Sự hoán đổi thân phận ly kỳ, những ngày hoạt động trong lòng địch căng thẳng đến từng giây, những chiến công hiển hách … của Trần Văn Lai và đồng đội đã trở thành chất liệu sống cho bộ phim Biệt động Sài Gòn – một tác phẩm có giá trị vượt thời gian…

Từ thằng nhỏ bồi tiêm…

Sài Gòn năm 1954, một tài phiệt mới nổi của Sài Gòn là Mai Hồng Quế đã lấy lòng được các quan chức cấp cao của chế độ cũ. Thậm chí, ông còn được mời vào Dinh độc lập làm thầu trang trí cho dinh thự xa hoa bậc nhất Việt Nam này.

Nhưng thân phận thật sự của vị đại gia giàu có, thế lực này hoàn toàn là một ẩn số. Ông chính là nhà tình báo Trần Văn Lai, một người xuất thân vô cùng nghèo khó.

{keywords}
"Đại gia" Trần Văn Lai thứ 3 từ trái sang khi còn hoạt động trong lòng địch - Ảnh chụp năm 1959

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, tôi có may mắn được gặp anh Trần Kiến Xương (tên thường gọi – Bình) – con của nhà tình báo Trần Văn Lai. Hỏi về bất cứ giai đoạn hoạt động nào của người cha quá cố, anh Bình đều nắm rõ đến từng chi tiết.

Anh Bình cười nói: “Có khi, cha mẹ của mình, những người lính trưởng thành trong chiến tranh, trong gian khó họ không muốn thụ hưởng món ngon vật lạ, không cần cuộc sống an nhàn, mà thứ họ cần là hoài niệm. Họ cần con cháu hiểu về những ngày tháng ác liệt đó, họ cần được nhớ lại, được tự hào về những gì đã làm được cho quê hương, tổ quốc”.

Và số phận ly kỳ của nhà tình báo Nguyễn Văn Lai bắt đầu được tái hiện qua lời kể của “đứa con biệt động Sài Gòn”.

Trần Văn Lai sinh ra tại xã Vũ Đông, Kiến Xương, Thái Bình, một vùng quê nghèo xơ xác. Năm 13 tuổi, vì nhà quá nghèo, ông bỏ quê lên tỉnh. Số phần run rủi, ông về làm thằng nhỏ sai vặt cho nhà me Tây. Me Tây quá ác độc nên ông bỏ đi, rồi lại đi ở nhà ông chủ người Pháp.

Trước khi ông chủ Pháp về nước lại dẫn ông đến giao cho quan Án sát Phạm Gia Nùng. Phạm Gia Nùng ghiền thuốc phiện rất nặng, nên giao việc bồi tiêm cho Lai. Nhờ khéo tay, cậu bé Trần Văn Lai đã chinh phục được Nùng, và kể cả anh ruột của ông là Thái tử Thiếu Bảo Đại học sĩ Phạm Gia Thụy cũng mê mẩn nghệ thuật tiêm thuốc phiện của Lai. Đến mức, bà vợ bé của Nùng đã từng giới thiệu với quan khách rằng Lai là cháu của chồng.

Bởi vậy khi Trần Văn Lai trở thành một chiến sĩ biệt động và được lệnh vào nội thành Sài Gòn làm tình báo, ông đã có một lý lịch "hết sức huy hoàng". Và ngay cả việc danh chính ngôn thuận được vào nội thành cũng là một hành trình hết sức ly kỳ.

Để được hoạt động lâu dài, chiến sĩ Trần Văn Lai phải trở thành chồng của bà Phạm Thị Phan Chính – cháu của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, người nắm giữ khối tài sản hàng trăm ngàn cây vàng, và là một trong những tài phiệt giàu có nhất Sài thành bấy giờ. Bà Chính, tên thật là Phạm Thị Chinh cũng là một chiến sĩ biệt động thành.

Nhưng để tìm được lý do để vào Sài Gòn, qua mặt được các chốt kiểm tra, quả không dễ dàng. Ông Trần Văn Lai, theo kế hoạch, một thân một mình xuống Long An, tạt vào ty cảnh sát rồi lễ phép thưa với thiếu tá trưởng ty: “Thưa thiếu tá, tôi định sang Nam Vang. Liệu có cần giấy tờ xuất cảnh không?”.

Nghe hỏi điều vô lý, thiếu tá quắc mắt nạt: “Ăn nói chi kỳ cục, từ Việt Nam sang Cao Miên phải có giấy tờ chứ”. Được nước, ông Lai trình ra giấy chứng chỉ của vua Xi-ha-núc, cho phép được tự do qua nước bạn.

Trở thành nhà thầu khoán trong Dinh Độc lập

Ông thiếu tá thất kinh, liền đổi giọng, xưng ông Lai là “anh Hai” rồi đon đả mời “anh Hai” ngồi kể chuyện về tấm chứng chỉ vô giá kia. Chẳng là, năm 1948, vua Xi-ha-núc tổ chức lễ mừng thượng thọ cho cha. Vua cha thường ngồi ở chiếc ngai vàng đã cũ lớp vải lót. Xi-ha-núc đã nhiều lần mời chuyên gia của các nước về phục chế lại lớp vải ngai vàng nhưng đều thất bại.

Vua Xi-ha-nuc lại nhờ quan cao ủy Pháp ở Đông Dương, ông này không biết xử trí kiểu nào lại cầu cứu tới vua Bảo Đại. Lúc này, Trần Văn Lai đang theo học ông Nguyễn Tái Ước và Nguyễn Văn Thiết – là thợ trang trí khéo léo bậc nhất của nhà vua. Vua liền cho vời thầy trò Trần Văn Lai và giao sứ mệnh nặng nề có can hệ rất lớn đến tình hòa hảo của hai nước.

{keywords}

Kỳ lạ thay, chỉ sau một thời gian ngắn, những người thợ của Việt Nam đã phục chế được chiếc ghế mà không cần dùng vải thay thế. Chỗ mòn rách lại mượt mà, mới tinh như chưa từng chạm vào. Việc này khiến vua Xi-ha-núc vô cùng vui mừng và khâm phục, liền ban cho mỗi người một tấm chứng chỉ cho phép qua biên giới Cao Miên lúc nào cũng được mà không cần giấy tờ gì khác.

Thì ra, đội nghệ nhân Việt, đã phát hiện ra dưới mặt ngai vàng cũng dùng loại vải bọc đó. Họ đã rút từng sợi tơ của những vùng bị mòn, dùng tơ dưới đáy ngai thay thế, và lại lấy tơ mòn ghép từng sợi lấp vào chỗ bị rút kia. Cứ thế, phần vải bị mòn đã biến thành mới nguyên một cách “kỳ diệu” trong mắt vua Xi-ha-núc.

Nghe kể, trưởng ty cảnh sát đã bội phần nể phục, liền hỏi vì sao ông Lai lại muốn qua Nam Vang. Ông Lai liền bảo rằng mình có người vợ là cháu ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, là em của trưởng ty cảnh sát Nha Trang - Phạm Phong Ngư. Vì thế, vợ ông cậy thế ức hiếp chồng, ông Lai giận nên bỏ đi.

Trưởng ty nghe thế thì muốn có thêm mối quan hệ tốt, nên chủ động gọi điện cho tiệm vàng Phú Xuân, mời bà Phạm Thị Phan Chính xuống đón chồng về. Chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai, chưa bao giờ biết mặt vợ, nhưng cũng vờ giận dỗi ra trò làm trưởng ty tin răm rắp.

"Đại gia" Trần Văn Lai thứ 3 từ trái sang khi còn hoạt động trong lòng địch - Ảnh chụp năm 1959

Cuộc điện thoại của trưởng ty cảnh sát Long An đã mở đường cho biệt động thành Trần Văn Lai vào nội thành Sài Gòn một cách trót lọt. Và với lý lịch cháu nhà quan Án sát, cộng với tấm bằng danh dự của vua Xi-ha-núc đích thân ngự bút, ông chủ tiệm vàng Phú Xuân đã lóa mắt mà nhận Lai làm rể quý. Sau, ông chủ tiệm vàng lại tìm mọi cách để đưa “cháu rể” vào làm người chủ trì trang trí cho Dinh Độc lập, hòng mong ông Lai mang lại món hời cực lớn cho mình.

Biệt động thành Trần Văn Lai trở nên thân thiết với trung tá Huỳnh Giá nhờ ông chủ tiệm vàng Phú Xuân giới thiệu. Và Huỳnh Giá đã đưa ông Lai vào Dinh Độc lập để làm nhà thầu trang trí cho dinh thự xa hoa bậc nhất này. Từ hợp đồng làm ăn đó, Trần Văn Lai đổi tên thành Mai Hồng Quế, mua nhà, sắm xe và trở thành một trong những tài phiệt giàu nhất nhì Sài Gòn.

Từ một chú bồi tiêm thuốc phiện, một anh thợ trang trí nội thất, chỉ trong một thời gian ngắn Trần Văn Lai đã lột xác thành nhà thầu khoán, quan hệ với những chức sắc có máu mặt trong quân đội chế độ cũ, và sở hữu khối tài sản “khủng” lên đến hàng ngàn cây vàng.

(Theo Motthegioi)