"Nếu đúng Mead Johnson, Abbott lách luật giảm trọng lượng, thay bao bì mới cho dòng sữa cũ để tăng giá thì đây là hành vi gian lận thương mại...".

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá giá Bộ Công thương cho biết như trên.

Trong khi người tiêu dùng chưa kịp mừng vì quy định áp giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thì ngay lập tức, một số doanh nghiệp sữa lớn như Abbott, Mead Johnson đã dùng mọi chiêu trò nhằm lách luật, tăng giá sữa. Chiêu trò của doanh nghiệp sữa này là giữ giá nhưng giảm trọng lượng, thay đổi bao bì mới hoặc thông báo sản phẩm cũ hết hàng chỉ bán dòng sản phẩm mới khác loại với giá cao hơn.

Cụ thể, tại hãng sữa Mead Johnson các sản phẩm Enfamil A+ và Enfagrow A+ sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus. Các sản phẩm mới bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g. Đơn cử như sản phẩm sữa Enfamil A+1 bán 555.000 đồng/lon 900g thì sản phẩm mới là Enfamil A+ 360* Brain Plus bán 605.000 đồng/lon.

{keywords}

Hãng sữa Mead Johnson sẽ ngưng sản xuất dòng sản phẩm Enfagrow A+ này, thay vào đó là dòng sản phẩm Enfagrow A+ 360* Brain Plus.

Trong khi đó sữa Pediasure của Abbott loại 900g giá 580.000 đồng, mức giá này vẫn giữ nguyên như cũ nhưng trọng lượng hộp sữa chỉ còn 850g?.

Đáng chú ý, trước thời điểm Chính phủ thông qua quy định áp trên giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A, nhà phân phối độc quyền các sản phẩm sữa Abbott (Hoa Kỳ) lại gửi văn bản đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đề nghị được áp dụng giá bán mới với mức tăng khoảng 5% từ ngày 9/5 như mức đã kê khai điều chỉnh trước đó.

Điều đáng nói, việc Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A có văn bản xin tăng giá sữa tại thời điểm, khi mà Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế và giá tại 5 doanh nghiệp sữa có thị phần lớn nhất cả nước, trong đó có Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A.

Kết quả thanh kiểm tra đã chỉ rõ, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A đã chi quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị vượt mức quy định 69 tỷ đồng, kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.

Trở lại câu chuyện áp trần giá sữa, thực tế áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được cho rằng đã từng thất bại năm 2008 cùng với chiêu trò đối phó của doanh nghiệp sữa. Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quan, cụ thể từng khía cạnh về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Công thương (Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam).

{keywords}

Ông Nguyễn Tiến Thỏa nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Công thương (Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam

- Là người làm trong ngành, theo ông tại sao thời điểm 2008 vấn đề áp trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đưa ra nhưng lại thất bại?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thực ra không phải năm 2008 thất bại áp trần mặt hàng sữa cho trẻ em. Ngay từ khi có pháp lệnh giá thì sữa được quy định là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá (BOG) và trong các biện pháp BOG thì có quy định giá tối đa khi cần thiết. Nhưng từ khi có pháp lệnh giá đến trước khi Luật Giá ra đời, chúng ta chưa đặt vấn đề quy định giá tối đa đối với sữa.

Vì vậy tại Thông tư số 104/2008 ngày 13/11/2008 đã quy định: Nếu trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động thì nhà nước áp dụng biện pháp BOG đối với mặt hàng này. Nhưng thực tế từ thời gian đó giá sữa chưa bao giờ tăng tới mức này mà chỉ tăng từ 5% - 10% thì doanh nghiệp đã điều chỉnh giá.

Do vậy các biện pháp áp dụng trong thời gian 2008 chủ yếu là kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm soát đăng ký giá của doanh nghiệp. Thực tế giá thị trường biến động 5% - 10% thì chưa phải biến động bất thường theo quy định của pháp luật (20%) để áp giá tối đa.

- Nhiều ý kiến cho rằng không nên áp giá trần theo một mức giá mà nhà nước đặt ra mà nên là áp mức giá trần dựa trên công thức cộng với chi phí sản xuất, cộng với lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp sữa như vậy với kiểm soát được, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Đã áp dụng biện pháp quy định giá trần thì dù là cách tính nào, mức là bao nhiêu vẫn phải do nhà nước áp đặt. Để áp được mức giá trần có rất nhiều phương pháp lựa chọn ấn định mức giá như: Phương pháp chi phí, phương pháp so sánh thị trường, phương pháp hệ số ( hệ số giữa sản phẩm chuẩn và sản phẩm ngoài chuẩn về hệ số giá, hệ số chi phí, hệ số chất lượng).

Dù tính theo phương pháp nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường đã được quy định tại Luật Giá, doanh nghiệp vẫn phải hoạt động bình thường, người tiêu dùng được đáp ứng nhu cầu đầy đủ với mức giá hợp lý.

Tôi cho rằng, phương pháp thích hợp đối với thị trường sữa có tính đa dạng chủng loại, đa dạng mặt hàng hiện nay thì phương pháp chủ đạo là: Bảo đảm chi phí sản xuất kinh doanh được tính đúng, tính đủ cộng với một tỷ lệ lợi nhuận phù hợp với lợi nhuận bình quân của nền kinh tế đảm bảo doanh nghiệp trang trải được quỹ và có phần tái đầu tư. Có thể coi đây là phương pháp khống chế lợi nhuận, từ phương pháp chủ đạo đó, kết hợp với phương pháp hệ số để xây dựng giá cho các mặt hàng sữa.

- Việc tính chi phí sản xuất, tính lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp không dễ, đặc biệt sữa trẻ em đều sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp sữa thường dựa vào đây để đẩy giá sữa lên, vậy theo ông làm thế nào để biết được chi phí này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc tính chi phí sản xuất, lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp sữa không phải chúng ta không làm được vì trước hết điều kiện về nguồn nguyên liệu chúng ta có. Như tham chiếu từ giá sữa nhập khẩu của Hải quan, sổ sách hạch toán của doanh nghiệp theo pháp luật kế toán, kết quả kiểm tra số liệu của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế, kiểm toán.

Thứ hai là chúng ta có chế độ chính sách của nhà nước quy định để đối chiếu với các khoản chi của doanh nghiệp như: Tiền lương, khấu hao tài sản cố định, chi phí quảng cáo, quản lý…Đồng thời chúng ta cũng có phương pháp tính giá thống nhất do nhà nước quy định.

Nếu như thị trường sữa hoạt động bình thường, chúng ta làm tốt việc kiểm soát chi phí sản xuất của doanh nghiệp thì sẽ giảm thiểu được những bất ổn của nó. Tuy nhiên thị trường sữa hiện nay có những biến động bất ngờ không chỉ do biến động về chi phí sản xuất gây ra như: Cấu trúc thị trường (cạnh tranh hạn chế: Do sự liên kết theo chiều dọc từ khâu nhập khẩu đến tiêu dùng có tính độc quyền tập chung vào một số mặt hàng tạo nên sức mạnh về giá). Tâm lý và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng, thông tin về thị trường sữa đã thiếu nhưng lại hỗn loạn, kém minh bạch thậm chí có những trường hợp thiếu trung thực.

Tất cả những yếu tố này được doanh nghiệp lợi dụng, khai thác triệt để nhằm thu lợi cho mình.

Vì vậy để trị “căn bệnh” bất ổn của thị trường sữa dành cho trẻ em phải có cả biện pháp trước mắt và lâu dài. Một mặt vẫn phải kiểm soát chi phí sản xuất thông qua biện pháp đăng ký giá, kê khai giá nhưng phải cấu trúc lại thị trường tăng nhanh hơn tính cạnh tranh đẩy mạnh nguồn cung sữa trong nước giảm mạnh phụ thuộc vào nhập khẩu, thay đổi tâm lý thói quen tiêu dùng gắn với sự vươn lên của sữa nội , minh bạch thông tin thông qua việc công khai thông tin giá nhập khẩu sữa, công khai thông tin giá bán sữa trên thị trường, công khai thông tin về chủng loại, chất lượng sữa (có kiểm soát của cơ quan chức năng) để người tiêu dùng có điều kiện đánh giá lựa chọn.

- Trong khi việc áp trần giá sữa chưa được thực hiện doanh nghiệp sữa đã tìm cách lách luật như không giảm giá nhưng giám trọng lượng, thay bao bì mới cho dòng sữa cũ để tăng giá (trường hợp cụ thể như Mead Johnson và Abbott). Theo ông việc làm này của các doanh nghiệp sữa liệu có vi phạm quy định của pháp luật và làm sao để xử lý vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Những hiện tượng dư luận phản ánh phải được kiểm tra và có kết luận cụ thể chứ không thể nói chung chung được. Nhưng nếu đúng như vậy thì đó là hành vi gian lận thương mại do không thực hiện đúng mức giá gắn với đơn vị trọng lượng tình giá mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn luật giá.

Hành vi vi phạm đó đương nhiên phải bị xử lý theo quy định tại các văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và lĩnh vực thương mại.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo GDVN