- Để đạt mục tiêu quốc gia là giảm khoảng 8% tỷ lệ hút thuốc lá trong vòng 8 năm (từ 2012-2020), Bộ Y tế đề xuất mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm thuốc lá cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015.
Mức thuế này có lộ trình tăng lên thành 145% và năm 2018 đồng thời tiếp tục xem xét tăng thuế lên 155% vào năm 2020.
Theo nghiên cứu của ĐH Y tế công cộng năm 2010-2011, tổng chi phí y tế quy cho thuốc lá của 5 bệnh liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh đột quỵ) là 23.139,3 tỷ đồng (chiếm xấp xỉ 0,91% GDP của cả nước năm 2011).
Trong khi đó, tỷ lệ thuế thuốc lá của VN chiếm 41,6% trên giá bán lẻ và là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%, Úc 60%,... ).
Bộ Y tế đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá. Trước đó, trên vỏ bao thuốc lá đã phải in hình cảnh báo (ảnh: VietNamNet) |
Độ tuổi hút thuốc lá trong thanh thiếu niên VN ngày càng trẻ hóa. Bộ Y tế nhận định tại VN do thuế thuốc lá thấp nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ, tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá.
Do đó, Bộ Y tế cho rằng tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc lá, giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng.
Bộ Y tế đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm thuốc lá tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% và năm 2018 đồng thời tiếp tục xem xét tăng thuế lên 155% vào năm 2020.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho biết nếu chỉ tăng mức 10% vào năm 2015 và tăng tiếp 10% vào năm 2018 (như mức tăng vào năm 2006-2008) thì không làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá trong dài hạn và tỷ lệ giảm hút thuốc theo mục tiêu quốc gia sẽ không đạt được.
Mức tăng thuế này sẽ khiến giá bán lẻ thuốc lá sẽ tăng khoảng 21% trong giai đoạn 2015-2017 và tăng khoảng 17% cho giai đoạn 2018-2019.
Bộ Y tế cho rằng phương án này sẽ khiến tỷ lệ hút thuốc lá ở cả nam và nữ giảm xuống còn 19,6% và tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% (năm 2011) xuống còn 39% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, mặc dù tiêu dùng thuốc lá giảm nhưng nhờ mức tăng thuế mạng trên mỗi bao thuốc nên doanh thu thuế dự kiến vẫn đạt mức cao (năm 2015 dự kiến tăng thêm 9.065 tỷ đồng và năm 2018 sẽ tăng thêm 24.169 tỷ đồng so với 2014).
“Quan trọng hơn là số người hút thuốc sẽ giảm từ 15,3 triệu người xuống còn 13,1 triệu người và sẽ cứu sống được 726.000 người”, Bộ Y tế khẳng định.
Cẩm Quyên