Những con gà to béo, vàng ươm ở đây chị đã nhuộm màu bằng “bột sắt”, cậu không nên ăn loại gà này, nguy hại tới sức khoẻ.

Màu vàng của gà là màu của hóa chất

Thịt gà là thực phẩm phổ biến cùng với thịt bò và thịt lợn. Nhìn những con gà vàng ươm, béo ngậy được bày bán tại các chợ Thành Công, chợ Hà Đông, chợ Lĩnh Nam… khiến người ta liên tưởng tới những món ăn ngon miệng với món thịt gà trong mâm cơm gia đình.

Nhưng thời gần đây, dư luận không khỏi lo lắng khi có nhiều bài báo phản ánh về việc tiểu thương sử dụng “bột sắt” tẩm vào da gà để biến thịt gà công nghiệp có màu trắng chuyển sang màu vàng nhằm đánh lừa người tiêu dùng (NTD). Khi nhìn thấy da gà màu vàng NTD sẽ lầm tưởng là gà vườn hay gà Tàu lai chứ không phải gà công nghiệp. Nhờ vậy giá thịt gà tẩm “bột sắt” sẽ cao hơn, NTD dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, việc đánh lừa để thu lợi bất chính này rất nguy hiểm đến sức khỏe NTD.

Với những người bán gà thì nhìn con gà có da vàng ươm, béo ngậy, căng phồng ai cũng muốn mua. Do đó, dân buôn gà muốn bán được nhiều hàng thì trước khi mang đi bán, gà làm sẵn được nhuộm qua một loại màu là “bột sắt”. Loại bột này chỉ cần đổ vào nửa thìa cà phê là có thể nhuộm vàng được trên 100 con gà. Khi nhuộm xong thì nước màu sẽ ngấm sâu vào da gà, có rửa cũng không bị phai nên không sợ NTD phát hiện.

Trước đây, những người bán gà thường dùng bột nghệ để nhuộm màu nhưng màu không đẹp nên họ chuyển sang nhuộm bằng “bột sắt”. Và đa số những người bán gà dùng loại hoá chất này để nhuộm trước khi mang đi bán.

Tôi đến quán bán thịt gà làm sẵn của chị V (một người chị họ) ở chợ Thành Công mua một con gà về làm cơm. Chọn ngay con gà màu vàng béo ngậy, tôi bảo bà chị tính tiền để ra về. Chị ngăn lại rồi bảo: “Cậu về nhà chọn con nào ngon trong lồng rồi bảo anh làm cho. Gà này chị không bán cho cậu được”.

Khi tôi thắc mắc được chị bật mí: “Những con gà to béo vàng ươm ở đây chị đã nhuộm màu bằng “bột sắt”. Phải nhuộm màu cho chúng thì mới dễ bán, nhiều người rất chuộng hình thức khi mua gà, cứ con nào to, béo và da vàng, căng phồng thì họ mới thích”.

Về nhà chị V, tôi thấy anh Th, chồng chị đang lúi húi vặt lông gà. Số lượng gà mà anh đã làm lông xong lên tới 50 con.

Anh Th, sau khi chào hỏi vài câu xã giao lại tiếp tục công việc. Sau khi làm xong lông, anh múc 2 muỗng hoá chất bỏ vào nồi nước đang sôi, lập tức nước trong nồi chuyển sang màu vàng ươm. Sau đó, anh Th cầm chân từng con gà đã làm sạch lông, nhúng toàn thân vào nồi, đảo qua lại 2 lần cho màu thấm vào rồi nhấc nhanh ra. Tức thì, toàn thân con gà vàng ươm, da căng phồng, khác hoàn toàn màu trắng nhợt, da nhăn lúc mới vặt lông xong.

Cứ làm như vậy trong vòng 15 phút, gần 50 con gà được anh Th nhuộm màu xong, trông thật đẹp và bắt mắt.

“Bột sắt” rất chuẩn. Đấy các chú xem, tôi chỉ cần bỏ vào chút xíu là gà vàng ươm, nếu muốn vàng đậm để nướng hoặc quay, tôi bỏ thêm bột vào nồi sẽ cho ra “sản phẩm theo ý muốn”, Th giải thích thêm.

Buổi chiều tôi tìm đến chợ Đồng Xa, tại chợ này có hàng chục quầy bán thịt gà làm sẵn. Tại một cửa hàng bán gà ngay đầu chợ, giải thích màu vàng ươm của da gà, chủ cửa hàng nói: “Đây là gà ta nhưng được nuôi cám ngô nên da gà mới có màu vàng đẹp như thế. Ăn loại gà này thịt vừa dai vừa thơm và ngậy, đảm bảo rất ngon”. Khi thấy tôi nghi ngờ liệu có phải ngâm bột sắt - một loại hóa chất giúp da thịt gà chuyển từ màu trắng sang màu vàng - chủ cửa hàng vừa xua tay, vừa bảo: “Tại mọi người thích mua gà vàng óng, căng phồng thì chúng tôi phải nghĩ ra cách để chiều thôi, hỏi han gì, lắm chuyện. Anh đã nghi ngờ như vậy thì đến quầy khác mà mua. Ở đây, chẳng quầy nào không nhuộm cả”.

Theo chỉ dẫn của anh Th, tôi tìm đến phố Hàng Khoai (Hà Nội) tìm mua “bột sắt”. Thấy tôi lớ ngớ, vừa đi vừa ngó nghiêng. Một phụ nữ khoảng trên 50 tuổi ngồi trong quán hỏi: Tìm mua gì vậy?. Tôi trả lời: “Tôi đang tìm mua “bột sắt”.

Chỉ cần có vậy, bà ta mời chào: “Vào đây tôi bán cho, anh muốn mua bao nhiêu cũng được. Mua nhiều thì tôi giảm giá, mua về nhuộm gà chứ gì”. Tôi hỏi mua 3 lạng. Bà ta bĩu môi có ý mỉa mai: “Mới vào nghề buôn gà hay sao mà mua ít thế. Dân buôn chuyên nghiệp ngày nào cũng tới mua cả cân, chẳng ai mua 3 lạng bao giờ…”.

Nói xong, bà vẫn đưa gói bột cho tôi và thu 45.000 đồng/3 lạng “bột sắt”. Về nhà, tôi lấy thử một chút “bột sắt” ra hòa tan. Bị nước màu dính vào tay, tôi cố gắng dùng xà phòng rửa thế nào cũng không sạch!.

{keywords}

{keywords}

Nhiều con gà vàng ươm, béo ngậy được nhuộm bằng “bột sắt”

Ngon + béo ngậy + bắt mắt= ung thư(!?)

Qua tìm được biết, “bột sắt” là loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm. Chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, hôn mê. Triệu chứng khi nuốt phải lượng lớn: đau bụng, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ, lịm dần.

Loại này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm, giá nhập từ Trung Quốc khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg, hoá chất này gây độc hại cho gan và thận, có thể gây chết người ở liều lượng cao. Ngoài ra, nhiều người còn dùng acid orange – một loại phẩm màu công nghiệp được dùng trong sản xuất nhang và nhuộm vải, để nhuộm cho da gà, măng… có màu vàng tươi hấp dẫn. Loại phẩm này có giá từ 30 – 40 nghìn đồng/kg trong khi phẩm màu vàng dùng cho thực phẩm giá cao hơn rất nhiều lần.

Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu đúng là dùng bột sắt để nhuộm vàng thì cũng không quá lo ngại vì “bột sắt” có 3 màu vàng, đen, nâu đều được cho phép trong công nghệ thực phẩm.

“Tuy nhiên, thực tế việc tìm xem người bán dùng loại nào để nhuộm vàng cho gà là rất khó. Có rất nhiều hóa chất khác nhau dùng để nhuộm, đặc biệt các chất gốc azo thì rất độc, chúng có khả năng giải phóng vòng benzen, có thể gây ung thư, nhẹ thì có thể gây dị ứng. Với trẻ nhỏ, việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, thiếu động thái quá hoặc lơ đãng”, PGS. Thịnh nói.

Chính vì những tác hại trông thấy, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, TP công văn về việc tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm.

Công văn nêu rõ, thịt gà làm sẵn nhuộm màu “vàng ươm” bởi thứ hóa chất gọi là “bột sắt”. Văn bản này đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh TP chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng hóa chất, phụ gia, chất nhuộm màu thịt gà nói riêng và thực phẩm nông lâm thủy sản nói chung.

Tuyên truyền cho các hộ kinh doanh không sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, không có tên trong danh mục được phép sử dụng để nhuộm màu thực phẩm nói chung, thịt gà nói riêng.

Thực tế vẫn có nhiều người kinh doanh dùng bột sắt. Do đó, NTD cần cảnh giác khi mua các thực phẩm trên.

(Theo Phapluatxahoi)