Anh Nguyễn Thiện Tâm (An Giang) đã tìm ra cách bảo quản lúa giống dưới lòng sông. Lúa được ngâm trong nước đến 24 tháng, khi đem lên gieo vẫn có độ nẩy mầm đạt 95-99%.

Lâu nay, nông dân miền Tây vẫn trữ lúa giống trong bao, để ở nhà kho chờ đến vụ đem đi ngâm ủ, gieo sạ. Kiểu bảo quản này thường khó tránh tác động của nhiệt độ và xâm nhập của mối, mọt làm lúa không đạt độ nẩy nầm theo ý muốn. Cũng vì thế, anh Nguyễn Thiện Tâm, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn – An Giang đã nảy ý tưởng cất giữ lúa giống dưới lòng sông để tránh mối mọt, đem lại độ nẩy mầm cao.

{keywords}

Sáng kiến đưa lúa giống ngâm trữ dưới nước từ 12 đến 24 tháng của anh Tâm giúp lúa đảm bảo độ nẩy mầm cao khi xuất bán ra thị trường.

"Việc trữ lúa giống trong kho bãi gặp nhiều khó khăn, vì vừa phải tốn tiền mặt bằng, đầu tư kho trữ, thuê nhân công, phải xử lý thuốc chống mối mọt và theo dõi nhiệt độ trong kho... Tính ra chi phí bảo quản lúa giống trong kho rất tốn kém mà chỉ được 8-12 tháng là tối đa", anh Tâm chia sẻ.

Giữa năm 2007, tình cờ khi đi ngoài đồng theo dõi nhân công làm đất chuẩn bị trồng lúa giống vụ đông xuân, anh thấy những hạt lúa cỏ nằm trong đất chịu 3 tháng nước lũ mà khi đem lên bờ chỉ sau 1 tuần cây lúa lại nẩy mầm phát triển tươi tốt. Từ đó, anh bắt đầu nghĩ đến việc đưa lúa giống xuống sông để bảo quản. Đầu năm 2008, anh bắt tay vào thử nghiệm, đưa lúa giống ngâm trữ dưới nước bằng hệ thống bao chống ngấm.

{keywords}

Sau thời gian cất giữ cố định một nhiệt độ ở dưới nước, khi đến vụ anh Tâm mang lúa lên bờ để bán cho nông dân

Do ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh mua bao nylon loại lớn (giống như các loại bao đựng phân bón), cho lúa giống vào đầy bao, buột chặt miệng lại, rồi bỏ tiếp vào bao đựng lúa như nhiều nông dân vẫn làm. Qua 3 tháng giữ lúa dưới dòng sông, đem lên kiểm tra, anh thấy hạt lúa trong bao vẫn chưa đạt theo ý muốn nên tiếp tục mày mò.

May mắn được đi dự lớp tập huấn tại Viện lúa ĐBSCL, thấy PGS.TS Dương Văn Chín hướng dẫn cách bảo quản lúa giống dưới sông như mình, nhưng cho vào túi nylon buộc miệng kín và hút hết chân không. Anh về mua túi nylon loại dầy, cũng cho lúa vào và hút hết chân không, sau đó dập miệng bao. Phía bên ngoài anh Tâm dùng loại bao đựng lúa dày hơn so với thông thường, để chịu được nước và chống rong đeo bám. Bằng cách này, lúa được ngâm trong nước đến 24 tháng, khi đem lên vẫn có độ nẩy mầm đạt 95-99%.

{keywords}

Theo cách trữ lúa dưới sông của anh Tâm, lúa giống cho vào bao rồi đóng vào thùng sắt, sau đó nhấn chìm trong nước, càng sâu thì khi lấy lúa lên đem đi gieo sạ độ nẩy mầm sẽ đạt càng cao. Trong ảnh là thùng để ngâm trữ lúa giống. Với chiều ngang 1m, cao 1m, thùng này có thể chứa một tấn lúa.

Đã có cách bảo quản được lúa giống dưới nước, giữa năm 2009, anh Tâm lại cho làm những lồng sắt bằng lưới B40 rồi cho các bao lúa sau khi được hút hết chân không vào, sau đó mới thả xuống nước. Không chỉ vậy, anh còn tiến hành đào hầm (khoảng 500m2, sâu 8m) dưới sông, để có thể trữ hàng trăm tấn lúa giống.

Anh Tâm nói, lúa giống khi đóng vào thùng sắt thì nhấn chìm trong nước, độ sâu từ 4-5m là tối ưu. Với cách làm này, anh Tâm có thể trữ lúa được 24 tháng và không bị thấm nước. Theo anh Tâm, cách trữ lúa giống dưới nước ở cố định một nhiệt độ thì khi đưa lúa lên bờ, hạt lúa vẫn đảm bảo độ nẩy mầm cao. Còn trữ lúa trong kho, nhiệt độ thay đổi liên tục, làm lúa giống giảm tỷ lệ nẩy mầm.

Xuất thân từ nhà nông "nòi", quê gốc của anh Tâm ở quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Năm 1990, anh lên Tri Tôn – An Giang lập nghiệp, và được Nhà nước cấp 1ha đất do có công khai hoang phục hóa. Nhờ tính cần cù chịu khó, đến nay gia đình anh đã sở hữu trên 40 ha chuyên sản xuất lúa giống để cung cấp cho thị trường cả ĐBSCL. Mỗi năm lượng giống anh cung cấp cho thị trường lên đến gần 5.000 tấn với hơn 300 bộ giống.

Theo Zing