- Ngoài quần áo "hàng thùng", thị trường tuần qua xuất hiện thêm một khái niệm mới: thịt “bò thùng” do nguồn gốc xuất xứ nhập nhằng của nó. Cũng đừng tưởng lợn siêu nạc là ngon, vì chúng có thể được phù phép từ lợn gầy ốm.
Thịt “bò thùng”
Loại “bò thùng” này là hàng đông lạnh, có giá bán buôn chưa tới một nửa so với giá bán lẻ thịt bò tại các chợ ở TP.HCM. Cụ thể, thăn bò 105.000 đồng/kg, nạc vai 98.500 đồng/kg, nạc mông 99.000 đồng/kg, nạm 64.000 đồng/kg
Đối tượng chính tiêu thụ thịt bò đông lạnh của công ty là tiểu thương các chợ, các quán bún bò, cửa hàng beef steak... Sản phẩm hiện được tiêu thụ rất mạnh vì rẻ.
Thịt bò Ấn Độ đang được bán với giá rẻ hơn nhiều so với thịt bò "nội" bán lẻ trong nước. |
Hiện có khá nhiều đầu mối phân phối loại thịt bò giá rẻ này, giới thiệu là thịt bò Ấn Độ nhưng thực tế không phải vậy. Ấn Độ là quốc gia phần lớn cư dân thờ bò nên không ăn thịt bò, nước này cũng cấm xuất khẩu bò; do đó khó có chuyện Ấn Độ chế biến thịt bò xuất khẩu sang Việt Nam, và dù có cũng không thể rẻ đến vậy. Có hai khả năng về nguồn thịt giá rẻ đang được chào bán là "thịt bò". Thứ nhất, có thể là thịt trâu nhập từ Ấn Độ, người bán đã nhập nhằng trâu với bò. Thứ hai, có thể đó là nguồn bò Úc đông lạnh, nhập khẩu từ nhiều tháng, đến thời điểm sắp hết hạn sử dụng.
Phù phép lợn gầy thành siêu nạc
Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhiều người chăn nuôi đã sử dụng hóa chất tăng tỉ lệ nạc/mỡ. Lượng hóa chất này, dù ít hay nhiều vẫn còn đọng lại trên thịt lợn có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.
“Muốn cho lợn béo, nhanh xuất chuồng chỉ cần 1 túi chất kích thích tăng trọng lượng lợn sẽ tăng 1,5- 2 kg/ngày. Vỗ béo trong vòng 20 ngày là xuất chuồng được” một người từng nuôi lợn bằng chất kích thích tăng trọng cho biết.
Chỉ cần 1 túi chất kích thích tăng trọng lượng lợn sẽ tăng 1,5-2kg/ngày |
Chất này, giúp lợn nhanh béo, bung đùi, vai nỡ và tạo nạc cho lợn. Giá thịt lợn hiện tại khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng để phân biệt thịt lợn chứa hóa chất hay không thì rất khó cho người tiêu dùng.
Nhập lậu cả tấn sò Trung Quốc
Tuần qua, 2 vụ nhập lậu sò Trung Quốc vào nội địa đã bị các lực lượng chức năng phát hiện.
Vụ thứ nhất là đối tượng đi xe máy từ Móng Cái về Hạ Long vận chuyển 3 bao hàng có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Kiểm tra bên trong 3 bao hàng có 150 kg sò gạo (một số đã chết) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngay chiều cùng ngày, Tổ công tác lại phát hiện một nhóm đối tượng đang tập kết hàng từ Trung Quốc về Việt Nam để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Kiểm tra lô hàng này có 750 kg sò lông (một số đã chết) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trị giá hàng hóa vi phạm nói trên ước khoảng trên 225 triệu đồng.
Mỡ heo thối hô biến thành bóng bì, tóp mỡ
Sản phẩm da, tóp mỡ phân phối tại các chợ được chế biến vô cùng mất vệ sinh. Da, mỡ heo thối đổ đống trên nền nhà dơ bẩn. Mỡ heo bẩn được quăng thẳng vào chảo để rán ra mỡ nước. Bì heo hôi thối sau khi được ngâm qua đêm, cho vào máy giặt quay thành bì trắng tinh, khô ráo...
Trong căn phòng chật chội khoảng 10m2, một đống da heo bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen. Từ da cho đến mỡ heo trước khi chế biến đều không được rửa lại bằng nước sạch. Cả mỡ lẫn da sau khi cạo xong, bị vứt ngay xuống sàn nhà. Trong góc nhà, hai cái chảo lớn đun mỡ đang sôi. Khi lớp mỡ trong chảo tan dần, người ta cho “gia vị” vào khuấy đều rồi vớt tóp mỡ ra, bỏ vào hai cái máy ép đặt bên cạnh. Chỉ vài phút, những tóp mỡ rời rạc được nén lại thành từng mảng lớn..
Đũa gỗ, đũa nhựa, đũa inox... đều nguy cơ ung thư
Đũa nhựa thường được làm từ nhựa melamine và nhựa ABS. Theo các chuyên gia, dùng đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ. Nhựa melamine khi nuốt hoặc hít vào phổi hoặc bị hấp thụ qua da lâu ngày có thể gây ung thư hoặc vô sinh.
Tương tự, các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực.
Đũa inox cũng độc không kém do có thể bị pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Việc đũa được sử dụng trong môi trường axit (chua, cay, mặn, ngọt) của thức ăn, sẽ khiến lớp mạ này bị bong tróc. Các chất mạ là kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư...
Sốt nho Lào muối ớt
Mặc dù được quảng cáo là nho Lào, nhưng món ăn vặt được ngâm và trộn muối ớt này đang được rao bán phổ biến tại Hà Nội và TP.HCM lại đang được người tiêu dùng đặt dấu hỏi: Món ăn lạ này có phải xuất xứ Lào hay đến từ đâu?
Dù mới xuất hiện nhưng thu hút được khá nhiều chị em yêu thích |
Không chỉ được đóng hộp một cách thủ công, nho Lào ngâm còn được bán kèm cùng với những hộp muối ớt có màu đỏ, tất cả đều đều “trống” thông tin về sản phẩm.
Khóc ròng vì xoài 1.500 đồng/kg, muối 650 đồng/kg
Hiện tại là thời điểm thu hoạch xoài rộ ở Đồng Nai. Giá xoài nông dân Đồng Nai bán tại vườn hiện chỉ còn gần 2.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn chua chát ví von, bán 3 kg xoài mới mua nổi 1kg rau muống.Thậm chí, nhiều nhà vườn ở vùng sâu, vùng xa của huyện Định Quán không tìm được người mua đành bỏ xoài chín rục ngoài rẫy.
Tương tự như xoài, muối ở miền Trung tồn đọng, giá thấp nhất từ thời điểm đầu vụ nay lại rớt thêm còn 650 đồng/kg. Bán 1 tấn muối, diêm dân mới được 650.000 đồng, trong khi đó thuê một công thu muối mỗi ngày là 120.000 đồng. Không bù được chi phí là thực tế chung đối với hầu hết các hộ gia đình làm muối ở miền Trung.
N.A (tổng hợp)