Với việc đưa giàn khoan cùng tàu cả dân sự và quân sự vào vùng biển quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, rồi còn hung hăng đâm vào tàu chấp pháp của Việt Nam với sự yểm trợ của máy bay, gây hư tàu và thương tích cho gần 10 cán bộ kiểm ngư của Việt Nam, Trung Quốc thực sự đã “đổ thêm dầu” đốt cháy các nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông.

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở biển Đông là 7 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở biển Đông khoảng 213 tỉ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỉ thùng. Với trữ lượng này thì sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm trong vòng 15-20 năm.

Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng băng cháy (khí hydrat metan đóng băng). Trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo. Rõ ràng dầu khí đã trở thành động lực để Trung Quốc giương một mũi tên bắn hai đích - kinh tế và chủ quyền biển.

Trung Quốc là quốc gia tham gia ký kết Công ước luật biển 1982, lại là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nên họ phải gương mẫu tuân thủ các quy định của công ước, cũng như phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Chưa nói đến việc khai thác dầu có ảnh hưởng gì đến các mỏ dầu khác của Việt Nam hay không, mà việc tìm kiếm, thăm dò và tiến tới khai thác dầu ở khu vực nước sâu này chính là khai thác “tranh” mỏ dầu khí của Việt Nam. Đây là một hành động vào nhà người khác lấy đồ rồi!

{keywords}

Giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam

Để giải quyết sự việc và ngăn ngừa không để tái diễn những hành động tương tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam kiên định giải pháp hòa bình, nhưng không nên từ bỏ quyền tự vệ chính đáng theo quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc. Việt Nam nên có thư chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc và lưu hành như một văn bản pháp lý theo tập quán luật pháp quốc tế. Vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong biển Đông là vấn đề phức tạp và dài lâu, đối tác tranh chấp chủ quyền nham hiểm, tính toán kỹ, liều lĩnh và muốn đặt ta “việc đã rồi”. Cho nên, cùng với việc chúng ta tiếp tục kiên trì và kiềm chế, cần sớm đưa sự việc này ra Trọng tài Pháp lý quốc tế. Thậm chí nhân dịp này nên xem xét toàn diện quan hệ không chỉ trên biển, mà cả quan hệ kinh tế chung nữa để chủ động tránh sự “xâm lược về kinh tế” đã manh nha. Cần biến thách thức thành cơ hội bằng cách tăng cường liên kết, hợp tác với các nước khác trong khu vực và trên thế giới để giải quyết vấn đề biển và kinh tế đất nước trong dài hạn.

Ngoài ra, các lực lượng chấp pháp và ngư dân ta cần tiếp tục bám biển thực hiện các hoạt động kiểm soát và sản xuất như thường lệ ở những vùng biển và trên những ngư trường truyền thống bao đời nay, đặc biệt đối với vùng biển của ta có giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nếu họ muốn bảo vệ danh dự của một nước lớn.

(Theo TBKTSG)