tác nhượng quyền cũng như làm ăn tại Việt Nam như: Pollo Tropical, Applebees, The Melting Pot, Great American Cookies, Johnny Rockets, Dennys, hay Which Wich... và thể thao là một cách tốt nhất để họ hiện diện.

Bên cạnh đó, có rất nhiều đại gia nội đang lớn mạnh cũng muốn chiếm thị phần nước giải khát có quy mô chừng 2,5 tỷ USD trong nước và chinh phục cả các thị trường nước ngoài như Vinamilk, Ma San, Tân Hiệp Phát, Bridico, Halico, Sabeco, Habeco, Chương Dương, Huda, Ngô Han...

Trong mảng hóa mỹ phẩm, giới đầu tư biết đến các thương hiệu tham gia tài trợ cho rất nhiều chương trình như: Proctor & Gamble, Colgate, ICP...

Các đại gia điện tử, điện máy với những cái tên như Samsung, LG, Nokia, Sony... và trong nước là Thế giới di động, Nguyễn Kim, Media Mart, Trần Anh... cũng là một núi tiền tài trợ không thể bỏ qua.

Rất nhiều các đại gia trong nước đang lớn mạnh và có chủ trương ngoại tiến cũng có thể cần đến những chương trình quảng bá lớn như tại các sự kiện thể thao này như: Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hoa Sen, FPT, Tập đoàn Long Thành, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra, Vingroup, Sovico, Sungroup, Eurowindow, Gemadept, Bóng đèn Điện Quang, CT Group, Gốm sứ Minh Long...

Ngoài ra, không ít các ngân hàng và tài chính, các DN trong nước cũng đang cần tìm kiếm đối tác ngoại hoặc/và đầu tư ra nước ngoài như BIDV, STB, SHB, MBB... có thể sẽ cần đến sự lan tỏa của ASIAD 18.

Thống kê cho thấy, tổng tài sản của 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng đã lên tới gần 40 nghìn tỷ đồng, đủ để tổ chức 10 đại hội ASIAD nếu chi phí được "chốt" lại ở mức khoảng 150 triệu USD.

Vì lợi ích của DN và trách nhiệm xã hội, có thể sẽ có rất nhiều doanh nhân sẵn sàng tài trợ cho ASIAD. Vấn đề còn lại có lẽ là cơ chế và sự minh bạch khi kêu gọi các nhà tài trợ. Câu chuyện có lẽ trở nên dễ dàng hơn khi mà DN và cộng đồng DN cùng xắn tay vào lo liệu.

Mạnh Hà