- 'Khi khó khăn, không xin gì cả, không giảm hay hoãn thuế, không ưu đãi đầu tư, giảm lãi suất... thay vào đó, sáng tạo và chấp nhận rủi ro, đảm bảo bền vững tài chính, doanh nghiệp Nhà nước mới xứng với vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế', TS Nguyễn Đình Cung nói.

Khó khăn: Thôi đừng xin

Hiện nay, các DNNN 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khối tài sản tới 122 tỷ USD, tương đương 71% GDP. Vốn chủ sở hữu khoảng 52 tỷ USD. Nếu tính tổng tất cả tài sản của các DNNN thì khoảng 240 tỷ USD, bằng 34% tổng giá trị tài sản của toàn bộ doanh nghiệp.

Tại hội thảo mới đây về DNNN, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhận định: "DNNN còn nhiều tồn tại yếu kém, chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, hiệu quả đóng góp cho xã hội chưa tương xứng với nguồn lực mà DN này đang nắm giữ.

Ông dẫn chứng: "Năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Theo tính toán của WB, giai đoạn 2000-2008, khoảng cách chênh lệch về năng suất lao động giữa DNNN và các loại hình DN khác đã được nới rộng từ tỷ lệ 1:4 lên 1:10. Tỷ lệ doanh thu trên lao động của DNNN chỉ tăng từ 0,6 lên 1,7 lần trong khi toàn bộ khu vực DN tăng từ 2,7 lần lên 16,3 lần".

{keywords}

"... sáng tạo và chấp nhận rủi ro, đảm bảo bền vững tài chính, doanh nghiệp Nhà nước mới xứng với vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế', TS Nguyễn Đình Cung nói.

"Các DN này đang sử dụng 70% đất đai, 70% vốn viện trợ ODA, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng lại chỉ đóng góp 32% tổng GDP quốc gia. Đặc biệt, một số DNNN làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước đã gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, kết quả tái cơ cấu DNNN vẫn còn rất khiêm tốn", GS Huệ cho hay.

Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: "Đảm bảo bền vững tài chính phải là điểm xuất phát đầu tiên trong cải cách DNNN".

"Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước cần đặt yêu cầu DNNN phải hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận ít nhất cũng phải tương đương lãi suất trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, các DN này phải dần cải thiện đòn bẩy tài chính", TS Cung đề nghị.

Theo TS Cung, có nhiều việc đã nói nhiều mà vẫn chưa làm được, đến nay, dứt khoát, quyết tâm phải có sự thay đổi. Điển hình như việc phải áp dụng đầy đủ luật thị trường và chế độ ngân sách cứng đối với DNNN.

"Khi kinh doanh thua lỗ, khó khăn, DNNN phải quyết không xin và không được xin giảm hay hoãn thuế, khoanh nợ, giảm lãi suất, hay xin hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hay bất cứ ưu đãi đặc biệt nào khác. Thay vào đó, các DN phải phân tích được nguyên nhân thua lỗ để giải quyết theo quy luật thị trường. Nếu như tại yếu tố con người thì phải thay người, nếu tại khách quan thì phải chịu...", ông phân tích.

"Các DNNN không được chuyển thua thiệt này về cho xã hội, TS Cung nhấn mạnh.

Gỡ khó tư duy cho DNNN

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều DNNN cũng lo ngại, mong muốn đổi mới đang gặp nhiều khó khăn từ chính tư duy quản lý của Nhà nước.

Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV băn khoăn: "DNNN nào có khả năng thực hiện được vai trò nòng cốt, then chốt đó?". Theo ông, trước hết, đó phải là DN có quy mô, hiệu quả, chất lượng hoạt động tốt.

{keywords}

Lãnh đạo nhiều DNNN cũng lo ngại, mong muốn đổi mới đang gặp nhiều khó khăn từ chính tư duy quản lý của Nhà nước.

"Những doanh nghiệp đạt được tiêu chí trên, đảm bảo thu nộp ngân sách, có trình độ công nghệ cao, sáng tạo sản phẩm mới thì mới có thể dẫn dắt được thị trường", ông Tú nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) than phiền: "Nhà nước cần phải giải quyết được mâu thuẫn mục tiêu công ích và mục tiêu lợi nhuận để đảm bảo lợi ích cho cổ đông".

"Nhà nước cần sớm tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng công ích, bình ổn thị trường để đánh giá đúng hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của DNNN phải được thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường", vị này liệt kê cụ thể.

TS Nguyễn Đình Cung cho biết, chính vì sự lúng túng, không nhất quán như các DN phản ánh trên nên nhiều nhiệm vụ được giao cho DNNN không phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.

Theo đó, TS Cung đề cập việc cấp thiết áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế cho DNNN. Chẳng hạn, việc trả lương , thưởng cần theo hiệu quả hoạt động của DN và cung cầu thị trường lao động. Vì không rõ ràng nên đôi khi, công bố thông tin trả lương vài chục triệu cho lãnh đạo DNNN, xã hội tưởng là cao, nhưng không rõ là cao so với hiệu quả hay so với cái gì.

Đặc biệt, ông Cung đề nghị thay đổi tư duy thanh tra, kiểm tra để mở đường cho sáng tạo, chấp nhận rủi ro kinh doanh cho khu vực này. Bởi vì, khi sáng tạo, có thể sẽ phải chấp nhận rủi ro. Nhưng vì những rủi ro này có thể sẽ bị đánh đổi bằng cả sứ mệnh chính trị của cá nhân người quản lý thì khu vực DNNN sẽ khó thu hút được người quản lý giỏi.

Ông Cung nhấn mạnh rằng, nếu không có những thay đổi trên thì DNNN nói chung khó có thể hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình, ngay cả nhiệm vụ trước mắt là nâng cao hiệu quả dụng hiệu qủa khối tài sản khổng lồ hiện có.

Phạm Huyền