- "5 tháng qua, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tương đối bình thường, nhưng cần phải được nghiên cứu và dự báo để kịp thời ứng phó nếu tình hình tiếp tục phức tạp", Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lưu ý.

Chiều 3/6, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã cho biết Bộ đã có kế hoạch chủ động tái cơ cấu xuất khẩu trong tình hình mới.

- Thưa ông, xin ông cho biết, tình hình tại Biển Đông hiện nay ảnh hưởng như thế nào tới việc xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc?

5 tháng qua, quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vẫn tương đối bình thường, cả chính ngạch và tiểu ngạch. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng, khả năng diễn biến như thế nào cần phải được tiếp tục nghiên cứu, có những phân tích, có những dự báo để chúng ta kịp thời ứng phó nếu tình hình tiếp tục phức tạp.

- Thưa ông, lâu nay Việt Nam vẫn đang nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Bộ Công Thương dự kiến sẽ ứng phó thế nào nếu tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng?

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó tập trung Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT chủ động tiếp tục tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Theo đó, cố gắng làm sao vừa khai thác sâu hơn thị trường truyền thống, vừa tìm kiếm mở rộng các thị trường mới, không quá phụ thuộc vào thị trường duy nhất. 

{keywords}
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Riêng đối với Trung Quốc, đây là một đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23%. Vì vậy, việc chúng ta duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc là một điều cần phải được tiếp tục.

Nhưng mặt khác, vì chúng ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc nên từ nhiều năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, tìm một số biện pháp khắc phục như đa dạng hoá các thị trường để có thêm thị trường mới nữa, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Hiện nay, chúng ta đã làm và vẫn đang tiếp tục làm.

Tôi nghĩ rằng, đây là một dịp để chúng ta thực hiện tích cực hơn, quyết liệt hơn chủ trương tái cơ cấu, mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, Mỹ là ngành dệt may, da giày lại đang phải nhập nguyên phụ liệu khá lớn từ Trung Quốc. Theo ông, các ngành này cần phải cải thiện tình hình như thế nào?

Vừa qua, với nỗ lực, cố gắng của hai ngành này, tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu nước ngoài để sản xuất mặt hàng dệt may, da giày, trong đó có phục vụ cho xuất khẩu đã ngày càng giảm, thay vào đó, tỷ lệ ta tự sản xuất được nguyên phụ liệu tăng lên. Bình quân hiện nay, chúng ta tự cân đối được nguyên phụ liệu khoảng 60% cho dệt may và xấp xỉ 70% đối với da giày. Còn lại, chúng ta phải nhập khẩu. 

{keywords}
Một số ngành sản xuất ở Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc

Trung Quốc từ nhiều năm nay là đối tác thương mại truyền thống của chúng ta, vì khoảng cách địa lý gần, vì nguồn cung của nước này dồi dào, giá cả cạnh tranh. Cho nên, tỷ lệ nhập nguyên phụ liệu cho 2 ngành này chiếm tỷ trọng khá lớn từ nguồn gốc Trung Quốc.

Song, đứng trước tình hình hiện nay, cũng giống như trong tái cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, chủ trương của Chính phủ là mở thêm các thị trường xuất khẩu và thị trường nhập khẩu mới, đa dạng hoá các nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh để chúng ta phụ thuộc vào một hay vài đối tác. Đi đôi với đó, tăng cường phát triển các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu cho hai ngành này ở trong nước.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn các giải pháp này, đặc biệt, trong bối cảnh tình hình hiện nay.

- Thưa ông, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác dụng như thế nào trong việc đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc?

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất khi đàm phán gia nhập TPP của chúng ta là đạt được lợi ích cơ bản như mở cửa thị trường hàng hoá, trong đó, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế như da giày, dệt may, nông sản có thể thâm nhập ra ngoài với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn vào thị trường quốc tế, trước hết là 11 nước thành viên TPP.

Nếu ta đàm phán TPP kết thúc thành công thì chắc chắn rằng, khả năng chúng ta tăng xuất khẩu đối với mặt hàng lợi thế như nông thuỷ sản tăng lên sẽ rất rõ rệt. Vì ta được ưu đãi về thuế, được hưởng thuận lợi về thủ tục hành chính trong các nước TPP. Đây là nội dung căn bản mà ta phải đàm phán bằng được trong TPP.

Phạm Huyền (ghi)