- Thị trường chứng khoán mất hơn 3 tỷ USD trong phiên giao dịch lịch sử “trắng bên mua” 8/5 đã khiến giới đầu tư chia rẽ dữ dội trong việc đưa ra các ý kiến đánh giá xu hướng thị trường thời gian tới.
Kẻ bi quan, người hồi hộp
Đúng như lo ngại của nhiều NĐT từ đầu phiên giao dịch 8/5, tới cuối phiên TTCK đã chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử với hơn 3 tỷ USD đã bị thổi bay trên cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. VN-Index rớt 32,88 điểm (-5,87%) xuống 527,09 còn HNX-Index cũng mất tới 4,9 điểm (-6,4%) xuống còn 71,66 điểm.
Phiên giảm điểm này mạnh hơn bất cứ phiên giao dịch nào khác trong lịch sử với lý do được nhiều NĐT và chuyên gia cho rằng là ảnh hưởng của những thông tin về căng thẳng địa chính trị trên khu vực biển Đông mà cụ thể là Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) di chuyển giàn khoản tỷ đô HD-981 cùng với hàng loạt tàu thuyền, máy bay tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Anh Hưng (ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch CTCK SSI) có lẽ nói đúng. Cái gì cũng có cách giải quyết, xung quanh chúng ta còn cộng đồng quốc tế, Liên hiệp quốc rồi còn lẽ phải nữa chứ. Mọi NĐT có lẽ đã đã hoảng loạn quá mức cần thiết”, một NĐT chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán.
Nhiều người cho rằng, tình hình hiện tại không đáng để các NĐT tháo chạy và TTCK bốc hơi hàng tỷ USD.
“Chỉ vì như vậy mà giẫm đạp chạy sao? Vẫn các cổ phiếu đấy trước đây tranh nhau mua, sao giờ lại bán tống bán tháo, trong khi khối ngoại vẫn đang mua vào. Chỉ béo cho mấy anh nước ngoài mua được hàng rẻ”, ông Thành - một NĐT tại Thanh Xuân, đánh giá.
Nhiều NĐT cũng nhận định tích cực và đã bắt đáy mua ngay với giá sàn hàng loạt cổ phiếu trong phiên giao dịch 8/5. Họ kỳ vọng xu hướng hồi phục của TTCK vẫn tiếp diễn, đợt giảm trong vài tuần gần đây cùng với cú “tháo chạy” ngày 8/5 chỉ là những điều chỉnh cần thiết cho các đợt tăng giá mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, 8/5 là ngày mà rất nhiều NĐT rơi vào tình trạng hoảng sợ, bán toàn bộ cổ phiếu trong tài khoản chứng khoán của mình. Tình trạng “trắng bên mua” như phiên hôm qua nhiều năm rồi chưa thấy. Đây là lý do khiến không ít NĐT cho rằng khả năng hồi phục trong thời gian tới khó đoán định.
Thậm chí, một số NĐT quá bi quan còn cho rằng, thông tin căng thẳng nói trên chỉ là giọt nước tràn ly. Thị trường đã giảm trong nhiều tuần qua sau một thời gian tăng khá nhanh đầu năm. DN hiện vẫn còn nhiều “vấn đề”, còn thị trường thì nguồn cung quá nhiều, chất lượng hàng hóa chưa thực sự tốt. Vụ bầu Kiên đưa ra xét xử lần 1 (rồi hoãn) vừa qua cũng khiến TTCK bay hơi mất 2,5 tỷ USD. Sắp tới vụ bầu Kiên được đưa ra xử tiếp (20/5) cũng là điều mà nhiều người lo ngại.
Các chuyên gia nghĩ sao?
So các NĐT cá nhân, các CTCK nhìn nhận thị trường một cách bình tĩnh và thận trọng hơn.
Ông Nguyễn Duy Hưng chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, nhiều NĐT đã hoảng loạn quá mức cần thiết và coi đây là một cơ hội để lựa chọn danh mục đầu tư. Ông Hưng tiếp tục đánh giá 2014 vẫn là năm tốt cho TTCK.
Nhiều CTCK cho rằng, với đợt giảm giá vừa qua, nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyên chờ tâm lý thị trường ổn định trở lại.
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) nhận xét sức mua khá mạnh trong phiên 8/5 đã phần nào giúp trấn tĩnh tâm lý hoảng loạn chung trên thị trường và nếu tình hình trên biển Đông không có thêm diễn biễn mới căng thẳng thì ảnh hưởng của nó lên TTCK sẽ giảm bớt trong các phiên giao dịch sắp tới.
Chứng khoán IVS đánh giá “sự kiện 8/5” đã khiến tài khoản của nhiều NĐT vi phạm tỷ lệ an toàn tài chính và bị buộc phải bán ra. Những lệnh bán giá sàn này cần phải có thêm một vài phiên như 8/5 để hấp thụ hết trước khi trở nên cân bằng. Những mất mát vừa qua khó có thể kỳ vọng gì trong ngắn hạn.
Chứng khoán Kim Long (KLS) - một CTCK có kết quả kinh doanh rất tốt trong quý I/2014 - thậm chí còn cho rằng, hầu hết các chỉ báo đều cho thấy tín hiệu tiêu cực và dự báo có thể tiếp tục giảm điểm trong phiên 9/5.
Saigonbank Berjaya (SBBS) nhận định các chỉ số có thể phục hồi trong những ngày tới nhưng hệ quả của phiên 8/5 là nghiêm trọng. Dòng tiền bắt đáy đã diễn ra nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với dòng tiền chảy vào thị trường cách đây vài tháng.
Một số NĐT khác như BSI, FPTS... cho rằng đây là cơ hội để tích lũy giá thấp, mua gom từng phần tùy khả năng chịu rủi ro.
Trên thực tế, trên thị trường vẫn còn rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước đang chờ cơ hội để rót tiền vào các cổ phiếu tốt sau một thời gian các chỉ số chứng khoán tăng quá nhanh và khó mua. Nhiều NĐT cá nhân cũng luôn sẵn sàng chớp cơ hội để thay thế cho các kênh đầu tư đang kém hấp dẫn khác như vàng, gửi tiết kiệm, BĐS...
Mặc dù vậy, trên TTCK mỗi người có một khẩu vị và cách chơi riêng. Thị trường giảm mạnh thì sẽ tăng mạnh và ngược lại. Vấn đề mấu chốt vẫn là sức mạnh nội tại của các DN và tác động của các tin xấu đến các DN ra sao, trong ngắn và dài hạn. Còn trên thị trường, bản thân nó có xu hướng riêng của mình dựa trên dòng tiền, cung cầu thực sự. Các DN hoạt động tốt, hàng hóa trên thị trường tốt, dòng tiền trong nước tốt và dòng tiền đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào nếu được đúng như dự báo thì việc các chỉ số tăng trở lại là điều bình thường.
Huấn Tú