- Miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người lính làm nên tuyến ống xăng dầu huyền thoại lại bắt tay vào công cuộc tìm dầu cho Tổ quốc.

Người mở đường

Trung tướng Đinh Đức Thiện, “Tư lệnh của đường ống” trong chiến tranh được cử giữ chức Bộ trưởng phụ trách dầu khí. Những cán bộ như Đại tá Phan Tử Quang, người đặc trách chỉ đạo thi công vượt “tam giác lửa”, vượt Trường Sơn,… chuyển sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, Đại tá Trần Sanh, người dẫn đầu đoàn khảo sát đầu tiên làm Viện trưởng Viện Dầu khí, ….

Tướng Thiện đi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước để tìm địa điểm xây dựng, cuối cùng xác định lấy Vũng Tàu làm nơi xây dựng hạ tầng ban đầu, đặc biệt làm cảng dầu khí.

Ông đã cùng cộng sự của mình là cựu Cục trưởng Cục Dầu khí đầu tiên, nhà khoa học Nguyễn Văn Biên tham gia khởi thảo, hiện thực hóa Hiệp định hợp tác Việt Nam và Liên Xô về thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam. Ngay sau đó, ông trực tiếp chỉ đạo dầu khí phải hướng mạnh vào thềm lục địa phía Nam.

Với bản lĩnh vị tướng, ông thể hiện tính quyết đoán, sáng tạo. Ông Nguyễn Hữu Lợi thư ký cho ông kể: Năm 1979, Tiến sĩ khoa học KaglolMuu, Bộ trưởng Bộ Địa chất Liên Xô dẫn đầu đoàn chuyên gia, các nhà khoa học Xô Viết sang Việt Nam để đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam. Cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng phụ trách Dầu khí Việt Nam và đoàn diễn ra từ 19 giờ. Phía Liên Xô cho rằng tiềm năng dầu khí Việt Nam thấp, trong khi nước bạn còn nghèo không có nguồn vốn để đầu tư vào Việt Nam.

{keywords}

Bộ trưởng Đinh Đức Thiện thị sát Vũng Tàu trước khi quyết định đặt căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp tại đây

Cuộc đàm phán khá căng thẳng, phía Việt Nam khẳng định chúng ta có đủ tiềm năng để khai thác dầu công nghiệp, đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí là đúng đắn, có lợi cho cả hai bên, còn Liên Xô giữ quan điểm sẽ không đầu tư.

Cuộc họp kéo dài đến quá nửa đêm nhưng không mang lại kết quả. Đêm đó Tướng Thiện không ngủ được. Sáng hôm sau, 4 giờ, ông ra sân bay vào Sài Gòn, chỉ thị anh em dầu khí Việt Nam cung cấp toàn bộ tài liệu cho các chuyên gia Liên Xô, đưa họ ra vùng biển Vũng Tàu và đảo Phú Quốc để họ đánh giá đúng tiềm năng dầu khí của Việt Nam.

Đồng thời ông chủ động gặp toàn bộ cán bộ chủ chốt của đoàn thuyết phục họ. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp, sau một tuần nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tế, đoàn đã thống nhất bằng văn bản: Tiềm năng khai thác dầu khí tại Việt Nam là rất khả quan để Chính phủ Liên Xô để tiếp tục thực hiện đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Giao, nguyên Tổng giám đốc Vietsopetro khẳng định: Tướng Đinh Đức Thiện là người đặt nền móng cho ngành dầu khí, có công lớn trong thành lập nên liên doanh Vietsopetro.

Ông cho rằng, ngành Dầu khí muốn phát triển thì việc đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết vì vậy cần có trường đào tạo chuyên ngành dầu khí… Mặt khác ông tìm kiếm, xây dựng một đội ngũ chuyên gia hàng đầu cho ngành dầu khí. Họ được mời gọi từ khắp mọi nơi trong cả nước. Ông còn tìm cách đưa từ quân đội sang những sĩ quan năng động nhất. Những cán bộ nhiều kinh nghiệm trong khoa học kỹ thuật cũng như thực tiễn cuộc sống này đã đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ khó khăn nhất của ngành Dầu khí. Ông còn xin Bộ Quốc phòng chi viện cho ngành cả một binh đoàn lên gần 2 vạn người.

Binh đoàn dầu khí

Địa điểm được chọn xây dựng cảng dầu khí là một rừng sú vẹt và đầm lầy rộng mênh mông. Nhìn hiện trạng đó, chưa ai hình dung ra bằng cách nào, bằng phương tiện nào, nhất là lực lượng nào để có thể giải phóng mặt bằng rộng lớn và phức tạp ấy.

Các công ty bên dân sự chào thua vì không đủ nhân lực và máy móc. Tướng Thiện đã yêu cầu Bộ Quốc phòng trợ giúp. Thế là một cuộc tuyển quân rầm rộ lập tức được thực hiện. Sư đoàn 318 của Quân khu 4, đang ở Nghệ An được lệnh chuyển vào Vũng Tàu để xây dựng căn cứ dầu khí. Sư đoàn 336 đang làm nhiệm vụ ở bên nước bạn Lào cũng được lệnh chuyển về.

{keywords}

Tương tự, Trung đoàn 526 (trung đoàn vận tải trực thuộc Bộ Quốc phòng), Trung đoàn 693 (Bộ đội Biên phòng) ở Tây Ninh giáp biên giới với Campuchia, Bệnh viện 264 (cấp trung đoàn) và một số tiểu đoàn độc lập lần lượt được điều về Vũng Tàu.

Tất cả hợp lại dưới một cái tên mới: Binh đoàn 318 Dầu khí (Binh đoàn 318). Bộ Quốc phòng quản lý quân số, con người, còn nghiệp vụ thì do Tổng cục Dầu khí chỉ đạo.

Mùa hè năm 1979, các đơn vị của Binh đoàn bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ. Những ngày đầu công cụ lao động vẫn là xẻng ngắn, cuốc chim... vốn để người lính đào hầm, đào hào.

Tại khu vực xây dựng bến cảng vòng xoáy của sông Dinh tạo thành túi bùn. Nhưng không ai có thể ngờ túi bùn ấy lại lớn đến thế và có tác hại thật ghê gớm. Nhiều chỗ bùn lầy quá sâu, lúc làm móng phải nối cọc thì mới đủ độ dài cần thiết. Vào mùa mưa dông, có khi mưa xối xả đến mấy ngày, cát dưới đáy biển vận động mạnh, hàng cọc đã đóng xuống bị sức mạnh của thiên nhiên xô lệch hẳn, rồi đất lún khủng khiếp, bao nhiêu đất đổ xuống cũng bị hao hụt dần, thế là lại công dã tràng.

Sau đó, bằng các biện pháp kỹ thuật, binh đoàn đã khắc phục được các khó khăn, như vậy việc san nền mới xong. Đến cuối năm 1983, bãi sú vẹt đã được dọn sạch, một phần của cảng cũng đã hoàn tất việc san lấp mặt bằng.

Tháng 11/1983, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập Liên hiệp Xây lắp Dầu khí trên cơ sở các đơn vị của Binh đoàn 318 Dầu khí, tiền thân của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Thanh Lê