- Chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn phải đảm bảo lợi ích của người nông dân, giúp người nông dân ổn định và tăng thu nhập dựa trên tăng năng suất và giá trị sản xuất nông nghiệp.

Khát vốn

Nông nghiệp hiện vẫn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, với nguồn lực đất đai và lao động lớn. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực nông nghiệp nông thôn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do khu vực nông nghiệp nông thôn chưa được đầu tư tương xứng.

Theo báo cáo chính thức, vốn đầu tư hàng năm cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Con số này có khoảng cách rất xa so với nhu cầu và càng giãn rộng nếu so sánh với khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ.

Vấn đề này thể hiện trong cả vốn đầu tư nhà nước, đầu trực tiếp nước ngoài cũng như đầu tư ngoài nhà nước, tín dụng ngân hàng…

Khu vực nông nghiệp nông thôn đang “khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng của hàng chục triệu hộ gia đình nông dân. Hiện nay, nông nghiệp nông thôn có nhu cầu lớn về vốn, trong đó rất cần vốn tín dụng để mua sắm những tư liệu sản xuất quan trọng cũng như vốn tín dụng nhằm cung cấp các tư liệu và thụ hưởng các loại hình dịch vụ khác…

Tuy nhiên, tất cả những nhu cầu đó đang bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân mà cản trở lớn nhất là thu nhập thấp.

{keywords}

Khu vực nông nghiệp nông thôn đang “khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng

Đến cuối năm 2009, Việt Nam đã gia nhập những nước có mức thu nhập trung bình với bình quân thu nhập đầu người năm 2013 đã đạt xấp xỉ 2.000 USD/năm song tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam vẫn còn cao. Đại đa số số hộ nghèo đó lại ở khu vực nông nghiệp nông thôn.

Các số liệu thống kê cho thấy, thu nhập của các hộ nông dân Việt Nam không chỉ thấp mà còn ngày càng cách xa so với thu nhập của khu vực thành thị phi nông nghiệp.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 2 triệu VND/tháng thì của khu vực nông thôn chỉ có hơn 1,5 triệu VND/tháng còn của khu vực thành thị tới hơn 3 triệu VND/tháng. Theo đó, chi tiêu của khu vực nông nghiệp nông thôn bị hạn chế rất nhiều với chi tiêu bình quân đầu người năm 2012 chỉ có 1,3 triệu VND/tháng trong khi con số này ở khu vực đô thị là 2,3 triệu VND/tháng, còn của cả nước là 1,6 triệu VND/tháng.

Rõ ràng, khu vực nông nghiệp nông thôn đang rất “khát” các nguồn vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống và khả năng chi tiêu, cải thiện các điều kiện văn hoá - xã hội,... nhưng vẫn đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa nhu cầu về vốn và thực tế đáp ứng.

Kích thích tín dụng nông nghiệp

Tỷ trọng tín dụng cho nông nghiệp trong tổng tín dụng hàng năm đã giảm từ mức xấp xỉ 30% giai đoạn 2002-2008 xuống còn khoảng 18% năm 2009.

Với những ưu đãi tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn như cho vay ưu đãi từ 50 triệu VND, thậm chí tới 500 triệu VND mà không cần tài sản thế chấp... Thực hiện tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho 6 NHTM có tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn từ 40% trở lên, qui định trần lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn... đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2012 tới gần 25%; cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng tín dụng chung.

{keywords}

Tỷ trọng tín dụng cho nông nghiệp trong tổng tín dụng hàng năm đã giảm từ mức xấp xỉ 30% giai đoạn 2002-2008 xuống còn khoảng 18% năm 2009

NHNN cho biết, đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,75%.

Tuy nhiên, đến nay, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn thiếu cả vốn dành cho sản xuất kinh doanh cũng như vốn dành cho đời sống sinh hoạt, thị trường tín dụng đen vẫn còn nhiều đất sống,...

Những năm gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới trong liên kết sản xuất nông nghiệp như mô hình 4 nhà (nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà nông, nhà sản xuất chế biến và tiêu thụ), cánh đồng mẫu lớn,... theo đó tín dụng trở thành một khâu quan trọng, thậm chí đóng vai trò then chốt trong vận hành các mô hình này.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các mô hình này vẫn là chưa làm rõ được vai trò và vị trí của hộ nông dân, theo đó, thiếu biện pháp cụ thể đảm bảo lợi ích thích đáng của hộ nông dân trong mô hình liên kết sản xuất mới nói riêng, trong chuỗi giá trị nông nghiệp và nền kinh tế nông nghiệp nói chung.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều lý do khác nhau để giải thích cho những khó khăn về tiếp cận tín dụng nói riêng, có vốn để sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt nói chung song tựu trung lại là những hạn chế nằm trong phương thức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay gắn với cái “vòng kim cô” là thu nhập thấp, nghèo nên thiếu vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu... cũng vì nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng, phải vay vốn với lãi suất thực tế cao hơn,... nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập và nông nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, khó có thể tạo ra và thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, chừng nào chúng ta chưa phá được cái “vòng kim cô” đó thì nông nghiệp nông thôn cũng như các hộ nông dân Việt Nam còn khó có thể phát triển được và khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ càng khó có thể thu hẹp.

Vì thế, bên cạnh những chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động... thì giải pháp để giải quyết ngay vấn đề vốn cho nông nghiệp nông thôn và nông dân chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.

Đặc biệt, cần xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp nông thôn và nông dân thay vì phải cầm cố hay “nộp” giấy sử dụng đất - tài sản gần như duy nhất đáng giá của các hộ nông dân.
Bên cạnh thực thi chính sách tín dụng lấy hộ nông dân làm trung tâm cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp qui mô lớn đi đôi với ứng dụng công nghệ cao - xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới.

Cho đến nay, cả nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu và công nghệ cao đều thuộc lĩnh vực được ưu đãi tín dụng, đặc biệt là ưu đãi về lãi suất và điều kiện tiếp cận tín dụng, tuy nhiên còn khoảng cách tương đối lớn giữa chính sách và thực tế.

Chính vì vậy, một mặt cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm tăng cường qui mô tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đi đôi với phối hợp nguồn vốn tín dụng với các nguồn lực tài chính đa dạng khác để tạo bước đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất lớn với công nghệ cao, tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, cần cơ cấu lại tín dụng cho phù hợp với mô hình sản xuất lớn, với những liên kết kinh tế mới, những chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp đầu vào, sản xuất nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm gắn với tăng hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản.

Theo đó, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, cả cơ cấu cũng như chính sách và cơ chế cần thay đổi theo hướng lựa chọn đúng khách hàng cho vay, tỷ lệ cho vay và điều kiện cho vay tương ứng phù hợp với từng đối tượng trong mô hình sản xuất lớn và chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, vừa tránh chồng chéo, trùng lắp, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng và quản lý tốt rủi ro tín dụng.

Đặc biệt là chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn phải góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ ràng buộc liên kết giữa các nhà trong chuỗi liên kết đồng thời góp phần phân bổ lợi ích hài hoà giữa các khâu trong chuỗi giá trị nông sản, chú trọng đảm bảo lợi ích của người nông dân, giúp người nông dân ổn định và tăng thu nhập dựa trên tăng năng suất và giá trị sản xuất nông nghiệp.

NH