- Cách xử lý nợ xấu hiện nay có thể phù hợp với tình trạng ngân sách và sức khỏe của ngân hàng, nhưng quá chậm, không đảm bảo. Nợ xấu cần phải giải quyết bằng tiền tươi thóc thật.

Đó là đề nghị của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân hôm 28/4.

Tiền tươi thóc thật ở đâu?

Theo TS. Thiên, điểm nút quan trọng nhất hiện nay của nền kinh tế chính là nợ xấu và nợ công. Hai điểm nút này gắn với lưu thống vốn, tiền tệ trong nền kinh tế. Đây cũng chính là điểm cốt tử của nền kinh tế.

Hiện nay, về tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố là 9,7%. Ông Thiên cho rằng, đây là thông tín đáng tin cậy, đánh giá nguy cơ nợ đối với rủi ro nền kinh tế. Cách xử lý hiện tại là khá phù hợp với tình trạng ngân sách, sức khỏe của ngân hàng, doanh nghiệp yếu, bảo đảm an toàn hệ thống, nhưng quá chậm. Công ty Quản lý nợ và tài sản tồn đọng (VAMC) lại không thể xử lý nợ xấu ngay được. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng cửa.

{keywords}
Ông Trần Đình Thiên cho rằng cần có tiền tươi thóc thật để xử lý nợ xấu (ảnh P.H)

TS. Thiên đề nghị, cần phải có biện pháp quyết liệt, triệt để để giải quyết một phần cơ bản của nợ cấu trong vòng vài năm.

Ông nhấn mạnh: “Cần giải quyết nợ xấu bằng tiền tươi thóc thật”.

Theo ông, nguồn lực tài chính sẽ lấy từ việc bán cổ phần Nhà nước và thậm chí, có thể, nếu thiếu sẽ phải tìm thêm nguồn khác. Bởi lẽ, cái giá phải trả để tự xử lý cục máu đông này là vô cùng đắt.

Ủng hộ đề xuất này của Viện trưởng Viện Kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nói: “Muốn giải quyết nợ xấu, phải có mấy trăm tỷ tiền tươi. Khi Hàn Quốc có vấn đề, lập tức, có 800 tỷ USD để giải quyết”.

Nhưng ông băn khoăn “như bây giờ, ai có thể xác định được kịch bản giải quyết nợ xấu, bất động sản?”

Chẳng hạn, tại sao trong cải cách DNNN đã cổ phần hóa mà không thấy ai đề cập con số nợ tới 1 triệu 360 ngàn tỷ mà Bộ Tài chính có nói đến? Giờ vẫn không thấy có giải pháp hiệu quả nào để giải quyết.

TS. Doanh hoài nghi, liệu có ai tin được, VAMC có giải quyết được cục nợ xấu vừa mua về được không? Bộ trưởng Bộ Tài chính có báo cáo là đã cải thiện được phần nào, nhưng thực tế, khối nợ này còn rất lớn.

“Cần phải có kịch bản rõ ràng, cải cách như thế nào? Với tốc độ hiện nay, một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ khó có thể giải quyết nợ công. Chúng ta thu ngân sách không đủ chi thường xuyên cho bộ máy này. Do đó, cần phải có bước đi hiệu quả hơn, nếu không, nợ xấu còn là câu chuyện dài dài” - TS. Doanh nói.

Tích tụ 8 năm, khó xử lý ngày một ngày hai

Tại cuộc họp báo mới đây, NHNN cho biết tính đến cuối tháng 2, nợ xấu trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng khoảng 122.000 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ 3,86%. Tuy nhiên, nếu tính cả số nợ xấu được cơ cấu theo quyết định 780 với khoảng 185.000 tỉ, nợ xấu đã lên mức 318.000 tỉ đồng, tức khoản 9,71%. 

{keywords}

Đã có ý kiến cho rằng sẽ cần từ 100 ngàn đến 150 ngàn tỷ tiền tươi thóc thật để xử lý nợ xấu.

Đến nay, VAMC đã mua được 45.000 tỉ đồng nợ xấu và đã phân loại nợ được 37.680 tỷ đồng, trong đó, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 1.400 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ đối với khách hàng là 14.000 tỷ đồng.

Hiện, đã có 35 tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC như Agribank, SHB, PGbank, VNCB, Techcombank, Maritime Bank, Liên Việt Bank, Sacombank,... trong đó, Agribank và SCB là 2 ngân hàng bán nợ nhiều nhất.

Tuy nhiên, trái ngược với lo ngại của các chuyên gia kinh tế, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại dường như có cái nhìn bình tĩnh hơn.

Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nợ xấu đã kiểm soát được, đã có nhiều cải thiện.

Theo số liệu của Ủy ban, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm từ mức 11,3% năm 2012 xuống 8,8% năm 2013. Năm 2013, chúng ta đã xử lý được 106.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó VAMC đã mua hơn 40.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã xử lý từ nguồn trích lập dự phòng đối với 66.000 tỷ đồng còn lại.

Theo ông Phước, việc giải quyết nợ xấu cần nhiều thời gian, mức sinh lời giảm làm ảnh hưởng năng lực tài chính của các ngân hàng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, đánh giá, khi đã thành lập VAMC thì chúng ta cũng phải hình dung khả năng VAMC giải quyết được bao nhiêu nợ xấu rồi. Ông cho rằng, con số nợ xấu được xử lý từ các NHTM vừa qua cho thấy cũng là khá.

Trước các nghi ngại về năng lực của VAMC, ông Kiên bày tỏ, khi nền kinh tế có dấu hiệu tích cực, thị trường chứng khoán khá lên, thị trường bất động sản khởi sắc thì nợ xấu mà VAMC mua cũng có cải thiện và như thế tốt hơn.

“Nợ xấu đã dồn lại từ 8 năm qua, mà kỳ vọng xử lý hết trong vài tháng, một năm là không được. Cũng không nên nhìn VAMC như vậy. Khi mới 4 tháng hoạt động và so với khoản nợ cần xử lý mà cho rằng hoạt động VAMC chưa hiệu quả là không nên”, ông Kiên nói.

Năm 2012, khi VAMC mới rục rịch lập đề án thành lập, cũng đã có ý kiến cho rằng sẽ cần từ 100 ngàn đến 150 ngàn tỷ tiền tươi thóc thật để xử lý nợ xấu, nhưng sau đó, NHNN đã bác bỏ thông tin này.

Phạm Huyền