Ở Sài Gòn có những khu phố mà nếu ở đó bạn có cảm giác như lạc vào một khu phố nào đó ở Hàn Quốc hay Nhật Bản. Oái oăm ở chỗ, cả khu phố đầy rẫy biển hàng, bảng hiệu nhưng không có một chữ tiếng Việt nào! Và bạn, nếu không thạo ngoại ngữ, sẽ lóng nga lóng ngóng như ở phương trời nào đó chứ không phải quê hương mình…

Ngập tràn bảng hiệu “quên tiếng Việt”

Việc biển quảng cáo tiếng nước ngoài sai quy định tại TPHCM đã diễn ra trong nhiều năm qua. Điều đáng nói những cơ sở này lại nằm trong các khu phố thuộc các quận trung tâm của TPHCM, nơi nằm dưới sự quản lý rất gắt gao của các cơ quan hữu trách. Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (phường Tân Phong, quận 7) nơi có những “khu phố quốc tế” với phần đông là những cư dân đến từ các nước đông bắc Á như Nhật Bản , Hàn Quốc, Trung Quốc, việc đi tìm một bảng hiệu nào đó có đầy đủ chữ Việt, đúng quy định khó như “tìm kim đáy bể”.

{keywords}
Một chuỗi cửa hàng Hàn Quốc – chữ “Bánh gạo Hàn Quốc” tuy nằm trên nhưng bé hơn rất nhiều so với dòng chữ Hàn Quốc phía dưới.

Tại đây, các bảng hiệu từ siêu thị, nhà hàng, quán cà phê hay thậm chí là những tiệm chăm sóc sức khỏe cho động vật cũng toàn là tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật… Nếu du khách đi vào những khu vực này, nhìn những bảng hiệu kia có lẽ cứ ngỡ như đang sống trong một khu phố ở nước ngoài nào đó chứ không phải là đang ở quận 7, TPHCM của Việt Nam. Và, nếu bạn không có một chút kiến thức về những thứ tiếng hiện diện trên những tấm bảng hiệu đầy sắc màu kia, bạn chẳng thể đoán được những biển hiệu thể hiện nội dung gì.

{keywords}
Thực đơn trong một nhà hàng được in bởi toàn chữ ngoại – nhân viên nhà hàng giải thích tại đây chuyên bán thức ăn Hàn Quốc nên nhà hàng phải in thực đơn như vậy thì khách Hàn mới biết mà ghé vào (!?).

Đồng quan điểm, chị Hương - một người dân sống lâu năm tại đây cho biết: “Khi đi qua những nơi này, tôi cứ nghĩ như mình đang ở một khu phố ở Hàn Quốc hay khu của người Nhật nào đó. Những bảng hiệu kia chỉ để tiếng Hàn, tiếng Nhật, không có chữ quốc ngữ của Việt Nam nên tôi đành “bó tay”, chỉ biết nhìn người ta bán thứ gì mà… suy đoán. Nói đoạn, chị than thở: “Ngay trên đất của người Việt mình mà chữ ngoại đã lấn sân đến cỡ như vậy thì không biết mai sau con cháu mình lớn lên, nó có ý thức được cần phải học chữ Việt nữa không hay nó chỉ biết học chữ Hàn, chữ Nhật để đọc được những tấm bảng hiệu này”.

Ở những “khu phố quốc tế” này, không chỉ quán ăn, nhà hàng mới vi phạm luật quảng cáo mà ngay cả trung tâm ngoại ngữ, phòng vé máy bay, siêu thị… cũng vậy. Những vi phạm thường gặp nhất về bảng hiệu quảng cáo tại đây là dùng chữ nước ngoài sai quy định, chữ nước ngoài lớn hơn chữ Việt Nam hoặc không thể hiện tiếng Việt lên bảng hiệu.

Thông thường, vi phạm hay gặp nhất vẫn là không ghi chữ Việt lên bảng quảng cáo ở các cơ sở kinh doanh nhỏ như nhà hàng, quán cà phê. Tại các siêu thị hay quán ăn lớn, chữ Việt vẫn có thể hiện nhưng ở những vị trí rất “khiêm tốn”, người đọc gần như không nhận ra. Không chỉ có vậy, tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, các quy định lại càng bị phớt lờ một cách rất “vô tư” khi nhìn lên tấm bảng hiệu quảng cáo, người ta chẳng thấy bất kỳ một chữ tiếng Việt nào “hiện diện”.

{keywords}
Trên một con đường chính tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, những bảng hiệu quảng cáo không có một chữ tiếng Việt.

Nhiều người Việt đã phải thốt lên rằng: “Tại những khu phố này, chữ Việt đã bị “biến mất” cùng với quá trình hội nhập quốc tế. Phải chăng đây là một sai sót hay là một sự quảng bá quá “lố” của những người ngoại quốc kia?”.

Đi tìm căn nguyên

Mặc dù luật quảng cáo đã quy định: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không vượt quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

Quy định là vậy, không riêng gì quận 7 mà tại khu “phố Tây” trên đường Bùi Viện (quận 1) – nơi cũng được xem là khu ăn chơi “đa quốc tịch” trứ danh của Sài Gòn xưa và TPHCM hiện nay, những tấm biển hiệu quảng cáo lại càng làm cho những ai yêu và tự hào về tiếng Việt càng thêm nhức mắt, đau đầu. Trên các bảng hiệu quảng cáo tại đây, chữ Việt bị biến mất hoàn toàn. Có chăng đi nữa thì lẻ tẻ vài tấm biển của các công ty nhà nước là đúng luật, còn lại chi chít những tấm bảng hiệu với dòng chữ tiếng nước ngoài nổi bật đầy màu sắc ấn tượng với những dòng chữ ngoại quốc to tướng.

Tại một số nhà hàng, do đặc thù các món ăn không thể dịch ra tiếng nước ngoài nên chủ nhân cho ghi tiếng Việt lên. Tuy nhiên, các món ăn đặc thù đó nằm khép mình bên cạnh những chữ nước ngoài được dịch ra một cách tùy hứng, sai chính tả.

{keywords}
Tiệm massage chân này chắc chỉ dành cho người Hàn Quốc chứ không dành cho người Việt, vì khi nhìn vào, khó ai biết ở đây người ta massage chân.

Chỉ trong đoạn đường ngắn khoảng 100m trên đường Bùi Viện, chúng tôi đã đếm được ít nhất 6 cửa hàng không đưa tiếng Việt vào nội dung bảng quảng cáo. Hỏi thẳng một chủ nhà hàng về vấn đề trên, anh ta thổ lộ: “Đa phần khách ghé vào nhà hàng của tôi đều là các du khách nước ngoài nên bây giờ chúng tôi không trương tiếng nước ngoài ra thì họ biết chúng tôi bán thứ gì mà ghé vào. Anh biết rồi đó, tiền thuê mặt bằng tại đây cao nhất xứ, nếu chúng tôi cứ làm đúng theo luật thì chẳng thể bù được chi phí kinh doanh. Chưa kể, xung quanh nhà hàng của tôi toàn là những bảng hiệu quảng cáo đầy ắp tiếng nước ngoài, trang trí bắt mắt, nhạc ngoại xập xình để hút khách thì chúng tôi làm sao cạnh tranh lại nếu vẫn khư khư những dòng chữ tiếng Việt vốn hoàn toàn xa lạ với du khách quốc tế?”.

{keywords}

Một tiệm làm móng tay toàn tiếng Hàn, tiếng Anh – nếu không có chút kiến thức ngoại ngữ thì khó ai biết tại đây người ta làm gì, kinh doanh cái gì.

Nói vậy, có lẽ chủ nhân của những tấm bảng quảng cáo kia thừa biết là đã phạm luật nhưng vì lợi nhuận nên họ bất chấp, chạy đua theo tâm lý chung của các cơ sở xung quanh. Anh Hiếu - một hướng dẫn viên đang làm việc cho một công ty du lịch lớn tại TPHCM nói: “Bản thân tấm bảng hiệu quảng cáo biểu hiện nét văn hóa của dân tộc. Tôi đi nhiều nước thấy rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng người ta vẫn ghi chữ nước mình rất trang trọng trên tấm bảng quảng cáo ở các siêu thị, nhà hàng. Theo giải thích của họ, điều đó có rất nhiều cái lợi trong việc quảng bá thương hiệu mang đặc thù quốc gia.

Ở Bangkok chẳng hạn, nước đó có lượng du khách ghé thăm cao hơn chúng ta rất nhiều nhưng họ không bao giờ đưa chữ nước ngoài to hơn chữ Thái. Đơn giản vì họ có lòng tự tôn dân tộc và muốn cho du khách biết lòng tự tôn đó để tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc họ - hoàn toàn khác với cách nhận thức của người Việt chúng ta. Trên các con phố du lịch sầm uất của Bangkok, không thiếu những dòng chữ của nước ngoài hiện diện nhưng không có bảng hiệu nào bị chữ ngoại lấn át, họ ý thức được mình hòa nhập cái gì và giữ lại cái gì. Tóm lược lại, họ hòa nhập chứ không hòa tan như chúng ta đang làm”.

Tại TP.Đà Nẵng, ngày 11.4 vừa qua, Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với 3 đơn vị treo biển hiệu tiếng Trung Quốc. Hành động này nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ người dân thành phố và dư luận trước nguy cơ đường biển quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn biến thành phố Tàu. Nếu không xử phạt quyết liệt, biết đâu sau này tại TPHCM sẽ có phố Hàn, phố Nhật, phố Hoa…

Theo Lao Động